Trở lại đất anh hùng Đạ Chais

04:04, 28/04/2013

Bây giờ, để đến được quê hương của những người anh hùng người dân tộc thiểu số ở Đạ Chais dưới chân núi Bidoup của huyện Lạc Dương quả thực là không có gì khó khăn - chỉ cần lên xe máy chạy khoảng hai tiếng đồng hồ là đến nơi. Ấy vậy mà những đã hai chục năm rồi tôi mới trở lại vùng đất đó để gặp lại những con người ấy.

Bây giờ, để đến được quê hương của những người anh hùng người dân tộc thiểu số ở Đạ Chais dưới chân núi Bidoup của huyện Lạc Dương quả thực là không có gì khó khăn - chỉ cần lên xe máy chạy khoảng hai tiếng đồng hồ là đến nơi. Ấy vậy mà những đã hai chục năm rồi tôi mới trở lại vùng đất đó để gặp lại những con người ấy. Họ là những Kasá Hà Siêng, Kasá Hà Ba… - những người một thời cùng với buôn làng nhịn ăn để ủng hộ lương thực cho bộ đội, những người một thời cùng buôn làng dời dân vào tận vùng sâu để lập phòng tuyến chống địch…

Vào đến trung tâm xã Đạ Chais, tôi dừng lại bên một quán nước. Chủ quán là người Kinh nhưng thuộc vanh vách khi tôi hỏi đường: “Anh đi ngược lại khoảng hơn cây số là Đưng Tpó, còn chỗ này là Klong Klăn, chếch phía kia là Đồng Mang, còn vào sâu chút nữa là Đưng Ksị. Trong tôi, mấy cái tên làng nghe rất đỗi thân quen nhưng để nhận ra đâu là “chốn rừng thiêng” của cách nay hai mươi năm thì quả là vô cùng khó.

Trẻ em dân tộc thiểu số vùng sâu Đạ Chais đến trường
Trẻ em dân tộc thiểu số vùng sâu Đạ Chais đến trường


* CẢ LÀNG THEO CÁCH MẠNG

Lần ấy, từ Đà Lạt, tôi với một đồng nghiệp phải mất nguyên một ngày trời mới đến được đây. Còn bây giờ, chỉ mới… vù nhoáng cái là đến. Rồi nữa, buôn làng cũng đổi khác quá rồi, không còn nhận ra đâu là con suối Đạ Sị, đâu là suối Đưng Tpó… mà chúng tôi hai mươi năm trước phải vô cùng vất vả mới “dẫn” được chiếc xe máy qua để trở về Đà Lạt. Lần ấy, chúng tôi gặp lũ nguồn nên mấy con suối cạn hôm trước đều biến thành sông. Các già làng Kasá Hà Siêng, K’Rang… phải huy động hơn chục trai làng ra suối kéo gỗ làm cầu mới đưa được xe sang.

Tôi tìm đến nhà già làng Kasá Hà Siêng. Cũng không mấy vất vả. Trong làng, nhiều người Kinh mới vào đây lập nghiệp sau này cũng biết tên ông. Gặp lại tôi, quả thật là hai mươi năm rồi mà ông vẫn nhận ra: “Ôi, cái thằng khiêng xe qua suối đây mà…!”. Chúng tôi ôn lại chuyện cũ. Ông hỏi thăm nhiều người là đồng nghiệp của tôi nữa chứ không chỉ riêng chuyện ông còn nhận ra “cái thằng khiêng xe” này không thôi đâu. Nhớ lại chuyện cũ, già làng Kasá Hà Siêng nói ngay chứ không đợi tôi hỏi: “Già làng K’Rang mất từ hồi năm 1994 rồi. Hồi sau cái năm lũ nguồn ấy đấy!”. Sở dĩ phải nhắc đến già làng K’Rang là vì đây là một trong hai già làng rất có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Đạ Chais. Ông cũng là một trong những nhân vật “có tên tuổi” từ hồi trước bảy lăm trong vận động dân làng vào rừng sâu lập làng kháng chiến. Nhắc lại chuyện này, già làng Kasá Hà Siêng nhớ nằm lòng: “Dân Đạ Chais mình hồi đó chỉ ba chục cái nóc nhà thôi, khoảng ba trăm năm chục người dân. Hồi đó, Đạ Chais có ba buôn là Đồng Mang, Đạ Tro và Đưng Tpó. Hồi năm 62, ba mươi cái nóc nhà của dân Đạ Chais mình đã phá ấp chiến lược, bỏ làng vào rừng sâu lập căn cứ kháng chiến. Từ đó đến 75, có thêm 5 lần dời làng nữa. Dời làng là theo yêu cầu kháng chiến mà. Dời làng để nuôi quân, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Cả dân Đạ Chais này theo cách mạng, già trẻ lớn bé gì cũng theo hết. Lớn thì vô du kích đánh giặc. Nhỏ thì theo mẹ lên nương lên rẫy làm ngô làm lúa rẫy tiếp tế lương thực cho bộ đội…”. Rồi nữa, có lẽ chuyện này cũng đáng nói lắm: Trong kháng chiến chống Mỹ, Đạ Chais là xã trăm phần trăm người dân tộc thiểu số có các tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, một trung đội du kích và có cả Ban Chỉ huy Xã đội. Tỉnh ủy Tuyên Đức và Huyện ủy Lạc Dương ngày trước cũng có một thời đứng chân trên địa bàn rừng núi Đạ Chais và luôn được lực lượng du kích ở đây bảo vệ an toàn. Không chỉ thế, lực lượng du kích Đạ Chais còn là lực lượng rất tin cậy trong việc trông coi trại giam tù binh và đồng thời bảo vệ hành lang chiến lược của tỉnh trong suốt thời kỳ chống Mỹ.

Già làng Kasá Hà Siêng (phải) và ông Kasá Hà Ba ôn lại chuyện cũ
Già làng Kasá Hà Siêng (phải) và ông Kasá Hà Ba ôn lại chuyện cũ


* NHỮNG CON NGƯỜI MỘT THỜI

Nói Đạ Chais cả làng theo kháng chiến quả là đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Theo ký ức của người già thì ngày trước, dân làng Đạ Chais cứ hễ lớn lên biết cầm con dao là biết vót chông, con trai lớn thêm tí nữa là cầm súng vô du kích hoặc vào bộ đội chủ lực; người già thì lên nương trồng tỉa để lấy lương thực nuôi quân… Chông và cạm bẫy của con trai con gái Đạ Chais đã từng làm nên một tuyến bố phòng dài cả chục cây số khiến cho kẻ địch bao phen khiếp vía khi càn vào đây. Rồi, cũng những ngày ấy, dân Đạ Chais còn huy động cả làng đi dân công tải đạn, tải lương thực thực phẩm, hàng hóa và cả phục vụ thương binh. “Hồi ấy, dân Đạ Chais mình có lúc xuống tận Vũng Rô (Phú Yên) để tải vũ khí từ Bắc đưa vào đó chớ!” - già làng Kasá Hà Siêng nhớ lại. Đến giờ, vẫn còn nhiều người phục vụ chiến đấu kiểu tải đạn, tải lương thực ở Đồng Mang, Đưng Tpó, Klong Klăn… của Đạ Chais nhớ như in chuyện cũ.

Gặp K’Roong (51 tuổi ở buôn Klong Klăn), tôi nghe anh kể chuyện: “Bố mình là K’Khoang, mẹ là Ka Yá. Họ mất cả rồi. Hồi chiến tranh, cả hai đều tham gia kháng chiến, cả hai đều xuống tới dưới biển để chuyển vũ khí. Mình đang làm chế độ cho hai người nhưng chưa xong…”. Quả thật, những con người “của một thời” như thế ở Đạ Chais thì nhiều lắm. Nói như già làng Kasá Hà Siêng là “Cả cái xã Đạ Chais này hết đánh Mỹ rồi đến giải quyết chuyện Fulro nên hầu hết là người có công. Mà bà con mình thì sau giải phóng có mấy ai còn lưu giữ những thứ giấy tờ này nọ đâu…”. Tôi hỏi: “Còn bản thân già làng thì sao? Hồi tham gia có đánh trận nhiều không?”. “Mình tham gia kháng chiến ở vùng rừng này nè! Mình ở trong bộ đội “đường dây”. Chuyện đánh trận hả? Đi lính mà không đánh thì.. làm gì! Có mấy trận mình tham gia cũng “vang” lắm! Ví dụ như trận đánh vào Sở trà Cầu Đất (Đà Lạt), đánh vào ấp Quảng Hiệp (Đức Trọng), pháo kích Trường Võ bị Đà Lạt, đánh sân bay Cam Ly…”. Giải phóng về, ông là Huyện ủy viên (Lạc Dương), sau đó được tăng cường vào Đạ Sar (một xã cũng thuộc huyện Lạc Dương) làm Chủ tịch Mặt trận… đến 96 thì về hưu. “Sẵn… trớn”, tôi hỏi luôn: “Vậy, phần thưởng thì sao, thưa già?”. Già làng Kasá Hà Siêng cười: “Một Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, chín mươi mấy cái bằng khen…”.

Còn đây là Kasá Hà Ba, cũng là một trong những người giúp tôi đưa xe qua suối cách nay hai mươi năm. Kasá Hà Ba năm nay đã gần 70 tuổi. Hồi năm 22 tuổi (1967), Kasá Hà Ba tham gia cách mạng, thuộc lực lượng thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Năm 1970, trong một trận chống càn, ông bị thương. Kasá Hà Ba nói: “Mình bị thương ở ngay Đạ Mưng này thôi, tức là sau khi đi biên giới về lại Đạ Chais. Mảnh đạn cối giờ vẫn đang còn trong đùi này đây. Bác sỹ bảo cứ để nguyên nó vậy, mổ lấy không được đâu!”. Nhìn vào cuốn sổ tay của tôi, ông nói thêm: “Ôi, người như mình ở Đạ Chais này nhiều lắm! Cuốn sổ ấy nhỏ quá, ghi không hết chuyện của làng kháng chiến này đâu!”.

* LÀNG DƯỚI CHÂN NÚI

Bây giờ, con đường nhựa nối Đà Lạt (Lâm Đồng) với Nha Trang (Khánh Hòa) đi ngang qua Đạ Chais đã tạo cho vùng đất này một thế phát triển mới. Vào đây, tôi đã kết nối wifi để truyền tin bài đến tẩn tận đẩu đâu chứ nơi này không còn là vùng đất cách biệt như hồi hai mươi năm về trước. Tôi hỏi kheo khéo già làng Kasá Hà Siêng: “Già ơi, bà con mình có ai đi làm rừng không?”. Già tinh ý: “Làm rừng theo kiểu nào? Theo kiểu nông lâm hay đi làm lâm tặc? Ở đây, nhà nào cũng nhận rừng để quản lý bảo vệ. Rừng Bidoup này là của dân mình mà, phải bảo vệ nó chớ! Hồi kháng chiến, cái rừng này bảo vệ dân, nuôi bộ đội. Nay Nhà nước nói dân mình bảo vệ thì phải bảo vệ nó chớ! Ở đây, không có thanh niên nào vào rừng cưa gỗ lậu đâu! Có chăng là người nơi khác đến thôi!”. Điều này được ông Bonto Ha Yiêng (Chủ tịch xã Đạ Chais) và anh Lê Văn Hương (Giám đốc VQG Bidoup Núi Bà) xác nhận: Hầu hết bà con dân tộc thiểu số ở Đạ Chais (với số dân cả xã hiện nay khoảng 1.500 người, 300 hộ) đều được nhận rừng. “Ở hai thôn Klong Klăn và Đưng Ksị thuộc lâm phần của Trạm Kiểm lâm Klong Klăn - Hạt Kiểm lâm Bidoup, VQG Bidoup Núi Bà, có hơn 90 hộ nhận QLBV hơn 4.000ha rừng. Với mức 350.000 đồng/ha thì mỗi năm mỗi hộ có thu nhập thêm cũng kha khá!” - anh Nguyễn Thành Minh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Klong Klăn, cho biết. Nói như già làng Kasá Hà Siêng hay như Chủ tịch xã Ha Yiêng thì “Chỉ thỉnh thoảng ở Đạ Chais mới xảy ra một vụ lấn chiếm đất rừng nhưng ngay lập tức người lấn chiếm được nhắc nhở, nếu lớn hơn thì đưa ra dân kiểm điểm nên dân xã này chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện phá rừng đâu!”.

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Dương, những buôn làng dưới chân núi Bidoup này đến nay có không nhiều hộ giàu nhưng về cơ bản là không còn nhiều hộ đói như những năm trước. Tôi muốn đi tìm một con số của Đạ Chais là GDP bình quân đầu người nhưng quả thực nghĩ lại thấy không cần thiết. Bởi, tôi đã từng đến đây từ hai mươi năm về trước và… bây giờ nên cũng phần nào hình dung được cuộc sống của người dân tộc thiểu số dưới chân núi Bidoup này thay đổi ra sao, phát triển ra sao.

Đêm, tôi lưu lại ở làng Klong Klăn để tìm cảm giác “đêm rừng” của hai mươi năm về trước. Nhưng, mấy chàng thanh niên lại nói với tôi rằng “Muốn có cảm giác ấy thì có ngay thôi, nhưng phải… mang rượu cần ra rừng; còn ở đây, giờ đã là “phố” rồi!”.

Phóng sự: Khắc Dũng