Về buôn gặp… công nhân

02:04, 24/04/2013

Gần 100 lao động người dân tộc thiểu số, trong đó hơn một nửa là nữ, vốn là nhà nông nghèo đang dần bỏ tập quán sản xuất nương rẫy lạc hậu để trở thành những công nhân thực thụ. Họ là các sắc dân Chu Ru, K’Ho, Răk Lây, Mường, Khơ Me...

Con đường nhựa mới dẫn vào xã Tu Tra, huyện Đơn Dương mùa khô hạn ngùn ngụt khí nóng. Lòng hạ lưu sông Đạ Nhim gần như ráo hoảnh, đá trơ, nước róc rách. Cánh đồng thôn giãn dân Bookabang chói chang nắng. Nép bên vách núi pha màu đỏ tươi của đất và trắng của cao lanh là Nhà máy Gạch Thắng Đạt. Ở đấy, sự sống ngày đêm vươn mình trỗi dậy. Gần 100 lao động người dân tộc thiểu số, trong đó hơn một nửa là nữ, vốn là nhà nông nghèo đang dần bỏ tập quán sản xuất nương rẫy lạc hậu để trở thành những công nhân thực thụ. Họ là các sắc dân Chu Ru, K’Ho, Răk Lây, Mường, Khơ Me...

Công nhân bộ phận xếp goòng
Công nhân bộ phận xếp goòng


Nhà máy Gạch Tuy nen này thuộc Công ty Cổ phần Thắng Đạt, chính thức sản xuất năm 2008. Công suất 14 triệu viên gạch/năm, sản lượng trung bình 30 ngàn viên/ngày. Quản đốc Nhà máy Lương Thanh Hùng dẫn tôi đi tham quan cả 5 bộ phận sản xuất: bốc xếp - xuất kho, xếp goòng, lò nung, tạo hình và cơ khí. Đúng như Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTB-XH Lâm Đồng) Nguyễn Khánh Long từng đánh giá: môi trường lao động ở đây có nhiều điểm tốt, từ an toàn lao động đến vệ sinh lao động… Đặc biệt, ấn tượng hơn là không khí làm việc nhịp nhàng, nhiệt tình và phấn chấn của những công nhân. Trần Quang Dương, dân tộc Mường, 28 tuổi, cùng nhóm công nhân hí húi chỉnh sửa máy băng tải, dừng tay cho tôi biết: Anh có hơn 2 năm làm tại đây, là công nhân vận hành máy ở bộ phận tạo hình. Công việc không vất vả lắm, thu nhập từ 5-5,5 triệu đồng/tháng, không kể làm thêm giờ. Phía kia là vợ anh - chị KaSá ÊLoa, dân tộc Chu Ru, cùng bộ phận, có thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Chưa có con nhưng được giúp đỡ của gia đình, vợ chồng Quang Dương - ÊLoa đã làm được căn nhà ngay trên đất Tu Tra.

Đến bộ phận bốc xếp, người tôi gặp là thủ kho Xa Bá, dân tộc K’Ho. Anh 36 tuổi, vợ là Ka Luy 35 tuổi đều làm bộ phận bốc xếp. Xa Bá dong dỏng cao, tay giấy bút ghi ghi chép chép những chuyến xe nâng hàng lên ô tô. Anh gắn bó với Nhà máy đã 5 năm, được cử làm tổ trưởng nên có thêm lương trách nhiệm trung bình 1 triệu đồng/26 ngày công. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng trung bình 9-10 triệu đồng mỗi tháng. Được ở “Nhà tình thương”, số tiền ấy giúp anh chị nuôi 6 mặt con ăn học tạm ổn. Xa Bá nói: “Ở đây ai cũng cố gắng làm việc để có thu nhập cao. Mới đầu chưa quen nhưng được Nhà máy và anh em giúp đỡ nhiệt tình nên vừa làm vừa học hỏi, nay mình biết được mọi công việc của thủ kho rồi”. Cơ chế khoán sản phẩm, người lao động ai cũng ý thức tự giác làm việc. Mọi chế độ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng như các trang bị bảo hộ lao động đều đảm bảo. Ngày lễ, làm thêm giờ, được trả lương đúng luật; mỗi năm bình xét lao động 2 lần để thưởng. Hàng ngày, ngoài nước uống bằng bình, công nhân kỹ thuật được bao ăn cơm trưa; công nhân ở xa được bao cấp nhà ở, điện và nước… Quản đốc Lương Thanh Hùng cho biết thêm, vì đặc điểm bà con theo đạo Công giáo nên mỗi dịp Lễ Noel, công nhân được Nhà máy tặng quà chia sẻ niềm vui chung và trả lương gấp 3 cho những người đi làm. Mặc dù có những thời điểm hàng tồn kho, “đóng băng” theo thị trường bất động sản, nhưng tạo công việc ổn định, giữ chân công nhân, Nhà máy cố gắng không dừng chuyền. Môi trường lao động như vậy đã thu hút hàng trăm lao động các dân tộc thiểu số trong vùng và có đến 70% gắn bó lâu dài với công việc. Đến giờ, những người vốn tay dao tay rựa ấy không còn bỡ ngỡ với dây chuyền, thiết bị máy móc công nghiệp mà đã làm chủ được quy trình sản xuất. Những lúc không có mặt ở xưởng, họ vẫn tranh thủ tăng gia sản xuất ở nhà để cải thiện thêm cuộc sống. Đó là bước chuyển biến về chất từ nhận thức đến ý thức lao động của những cư dân vốn quen tập quán canh tác không tích luỹ. Chị Ka Pất 30 tuổi, thâm niên ở Nhà máy 5 năm, làm bộ phận tạo hình, chia sẻ rằng: Chị “bắt chồng” đã 9 năm, nay có 1 con 8 tuổi, học lớp 3. Chồng chị ở nhà chịu trách nhiệm chăm sóc 5 sào cà phê và vừa làm vườn vừa đưa đón con đi học. Vợ chồng có “Nhà tình thương” và sắm đầy đủ tivi, xe máy… Ka Pất là tổ trưởng, lương trung bình mỗi tháng 3-3,2 triệu đồng. Chị kể: “Mình làm tổ trưởng nên cứ đầu giờ là nhắc mọi người đi đúng giờ; trước khi làm nhắc làm phải nhiệt tình; dọn dẹp vệ sinh chung và nhắc nhở nhau đoàn kết để làm sao đạt năng suất hơn. Làm ở đây, khi ốm đau đều được nghỉ và đi khám bảo hiểm y tế. Mình muốn gắn bó lâu dài với Nhà máy vì làm gần nhà lại có thu nhập khá hơn nhiều nơi khác, chỉ sợ sức khoẻ không cho phép thôi”.

Rời Nhà máy, tôi tìm đến nhà Bí thư Đảng uỷ xã Tu Tra Trần Quang Tuấn. Anh cho biết, chủ trương của huyện và xã cho Công ty Thắng Đạt xây dựng nhà máy gạch này là để bà con trong xã, nhất là 150 hộ thôn giãn dân Bookabang khi điều kiện kinh tế ban đầu còn khó khăn có công ăn việc làm. Thời gian đầu, Công ty gặp nhiều vất vả vì bà con lao động tự do chuyển sang lao động công nghiệp có tay nghề. Nhưng Công ty rất nhiệt tình và có nhiều giải pháp hay: từ đào tạo, ưu tiên lao động địa phương vừa học vừa làm; chuyển giao kỹ thuật; dần đưa vào kỷ luật lao động đến kích thích chế độ lương, thưởng và cung cấp gạo cho bà con. Công ty có mối quan hệ với địa phương tốt, từ an ninh - chính trị đến cả an sinh như tham gia xoá nghèo cùng địa phương bằng việc giảm 50% giá gạch cho bà con khi xây dựng nhà theo các chương trình, dự án của Nhà nước…

Xã Tu Tra, huyện Đơn Dương hiện có tổng dân số hơn 12 ngàn người với hơn 2 ngàn hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60% trên địa bàn 7 thôn. Tuy không còn là xã nghèo của tỉnh Lâm Đồng, nhưng Tu Tra còn 4/14 thôn nghèo. Xã chủ yếu sản xuất rau, hoa; thu nhập bình quân đầu người 21 triệu đồng năm 2012. Hiện Tu Tra mới đạt 6/19 tiêu chí về xây dựng “Nông thôn mới”. Năm 2013, phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí, nâng thu nhập bình quân lên 31 triệu đồng/người/năm. Từ đội ngũ công nhân của xã, cuộc sống người dân Tu Tra ngày thêm nâng lên rõ rệt, và quan trọng hơn, ý thức làm giàu như mạch nước ngầm dần lan toả đến mỗi người. Đó là luồng sinh khí mới, đã và đang góp phần hiện thực hoá lộ trình xây dựng Đơn Dương đạt chuẩn huyện “Nông thôn mới” của Lâm Đồng vào năm 2015.

Ghi chép: MINH ĐẠO