Giữ nghề dệt thổ cẩm ở Buôn Go

09:05, 09/05/2013

(LĐ online) - Những ai lần đầu đến Buôn Go sẽ cảm thấy ngỡ ngàng vì sự bê tông hoá, đường làng, nhà cửa sạch sẽ đến mức không thể nghĩ đó là buôn của đồng bào dân tộc thiểu số nếu như không còn hình ảnh con người, màu da, tiếng nói chỉ dấu sắc tộc của đồng bào và đặc biệt ở đây, chúng tôi bắt gặp những người phụ nữ trẻ còn vui với công việc dệt thổ cẩm.

(LĐ online) - Những ai lần đầu đến Buôn Go sẽ cảm thấy ngỡ ngàng vì sự bê tông hoá, đường làng, nhà cửa sạch sẽ đến mức không thể nghĩ đó là buôn của đồng bào dân tộc thiểu số nếu như không còn hình ảnh con người, màu da, tiếng nói chỉ dấu sắc tộc của đồng bào và đặc biệt ở đây, chúng tôi bắt gặp những người phụ nữ trẻ còn vui với công việc dệt thổ cẩm.

Chị em thường tụ tập dệt thổ cẩm ở nhà chị Điểu Thị Dền - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Buôn Go (người ngồi giữa)
Chị em thường tụ tập dệt thổ cẩm ở nhà chị Điểu Thị Dền - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Buôn Go (người ngồi giữa)


Trước thềm ngôi nhà xây kiên cố, các chị ngồi duỗi dài đôi chân làm khung, những tấm lưng cong mềm mại cùng đôi tay uyển chuyển trò chơi với những sợi chỉ và sắc màu truyền thống. Điểu Thị Dền, sinh năm 1980, dân tộc Châu Mạ là Chi hội trưởng của phụ nữ ở Buôn Go, thị trấn Đồng Nai, Cát Tiên thường tụ tập chị em đến nhà dệt thổ cẩm. Chị Dền cho biết: Chi hội có 36 hội viên phụ nữ trong đó có 28 chị tham gia vào mô hình tổ phụ nữ giúp nhau khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Mô hình được xây dựng từ năm 2011 đến nay do vốn của Hội Phụ nữ tỉnh giúp đỡ ban đầu 18 triệu đồng. Nhờ vậy, chị em ở Buôn Go vẫn tiếp tục duy trì nghề dệt truyền thống và kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bây giờ dệt thổ cẩm chỉ là nghề phụ được chị em làm những lúc nông nhàn. Khó mà cưỡng lại xu thế thay đổi của đời sống ngày càng hướng đến sự đơn giản, tiện lợi, thoải mái, chẳng biết từ bao giờ trẻ con đến người già trong các buôn làng đều thích ăn mặc như người Kinh, bộ sắc phục truyền thống của đồng bào thường cất kỹ để dành đem ra mặc vào những dịp lễ hội hay tham dự hội nghị quan trọng ở cấp trên nếu có làm công việc nhà nước.

Chị Điểu Thị Dền là đại biểu tham dự hội nghị biểu dương phụ nữ tiêu biểu các dân tộc thiểu số của Lâm Đồng năm 2013 do có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều đóng góp trong phong trào phụ nữ và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cụ thể là việc tổ chức tập hợp chị em dệt thổ cẩm ở Buôn Go và sản phẩm làm ra bán cho HTX dệt thổ cẩm Cát Tiên cử người đến tận nơi để lấy hàng. Từ vốn ban đầu, các chị xây dựng quỹ tiết kiệm 30 -50 ngàn đồng/tháng, số tiền gom góp được đã giúp vốn thêm cho 8 chị tham gia dệt thổ cẩm. Chị Dền cho rằng: “Mô hình này giúp chị em duy trì truyền thống dệt và tạo công việc cho chị em lúc nhàn rỗi, tăng thu nhập”.

Thầy dạy dệt thổ cẩm cho chị em trong buôn là chị Điểu Sọi, sinh năm 1969 là Tổ trưởng tổ phụ nữ dệt thổ cẩm Buôn Go. Chị nói về công việc mình như bổn phận phải làm: “Ngày xưa ông bà truyền nghề cho con cháu, nay mình truyền nghề cho con cái, cho các cô gái trẻ, làm sao đừng để mai một cái nghề này”. Chị Điểu Sọi vừa dệt kiểu hoa văn (kỹ thuật khó nhất) vừa giải thích cho chúng tôi: “Dệt thổ cẩm không khó lắm, học 1-2 tháng là biết làm, biết làm thì thấy công việc không phức tạp. Con gái ở đây biết dệt nhờ mẹ dạy cho, để làm được cái nghề này đòi hỏi phải siêng năng, chăm chỉ, chứ ngồi dệt lâu đau lưng, mỏi tay lắm!”.

Chị Điểu Sọi, Tổ trưởng tổ phụ nữ dệt thổ cẩm Buôn Go, đang dệt với kỹ thuật khó nhất là dệt hoa văn
Chị Điểu Sọi, Tổ trưởng tổ phụ nữ dệt thổ cẩm Buôn Go, đang dệt với kỹ thuật khó nhất là dệt hoa văn


Cuộc sống của gia đình chị Điểu Sọi ngày càng khá giả hơn, nhưng chị vẫn dệt vì tình yêu để giữ nghề là chính. Nhà làm lúa 4 sào, làm rẫy 5 ha điều, chồng chị làm cán bộ nhà nước, 4 đứa con thì 2 đứa đang đi học ở Tp.HCM, 1 đứa học Đại học Đà Lạt, con trai út đang học lớp 11. Nhờ truyền nghề của chị Điểu Sọi mà trong tổ có nhiều chị em biết dệt thổ cẩm rất trẻ. Em Điểu Thị Bum cho biết em học nghề dệt từ khi có dự án và bây giờ chỉ mới biết dệt trơn và lúc rảnh làm thôi chứ công việc chính là làm nương rẫy.

Ở Buôn Go chị em dệt thổ cẩm thành từng tấm vải thổ cẩm nguyên sơ rồi bán, chứ không dệt định hình ra thành những thứ sản phẩm cụ thể như: túi xách, khăn… Chị em cần vốn ban đầu để mua chỉ, 150 ngàn đồng/kg chỉ, cứ 4 kg chỉ dệt được 3 tấm vải thổ cẩm (khổ 2m6 x 70cm), giá của sản phẩm tuỳ thuộc vào kỹ thuật dệt được chia làm 3 loại từ đơn giản đến phức tạp: Dệt trơn 60 ngàn đồng/tấm (thời gian dệt 2 ngày), dệt xen kẽ 100 ngàn đồng/tấm (dệt trong 3 ngày), dệt hoa văn 130 ngàn đồng/tấm (thời gian 5 - 6 ngày).

Chị Bùi Thị Đảm - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Đồng Nai (Cát Tiên) cho biết: Bên cạnh vốn đầu tư xây dựng mô hình tổ phụ nữ khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở Buôn Go, Hội Phụ nữ thị trấn xây dựng mô hình hội viên giúp nhau xoá đói giảm nghèo, có 20 hội viên được giúp đỡ từ quỹ tiết kiệm, 8 hội viên được vay vốn giải quyết việc làm 3 triệu đồng/chị và 12 hội viên được vay vốn xoá đói giảm nghèo đầu tư nuôi bò. Đến cuối năm 2012 có 4 chị thoát nghèo và năm nay có 3 chị đăng ký thoát nghèo. Không chỉ góp phần gìn giữ truyền thống văn hoá dân tộc bản địa, nghề dệt thổ cẩm cũng đã góp phần tạo sinh kế cho đồng bào ở Buôn Go.

DIỆU HIỀN