Trong chuyến công tác ở xã Phước Lộc (Đạ Huoai), tôi được nghe người dân ở đây bày tỏ tình cảm đối với Chủ tịch mà họ tin yêu. Một cán bộ trẻ nhiệt tình, hết lòng vì dân. Đó là anh Phạm Quang Chiến (38 tuổi) - Chủ tịch UBND xã.
Chủ tịch xã Phạm Quang Chiến |
Trong chuyến công tác ở xã Phước Lộc (Đạ Huoai), tôi được nghe người dân ở đây bày tỏ tình cảm đối với Chủ tịch mà họ tin yêu. Một cán bộ trẻ nhiệt tình, hết lòng vì dân. Đó là anh Phạm Quang Chiến (38 tuổi) - Chủ tịch UBND xã.
Phước Lộc có trên 80% dân số là đồng bào DTTS Châu Mạ và K’Ho và cũng là một trong 29 xã nghèo của tỉnh. Năm 2011, trong tổng 589 hộ dân của xã, có tới 342 hộ nghèo và 33 hộ cận nghèo. Nhưng đến cuối năm 2012, theo thống kê có 608 hộ thì chỉ còn 150 hộ nghèo. Giờ đây, đường vào Phước Lộc đã rộng mở, cuộc sống của người dân cũng ngày một khấm khá lên. Những ngôi nhà được xây kiên cố đã mọc lên nhiều, hàng trăm ha cao su, sầu riêng ghép đã “bén rễ” để thay cho những diện tích điều già cỗi. Kinh tế của người dân nơi đây đang từng ngày “thay da, đổi thịt”. Có được những thành quả đó, thì công lao của những người cán bộ xã là không nhỏ. Một trong số họ là anh Phạm Quang Chiến, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, người đã dành tâm huyết và góp sức lo cho dân.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, anh Chiến về công tác tại Văn phòng UBND huyện Đạ Huoai. Sau 5 năm, anh được bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng UBND huyện. Đến tháng 7/2010, theo quyết định luân chuyển cán bộ của huyện Đạ Huoai, anh được điều động về công tác tại xã Phước Lộc và được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Sau hơn 1 tháng công tác, anh được bầu làm Chủ tịch UBND xã.
Vào công tác tại Phước Lộc, dù về nhà hay ở lại “bám” dân, hằng đêm anh luôn đau đáu tìm cách cho bà con mình thoát nghèo. Anh thường xuyên gần gũi, vận động người dân chăm lo làm ăn, thực hiện đúng quy ước của thôn xóm. Nhờ vậy, ý thức của người dân đã có sự chuyển biến đáng kể. Năm 2011, xã có 20 hộ tự đăng ký thoát nghèo; đến năm 2012, có tới 51 hộ. Không những giúp bà con thay đổi nhận thức, Chủ tịch xã còn giúp họ thực hiện chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi. Ngoài ra, anh phân công cán bộ xã phụ trách từng gia đình để hướng dẫn, giúp đỡ họ phát triển kinh tế.
Năm 2010, Phước Lộc có trên 1.000 ha cây điều già cỗi, năng suất thấp, đến nay, đã chuyển đổi được 556 ha cây trồng có giá trị kinh tế cao thay cho cây điều. Trong đó, cao su được trồng mới 238 ha, sầu riêng 79 ha, còn lại là ca cao, chôm chôm… Rồi, nhiều mô hình nuôi gà thả vườn, heo rừng thương phẩm và bò cũng được người dân xây dựng. Ông K’Đình, một người dân ở thôn Phước Dũng, cho biết: “Từ ngày có cán bộ Chiến về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su, sầu riêng cho bà con thì ai cũng tin tưởng. Trong năm qua, nhà tôi đã trồng mới được 1 ha cao su…”.
Việc cung ứng nguồn nước sinh hoạt cho bà con, cũng được Chủ tịch xã hết sức quan tâm. Hiện, 6/6 thôn của xã đều có hệ thống giếng khoan, đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho bà con. Anh Chiến tâm sự: “Được UBND huyện tin tưởng, điều về Phước Lộc công tác, đối với tôi cũng là một “cơ duyên”. Phước Lộc giờ đây đã thay đổi nhiều hơn trước, nhưng bà con ở đây vẫn còn nghèo lắm. Còn công tác ở đây, tôi còn phải quyết tâm giúp dân xóa được đói, giảm được nghèo mới yên tâm”.
Bằng tâm huyết việc làm của mình, anh Chiến đã góp sức cùng với xã Phước Lộc dẫn đầu toàn khối (10 xã, thị trấn) về công tác thi đua. Năm 2012, xã vinh dự được UBND huyện tặng giấy khen.
KHÁNH PHÚC