Cây đa ấy được đặt tên là Phượng Đông, vì nó mọc lên rồi phát triển trên đất đình Phượng Đông - nơi thờ vọng "Thánh Liệt Thần Vũ" Triệu Việt Vương - hiệu Quang Phục (549-571), thuộc làng Hà Lạn, xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Cây đa ấy được đặt tên là Phượng Đông, vì nó mọc lên rồi phát triển trên đất đình Phượng Đông - nơi thờ vọng "Thánh Liệt Thần Vũ" Triệu Việt Vương - hiệu Quang Phục (549-571), thuộc làng Hà Lạn, xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Cây đa Phượng Đông bên con đê Hồng Đức hiện nay |
Cây đa Phượng Đông hiện cao hơn 30m, che phủ một vùng đất. Gốc của nó là tổ hợp những cột trụ được kết thành bởi cơ man rễ thòng từ lâu đời, có cột vài người ôm không hết; tổng thiết diện xấp xỉ 30m2. Giữa cụm thân gốc đa là một cái vòm, người đứng ở mặt đất nhìn lên, thấy từa tựa cái động nhũ thạch huyền ảo...
Cây đa Phượng Đông có từ bao giờ? Tiền nhân nối nhau truyền lại rằng: Xưa kia, nơi này là vùng gò đầm ven biển. Người dân khắp miền đến khai khẩn đất hoang và làm nghề chài lưới. Từ khơi xa, các tay chèo cứ theo mốc cây đa mà bẻ lái giong buồm về. Những khi họ mải mê với đàn cá dưới trăng, hình cây đa đen sẫm vẫn lộ rõ giữa vòm trời đêm, như bàn tay làm hiệu, không để một ai lạc bến bờ. Cư dân và cây đa trở thành bạn bầu, vui buồn có nhau... Thời Hồng Đức (thế kỷ XV), nhân dân đắp đê ngăn lũ từ phía biển, đặt chân đê vòng ra một khoảng xa để bảo vệ cả cây đa. Bao thế hệ người đã qua đi, con đê Hồng Đức và cây đa, cặp chứng tích lịch sử dân tộc oai hùng chịu thương chịu khó, còn mãi với thời gian. Thế kỷ 18, “Hà Lạn ấp” được thành lập. Những người dân chài hiền lành cùng cây đa Phượng Đông và con đê Hồng Đức cùng trở thành những chủ nhân khởi thuỷ của làng.
Tiến sỹ Bùi Văn Võ, người làng Hà Lạn cho biết, theo như các cụ ở địa phương (hiện có cụ Lã Vị - một nhà sư đã tham gia phong trào “Cởi cà sa đánh giặc” trong kháng chiến chống Pháp ở Nam Định) truyền lại, thì trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, cây đa Phượng Đông to gấp 3 lần nó bây giờ. Bộ gốc của nó chiếm diện tích cỡ một sào Bắc bộ (hiện còn di tích như những cái chông khổng lồ chọc lên từ dưới ao, trên vườn quanh đó). Chiều tà, bóng đa ngả tới tận chợ Đồn ở phía Đông, cách xa hàng trăm mét.
Ông Võ kể: Sức sống của cây đa thật phi thường. Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân xẻ gỗ đa dùng vào việc phục vụ chiến đấu, làm hòm chôn cất những người hy sinh... Thời đó, ngọn đa là trạm tiền tiêu để quân và dân ta nắm tình hình địch, kịp thời ứng phó. Năm 1953, giặc Pháp kéo đến phá đình. Chúng nói là để lấy gạch làm đường cho xe tăng đi. Thực chất là chúng quyết phá cây đa-trạm tiền tiêu của ta. Trước sự bất khuất của dân làng, chúng buộc phải dừng lại sau khi đã phá nát phần lớn tán lá của cây đa. Nhưng chỉ sau một hai năm, ngọn đa lại xum xuê vươn lên trời xanh. Những năm giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, dân làng đã ngả một phần của cây đa, lấy gỗ làm hầm “Chữ A” để thầy trò trú ẩn mỗi khi máy bay Mỹ đến gây tội ác; làm chòi gác và công sự để dân quân trực chiến, đánh trả bọn xâm lược.
Năm 2012, cơn bão khủng số 9 tàn phá ruộng đồng xã Hải Phúc và vùng đầm bãi biển Cồn Lu làm cột điện bê tông đổ la liệt. Song, cây đa Phượng Đông vẫn hiên ngang che chắn một vùng dân cư, hoa màu. Bão tan... từ những cành đa tơi tả, chồi xanh lại đâm tua tủa. Ông Nguyễn Hồng Thái-Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Hải Phúc và ông Bùi Ngọc Anh-người trực tiếp trông coi quần thể Đình-Đa-Miếu Phượng Đông xúc động nói: Đó là cây đa tỏ lòng ghi nhớ công lao những người dân ở đây đã chung thuỷ với đa suốt bao năm tháng, lúc thanh bình cũng như trong hoạn nạn…
Năm 2003, với sự vận động của nhóm tư vấn tu bổ đa Phượng Đông, trong đó có Tiến sĩ Bùi Văn Võ, một đợt quyên góp từ thiện tâm của nhân dân sở tại và bà con hương lân cùng những người con xa quê... tạo điều kiện để diệt sâu, trừ cỏ, bón phân, bồi bổ dinh dưỡng cho đất và xây bờ bao... làm cho gốc đa Phượng Đông thêm vững bền, ấm cúng.
PHẠM XƯỞNG