Khi thầy, cô giáo tự học và sáng tạo

03:05, 12/05/2013

Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được triển khai trong thời điểm toàn Đảng và xã hội đang tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, do đó, Sở Giáo dục & Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Lâm Đồng đã xem đây là cuộc vận động mang tính ngành nghề hưởng ứng cuộc vận động chung của Đảng với những nội dung thiết thực nhằm nâng cao chất lượng lao động nghề nghiệp của nhà giáo.

Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được triển khai trong thời điểm toàn Đảng và xã hội đang tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, do đó, Sở Giáo dục & Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Lâm Đồng đã xem đây là cuộc vận động mang tính ngành nghề hưởng ứng cuộc vận động chung của Đảng với những nội dung thiết thực nhằm nâng cao chất lượng lao động nghề nghiệp của nhà giáo.

Chất lượng giáo dục vùng sâu ngày càng được nâng lên từ việc tự học và nâng cao trình độ của đội ngũ nhà giáo
Chất lượng giáo dục vùng sâu ngày càng được nâng lên từ việc tự học và nâng cao trình độ của đội ngũ nhà giáo


Sau 5 năm triển khai Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, với 3 yêu cầu về đạo đức, tự học và sáng tạo đã từng bước nâng cao chất lượng lao động nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo. Đối với sự rèn luyện đạo đức theo các mặt, toàn Ngành đã có chuyển biến tích cực và toàn diện về nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Từ đó, không ngừng học tập để nâng cao tay nghề và nghiệp vụ chuyên môn, vững về chính trị tư tưởng, cam kết chống tiêu cực trong thi cử, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, không đọc chép trong dạy học, nâng cao chất lượng dạy học để giảm học sinh ngồi sai lớp và không vi phạm đạo đức nhà giáo. Hầu hết đội ngũ nhà giáo đều yêu ngành, yêu nghề, nhiều giáo viên dạy học miền núi từ đồng bằng đến công tác đã kiên trì bám trường bám lớp, vượt khó để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Không những vậy, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp luôn được nhà giáo quan tâm và giáo dục đến học sinh. Trong 5 năm qua, từng đơn vị giáo dục trong tỉnh đã vận động quyên góp xây dựng nhiều loại quỹ như “Quỹ tương thân tương ái”, “Quỹ giúp đỡ nhà giáo bị bệnh hiểm nghèo”, “Quỹ hỗ trợ điều kiện 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh và giúp đỡ giáo viên vượt khó”. Toàn Ngành đã phân công giúp đỡ lẫn nhau giữa các đơn vị giáo dục thuận lợi và giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn theo phương thức “huyện giúp huyện, trường giúp trường”. Tổng giá trị quyên góp giúp đỡ lẫn nhau trong ngành Giáo dục trong tỉnh 5 năm qua đạt khoảng 5 tỷ đồng.

Về công tác tự học qua các mặt, toàn Ngành đã vận động nhà giáo, người lao động không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, đạt chuẩn nghề nghiệp, nâng chuẩn đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, quản lý; đồng thời, tổ chức vận động mỗi nhà giáo xây dựng “Sổ tay tự học” và ‘tích luỹ sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) cá nhân” phù hợp với bộ môn giảng dạy hoặc công việc đang đảm nhiệm. Từ đó, nhiều giáo viên đã nâng cao trình độ đào tạo, hiện nay, toàn tỉnh số giáo viên mầm non đạt chuẩn 88%, trên chuẩn 56%; giáo viên tiểu học đạt chuẩn 99,5%, trên chuẩn 85%; giáo viên THCS đạt chuẩn 99,8%, trên chuẩn 72,2%; giáo viên THPT đạt chuẩn 99,7%, trên chuẩn 12%. Về tính sáng tạo của nhà giáo, Công đoàn giáo dục các cấp đã vận động nhà giáo và người lao động đăng ký thi đua viết và áp dụng SKKN vào quá trình giảng dạy, công tác. Trong 5 năm qua, đã có trên 7.000 SKKN (giải pháp hữu ích) được công nhận ở cấp cơ sở, trên 1.500 SKKN được công nhận ở cấp huyện và hơn 500 SKKN được công nhận ở cấp tỉnh. Bên cạnh đó, toàn Ngành đã tổ chức phong trào làm và sử dụng đồ dùng dạy học, tổ chức các hội thi và triển lãm đồ dùng dạy học. Công đoàn giáo dục các cấp đã phối hợp với chuyên môn tổ chức phong trào ứng dụng CNTT vào giảng dạy, công tác, vận động nhà giáo xây dựng thư mục điện tử bộ môn, soạn giảng bằng CNTT, hội thi dạy học bằng giáo án điện tử…

 “Qua triển khai thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL), đặc biệt là khi gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã góp phần giáo dục về ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, qua đó, khuyến khích đội ngũ giáo viên và CBQL thường xuyên tự học để nâng cao trình độ mọi mặt, sáng tạo trong dạy học và quản lý, góp phần đẩy lùi các tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương”, ông Nguyễn Xuân Ngọc - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết.

TUẤN HƯƠNG