Vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khoẻ, tầm vóc và trí tuệ con người. Trong khuôn khổ chương trình bổ sung Vitamin A liều cao được triển khai tại Việt Nam, trẻ em từ 6-36 tháng tuổi được uống bổ sung Vitamin A liều cao mỗi năm 2 lần.
Vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khoẻ, tầm vóc và trí tuệ con người. Trong khuôn khổ chương trình bổ sung Vitamin A liều cao được triển khai tại Việt Nam, trẻ em từ 6-36 tháng tuổi được uống bổ sung Vitamin A liều cao mỗi năm 2 lần.
Trạm Y tế phường 7 (Đà Lạt) tổ chức tiêm chủng, theo dõi cân nặng, uống Vitamin A cho trẻ em |
Đợt 1 năm nay được triển khai từ ngày 1-2/6 trên phạm vi toàn quốc với các hoạt động sau: Bổ sung Vitamin A cho trẻ 6-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỉ lệ trẻ thấp còi trên 30% và cho trẻ 6-36 tháng tuổi tại 41 tỉnh còn lại; trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh nhiễm trùng và bà mẹ sinh con trong vòng 1 tháng cũng được uống Vitamin A liều cao. Tẩy giun cho trẻ 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỉ lệ trẻ thấp còi trên 30%. Tổ chức cân đo toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi và đẩy mạnh truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng trên phạm vi cả nước.
Tin vui là Lâm Đồng không nằm trong danh sách 22 tỉnh có tỉ lệ trẻ em thấp còi trên 30% do Bộ Y tế công bố. Các tỉnh còn lại trong khu vực Tây Nguyên là Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông và Gia Lai đều có trẻ em thấp còi chiếm trên 30%. Năm 2012, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng ở Lâm Đồng chiếm 14,6% và suy dinh dưỡng chiều cao là 25%. Mục tiêu của chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh trong năm 2013 là tiếp tục nỗ lực giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tập trung giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ mang thai, phục hồi cho trẻ bị suy dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam.
Giải pháp cho vấn đề tưởng đơn giản nhưng vô cùng phức tạp bởi dinh dưỡng và phát triển luôn gắn bó mật thiết với nhau. Điều kiện phát triển kinh tế gia đình và xã hội tốt sẽ góp phần cải thiện rõ rệt tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em và ngược lại. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở các vùng trong tỉnh có sự chênh lệch lớn, xu hướng giảm mạnh ở các đô thị như Đà Lạt (8,99%), Đức Trọng và Bảo Lộc (13,9%); còn dao động ở ngưỡng 14-15% thuộc các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; ở mức cao là 2 huyện Lạc Dương (18,89%) và Đam Rông (20,4%). Năm 2013, Lâm Đồng phấn đấu hạ thấp tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng xuống còn 14% và giảm 0,2% tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể chiều cao xuống còn 24,8%. Càng ngày chiều cao, tầm vóc của trẻ được chú ý nhiều hơn so với trước đây chỉ quan tâm đến trọng lượng của trẻ theo chiến lược dinh dưỡng quốc gia hướng đến nâng tầm vóc của trẻ.
Nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt chú trọng công tác tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ ăn bổ sung cho trẻ là nhằm hạ thấp tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi. Các chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn cách ước tính tiềm năng chiều cao của trẻ lúc trưởng thành từ chiều dài lúc sinh như sau: Nếu trẻ sinh ra có chiều dài 50cm, thì tiềm năng về chiều cao của trẻ lúc 2 tuổi là 85cm, lúc 4 tuổi là 100cm và khi trưởng thành có thể đạt đến 170cm, với điều kiện bé phải được nuôi dưỡng và chăm sóc phù hợp suốt từ lúc sinh ra cho đến hết tuổi dậy thì. Trong tất cả yếu tố giúp phát triển chiều cao, di truyền quyết định 23% và 10% các điều kiện khác, tự chúng ta có đến 67% cơ hội, trong đó yếu tố dinh dưỡng đóng góp 32% để cải thiện chiều cao. Quan trọng nhất của việc tăng chiều cao là dinh dưỡng phù hợp, tức là phải cung cấp các chất dinh dưỡng đúng theo nhu cầu của trẻ trong từng giai đoạn phát triển. 60% tiềm năng phát triển chiều cao diễn ra trong giai đoạn 3-10 tuổi, vì vậy cần đảm bảo các chất dinh dưỡng quan trọng cho cấu trúc cơ thể, trong đó có sự phát triển chiều cao như canxi, vitamin D, phosphor, các acid amin thiết yếu... Nuôi dưỡng đúng cách trong giai đoạn nhà trẻ - mẫu giáo và tiểu học không chỉ giúp trẻ đạt được tối đa tiềm năng phát triển chiều cao trong giai đoạn này (thường được khoảng 40cm) mà còn chuẩn bị "nguyên liệu" cần thiết để trẻ bước vào giai đoạn dậy thì với tốc độ phát triển tốt nhất.
Năm 2013, Lâm Đồng được đầu tư 1,5 tỷ đồng cho chương trình cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, trong đó 44 xã trọng điểm suy dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng xếp loại. Tại các xã trọng điểm này, chương trình hỗ trợ thù lao cho chuyên trách dinh dưỡng 100.000 đồng/người/tháng và cộng tác viên dinh dưỡng 50.000 đồng/người/thôn. Theo bà Nguyễn Thị Sương - Phụ trách chương trình phòng chống suy dinh dưỡng của tỉnh cho biết, xã trọng điểm về suy dinh dưỡng được đánh giá dựa vào 3 tiêu chí: Có tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trên 30%, có số trẻ em suy dinh dưỡng nhiều trên 70 trẻ và xã thuộc vùng khó khăn. Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai chương trình cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em Lâm Đồng đang tập trung mọi nguồn lực vào 2 huyện có 6 xã tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao (ở ngưỡng 30%) như Đạ Chais, Đa Nhim, Đưng K’Nớ (Lạc Dương) và Đạ M’Nông, Đạ Tông, Rô Men (Đam Rông).
DIỆU HIỀN