Vào vùng sốt rét lưu hành

09:04, 26/04/2013

(LĐ online) - Ngày 25/4, tại xã Phước Cát II, huyện Cát Tiên, Trung tâm Y tế Dự phòng phối hợp với Trung tâm Y tế Cát Tiên tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4 và triển khai kế hoạch phòng chống sốt rét đợt 1 năm 2013 trên phạm vi toàn tỉnh và ngăn chặn sốt rét kháng thuốc ở riêng địa bàn huyện Cát Tiên.

(LĐ online) - Ngày 25/4, tại xã Phước Cát II, huyện Cát Tiên, Trung tâm Y tế Dự phòng phối hợp với Trung tâm Y tế Cát Tiên tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4 và triển khai kế hoạch phòng chống sốt rét đợt 1 năm 2013 trên phạm vi toàn tỉnh và ngăn chặn sốt rét kháng thuốc ở riêng địa bàn huyện Cát Tiên.

“Đầu tư cho tương lai - đánh bại bệnh sốt rét”

Cũng giống như tất cả các cuộc ra quân, diễu hành thường thấy, có lời phát động, có hưởng ứng của các lực lượng ban, ngành, đoàn thể và có diễu hành xe loa cổ động, riêng lễ ra quân phòng chống sốt rét ở Phước Cát II có khác do lực lượng tham gia chủ yếu là thanh niên và học sinh. Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm nay do WHO lựa chọn: “Đầu tư cho tương lai, đánh bại bệnh sốt rét”, thông tin được đưa ra như nhắc nhở mọi người ý thức về căn bệnh toàn cầu với 2,4 tỷ người đang sống trong vùng sốt rét lưu hành tại 100 quốc gia, hàng năm có 2,6 triệu người tử vong do sốt rét và 300 triệu người bị ảnh hưởng sức khoẻ. Ở Lâm Đồng còn 530 thôn bản của 110 xã nằm trong vùng trọng điểm sốt rét với 355.341 người dân trong vùng cần giám sát trọng điểm sốt rét. Chúng tôi vào vùng trọng điểm sốt rét lưu hành ở Cát Tiên nhận thấy có một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến đẩy lùi sốt rét ở vùng đất này.

BS Nguyễn Ngọc Minh - Trưởng Phòng khám khu vực Phước Cát I đang khám và cấp thuốc, quản lý hồ sơ bệnh nhân Nguyễn Văn Thà, người nói rằng: “Sợ nhất là sốt rét ác tính”
BS Nguyễn Ngọc Minh - Trưởng Phòng khám khu vực Phước Cát I đang khám và cấp thuốc, quản lý hồ sơ bệnh nhân Nguyễn Văn Thà, người nói rằng: “Sợ nhất là sốt rét ác tính”


Thạc sĩ Chu Thị Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phát biểu: Ở Lâm Đồng nhiều năm qua sốt rét được khống chế, số bệnh nhân sốt rét giảm 13% (năm 2011 có 412 ca, năm 2012 có 312 ca), không có ca tử vong do sốt rét, tuy nhiên số mắc sốt rét ác tính lại tăng (năm 2012 có 3 ca, năm 2011 chỉ có 1 ca). Nguy cơ sốt rét ác tính và sốt rét kháng thuốc đang là thách thức trong chương trình phòng chống sốt rét quốc gia để đạt mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2020.

BS Lê Văn Chánh - Đội trưởng Đội Y tế Dự phòng huyện Cát Tiên là người có thâm niên ngót 30 năm công tác y tế ở vùng Cát Tiên kể chuyện những năm dập dịch sốt rét như câu chuyện cổ tích: Cát Tiên thuộc vùng sâu, vùng xa nằm trong vùng sốt rét lưu hành, lịch sử phát triển của Cát Tiên cũng phải nhắc đến cuộc chiến đẩy lùi bệnh sốt rét. Tôi nhớ mình với xe đạp cọc cạch, một cặp bánh chưng để cho “chân cứng đá mềm” và túi thuốc đến với bà con chống dịch. Bà con Châu Mạ ngày ấy còn giữ tập tục lạc hậu hễ trong buôn có người chết thì dân làng không được đi ra khỏi buôn trong vòng 10 ngày. Vì vậy, chúng tôi phải can thiệp sơ cứu ngay tại chỗ, truyền dịch cho người bệnh cầm cự qua hết thời gian kiêng cữ của lệ làng thì mới đưa bệnh nhân ra trạm y tế cứu chữa. Những ngày ấy đã xa rồi!

Ngăn chặn sốt rét kháng thuốc

Ba năm qua, huyện Cát Tiên được chương trình phòng chống sốt rét quốc gia và WHO tài trợ để triển khai các hoạt động ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin. Nguyên nhân là bởi huyện Cát Tiên giáp ranh với huyện Bù Đăng của tỉnh Bình Phước. Bù Đăng được xếp vào vùng sốt rét kháng thuốc, vì vậy, Cát Tiên phải có biện pháp ngăn chặn sốt rét kháng thuốc từ số dân di cư qua lại làm ăn trên vùng giáp ranh.

BS Nguyễn Xuân Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Cát Tiên cho biết các hoạt động chuyên môn ngăn chặn sốt rét kháng thuốc bao gồm:  Ngăn chặn sự gia tăng và lây lan của ký sinh trùng kháng Artemisinin bằng phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả cho người nhiễm ký sinh trùng sốt rét (điều trị sạch ký sinh trùng và điều trị chống lây lan); phát hiện bệnh chủ động (điều trị dịch tễ), nghĩa là y tế thôn thăm hỏi các gia đình và lấy lam, test chẩn đoán nhanh cho người có sốt một lần/tuần; theo dõi hiệu quả điều trị và nghiêm cấm điều trị sốt rét bằng Artesunat đơn thuần, dùng thuốc giả, thuốc kém chất lượng để chữa sốt rét; tập trung phòng chống sốt rét cho nhóm dân di biến động nhằm hạn chế sự lây lan sốt rét kháng thuốc ra nơi khác; cung cấp màn đơn tẩm hoá chất tồn lưu.

Tại 12 trạm y tế xã đều có điểm kính hiển vi và 2 điểm kính hiển vi tại Trung tâm Y tế huyện, ở 81 thôn bản có 86 nhân viên y tế thôn bản. Ngoài lực lượng y tế, ở Cát Tiên áp dụng mô hình phòng chống sốt rét dựa vào cộng đồng, bệnh nhân được phát hiện sớm và quản lý chặt chẽ. Kết quả bước đầu qua 3 năm ngăn chặn sốt rét kháng thuốc ở Cát Tiên tỉ lệ bệnh nhân mắc sốt rét giảm dần. Năm 2012 toàn huyện có 27 ca bệnh sốt rét được phát hiện là đối tượng đi rừng, làm rẫy tại các vùng: Bình Phước, Đắc Nông, Đắc Lắc, Bảo Lâm, Campuchia nhiễm bệnh về địa phương được phát hiện và điều trị, không có sốt rét ác tính, không có tử vong, đạt các chỉ số mục tiêu của dự án, 96% người dân ngủ màn tẩm hoá chất tại các xã.

3 tháng đầu năm 2013, Cát Tiên phát hiện 10 ca sốt rét, trong đó có 3 ca từ Bình Phước về. Tại phòng khám khu vực Phước Cát I là nơi chăm sóc sức khoẻ cho bà con 3 xã Phước Cát I, Phước Cát II, Đức Phổ và vùng lân cận của huyện Bù Đăng (Bình Phước), chúng tôi hỏi chuyện bệnh nhân Nguyễn Văn Thà đến nhận thuốc sốt rét, ông kể rằng: “Tôi đã 60 tuổi, nhà ở thôn Cát Lâm 2, xã Phước Cát I nhưng sang Bình Phước làm rẫy, trồng 5 ha cao su và 1 ha điều bên đó nên cứ 2-3 tháng sau một đợt chăm sóc cây trồng lại quay trở về nhà đến y tế nhận thuốc, nhận mùng, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tôi bị sốt rét từ khi còn chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, đến nay vẫn sợ nhất là sốt rét ác tính”.

Bây giờ, bà con nhận thức về sốt rét đã khác xưa nhiều lắm rồi! Nói vào vùng sốt rét lưu hành không ai phải lo ngại điều gì cả, không có nỗi ám ảnh về chết chóc, đó chỉ là một cách nói của các nhà chuyên môn về mặt phân bố địa hình dịch tễ sốt rét mà thôi. Anh đoàn viên thanh niên của xã Phước Cát II phát biểu hưởng ứng phòng chống sốt rét đã rất cẩn thận khi cập nhật lên google để bổ sung thông tin mỗi năm nước ta đầu tư 145 tỷ đồng kinh phí cho chương trình phòng chống sốt rét quốc gia. Nghe đến đây, các bạn trẻ ồ lên bảo rằng: “Nó cũng biết được nhà nước đầu tư bao nhiêu tiền để chống sốt rét đấy!”. Nâng cao nhận thức và hiểu biết về sốt rét - một căn bệnh có thể phòng và điều trị được là một quá trình lâu dài và đã thành công ở Cát Tiên nói riêng và Lâm Đồng nói chung.

DIỆU HIỀN