Làm sao để tạo một môi trường sống tốt nhất, sinh động, vui vẻ, phù hợp với tâm lý của học sinh, giúp các em phát triển toàn diện là nhiệm vụ của đội ngũ thầy cô giáo Trường DTNT Đức Trọng đặt trên vai.
Thành lập năm 1992, Trường Trung học cơ sở nội trú huyện Đức Trọng là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ những học sinh người dân tộc thiểu số, trong đo có các em người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Rời cha mẹ, xa buôn làng, các em bước vào cuộc sống tập thể với nhiều lạ lẫm, nhiều khó khăn. Làm sao để tạo một môi trường sống tốt nhất, sinh động, vui vẻ, phù hợp với tâm lý của học sinh, giúp các em phát triển toàn diện là nhiệm vụ của đội ngũ thầy cô giáo Trường DTNT Đức Trọng đặt trên vai. Và suốt 11 năm dạy và nuôi dưỡng, việc chăm sóc đời sống tinh thần của các em luôn được chú trọng như một hoạt động chính của trường.
Giờ ra chơi của học sinh Trường DTNT Đức Trọng |
Cô Nguyễn Thị Mân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thông tin về trường với một vài con số cơ bản. Trường THCS DTNT Đức Trọng tuyển sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số các xã trên địa bàn huyện từ lớp 6 tới lớp 9. Hiện trường có 234 học sinh, trong đó trên 86% là con em dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, các dân tộc khác là 8,7%, dân tộc Kinh thuộc các xã khó khăn là 4,8%. Các em sống nội trú 100%, chế độ ăn ở do Nhà nước cấp kinh phí với mức mỗi tháng một em được hưởng 80% tháng lương cơ bản gồm nhu yếu phẩm và tiền ăn. Việc học tập và ăn ở đã được bảo đảm 100% và vấn đề còn lại là làm sao các em được sống trong một môi trường tốt nhất.
“Nhiều em khi mới vào trường còn rất nhỏ, mới xa nhà nên khóc suốt, đòi ăn món theo kiểu mẹ nấu, rồi đòi về, thậm chí bỏ ăn. Lúc này, thầy cô không chỉ là người dạy mà còn là người dỗ, phải chăm lo để các em quên buồn, gắn bó với trường” - thầy Phan Tất Hoà, Phó Hiệu trưởng nhà trường phụ trách nội trú kể. Ở nội trú, các em bước vào một cuộc sống mới hoàn toàn, không quen thuộc nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Nhưng nắm bắt được tâm lý các em rất yêu thích và có năng khiếu về thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao để thu hút các em. Gần như tháng nào, trường cũng tổ chức những giải thể thao, văn nghệ “cấp trường” và vào những đợt lễ lớn, đem “quân” đi thi thố cấp huyện, cấp tỉnh. Mỗi ngày, thay vì tập thể dục giữa giờ, các em biểu diễn dân vũ theo nhạc, vừa khoẻ vừa đẹp. Chiều chiều, các đội bóng đá, bóng chuyền nam nữ tập luyện hăng say, dụng cụ luyện tập như bóng, lưới đều được nhà trường cung cấp đầy đủ. Những ngày lễ nghỉ ngắn ngày, nhà trường đều tổ chức những giải thi đấu văn hoá văn nghệ tập trung các em sinh hoạt. Những hoạt động sôi nổi, phù hợp với học trò đã giúp các em nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống tập thể đầy mới mẻ. Không chỉ dùng thể thao, văn nghệ để thu hút các em, Ban Giám hiệu nhà trường còn xác định, các hoạt động ngoài giờ chính là môi trường tốt để rèn kỹ năng sống cho học sinh. Thông qua các sinh hoạt ngoại khoá, nhà trường chuyển tải tới các em những nội dung rất cần thiết cho ‘tuổi ô mai” như kiến thức sức khoẻ sinh sản, dinh dưỡng, Luật An toàn giao thông hay chủ đề biển đảo, đất nước… Phương pháp tuyên truyền cũng rất hồn nhiên, đó là để các em đóng kịch, thi hái hoa dân chủ, biểu diễn văn nghệ nên được học trò rất yêu thích.
Chính từ những hoạt động ngoại khoá sôi nổi được tổ chức thường xuyên, học sinh Trường DTTS Đức Trọng gắn bó hơn với trường, với thầy, với bạn, khả năng tiếp thu kiến thức cũng tăng lên. Trong các đợt hội thao hội diễn TDTT hay Hội khoẻ Phù Đổng cấp huyện, cấp tỉnh, trường đều đạt thành tích tốt. Và trên cả thành tích, đó là nhà trường đã tạo được cho các em một môi trường lành mạnh, giúp các em phát triển hoàn thiện cả thể chất và tinh thần trên con đường học tập.
DIỆP QUỲNH