Xây dựng nông thôn mới Đam B’Ri: Đích đến trong tầm tay

04:04, 17/04/2013

Những vườn cà phê, vườn chè cho năng suất cao; những con đường bê tông rộng mở; những trường học, trạm xá, nhà văn hoá được kiên cố hoá; những dãy nhà dân khang trang ven đường… là những hình ảnh rất ấn tượng đối với mọi người khi về xã Đam B’ri (TP Bảo Lộc). Đây là một trong những xã được tỉnh Lâm Đồng chọn triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM).

Những vườn cà phê, vườn chè cho năng suất cao; những con đường bê tông rộng mở; những trường học, trạm xá, nhà văn hoá được kiên cố hoá; những dãy nhà dân khang trang ven đường… là những hình ảnh rất ấn tượng đối với mọi người khi về xã Đam B’ri (TP Bảo Lộc). Đây là một trong những xã được tỉnh Lâm Đồng chọn triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM).

Một trong số nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã huy động sức dân cùng làm
Một trong số nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã huy động sức dân cùng làm


Phát huy truyền thống chịu thương, chịu khó, từ lâu người dân ở xã Đam B’ri đã ý thức vươn lên thoát nghèo bằng việc khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đảng ủy, chính quyền nơi đây cũng đã từng bước huy động nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và có những giải pháp động viên người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá… Sự vào cuộc của hệ thống chính trị cũng như ý thức của người dân càng rõ nét hơn, từ tháng 5/2010, khi xã này được UBND tỉnh Lâm Đồng chọn làm thí điểm xây dựng NTM.

Đam B’ri là xã vùng ven của TP Bảo Lộc có 14 thôn và 76 xóm, với gần 9.300 nhân khẩu. Xác định phương châm “Dựa vào nội lực của cộng đồng là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần”, xã Đam B’ri đã coi đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu và là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị cơ sở nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong quá trình vận động đã xuất hiện những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, thôn 3 của xã là thôn điển hình, đi đầu trong phong trào xây dựng NTM. Từ năm 2009, thôn đã triển khai xây dựng đường Trần Tế Xương với tổng chiều dài 1,2 km, thông qua vận động vốn “đối ứng” theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với số tiền người dân đối ứng là 170 triệu đồng. Ông Nguyễn Tiến Lập, Bí thư Chi bộ thôn 3, cho biết: “Thời gian đầu, quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, do nhận thức của bà con còn hạn chế. Nhưng với sự nỗ lực của các thành viên trong Ban vận động đã kêu gọi người dân đóng góp đầy đủ số tiền đối ứng. Nhờ sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng uỷ xã, bà con đã tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp kinh phí và ngày công thực hiện”. Trong quá trình làm tuyến đường này, thôn 3 đã xuất hiện nhiều gương tiêu biểu, như anh Lưu Đình Đức đã tự nguyện đóng góp hơn 21 triệu đồng; anh Tân (thương binh 4/4) sức khoẻ yếu, nhưng vẫn tích cực đóng góp và tham gia làm đường cùng bà con… Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao độ, công trình hoàn thành nhanh chóng chỉ sau 2 tháng. “Năm 2013, chúng tôi sẽ phối hợp với thôn 4 làm con đường Trần Nhật Duật, với kinh phí khoảng 4,5 tỉ đồng. Hiện nay, Ban vận động các thôn đã bắt đầu thu tiền đối ứng của bà con. Dự kiến, quý II năm nay, đường sẽ được khởi công” – Ông Lập cho biết thêm.

Nhờ những nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, từ 5 tiêu chí đã đạt yêu cầu từ ban đầu, đến nay, xã Đam B’ri đã đạt 13/19 tiêu chí về NTM. Người dân các thôn đã góp hàng chục hécta đất, hàng chục ngàn ngày công và 800 triệu đồng để cùng nguồn vốn Nhà nước nâng cấp 5 km đường liên thôn, 3,5 km đường liên xóm; xây dựng 3 hội trường thôn, 1 nhà văn hoá xã. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13 triệu đồng (2009) lên 27 triệu đồng (2012) và xã đang phấn đấu năm 2013 sẽ đạt 32 - 33 triệu đồng/ người. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng công tác chuyển đổi giống cà phê năng suất cao, chè chất lượng cao và từng bước khôi phục cây dâu tằm là cây truyền thống có giá trị của địa phương…

Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng NTM ở xã Đạm B’ri đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn khá toàn diện. Việc xây dựng NTM đã tác động mạnh đến việc phát triển các công trình xây dựng, đường giao thông nông thôn, thuận tiện cho việc đi lại và phát triển kinh tế của địa phương. Ông Huỳnh Minh Chánh, Chủ tịch UBND xã Đam B’ri, cho biết: “Trong quá trình xây dựng mô hình NTM, xã Đam B’ri có xuất phát điểm thấp so với các xã khác trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với sự đồng tình và quyết tâm cao độ của toàn thể nhân dân, đã làm cho bộ mặt nông thôn Đam B’ri ngày càng cải thiện đáng kể; đời sống vật chất, tinh thần bà con ngày càng được nâng cao”. Bên cạnh những mặt tích cực, xã Đam B’ri vẫn còn một số khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí về cơ cấu lao động, chợ nông thôn, giao thông và giáo dục. Đây là những tiêu chí mà xã đang cố gắng khắc phục, hoàn thiện để phấn đấu năm 2014 sẽ hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí về NTM.

ĐÌNH VĂN