Sau gần 2 năm triển khai Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã trên địa bàn huyện Đam Rông, các đội viên Dự án đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.
Sau gần 2 năm triển khai Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã trên địa bàn huyện Đam Rông, các đội viên Dự án đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.
Làng Mông xã Rô Men |
Thực hiện Quyết định 170/QĐ-TTg, ngày 26/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 thanh niên ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trên toàn quốc. Theo đó, Dự án đã tăng cường 5 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND các xã: Đạ Long, Đạ Mrông, Rô Men, Liêng Srônh và Phi Liêng thuộc huyện Đam Rông. Sau gần 2 năm Dự án triển khai trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông - Phạm Ngọc Thưởng nhận xét: “Trên cương vị mới, các trí thức trẻ đã thể hiện được thái độ và ý thức trách nhiệm cao đối với công việc; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương. Đội viên đã tích cực tham mưu giúp Chủ tịch UBND xã chỉ đạo, điều hành các công việc thuộc lĩnh vực mình được phân công phụ trách”.
Ngay sau khi nhận quyết định phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND xã, các đội viên Dự án đã nhanh chóng làm quen với công việc và vai trò của mình, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả trên các lĩnh vực được phân công. Lơ Mu Ha Pó được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã Rô Men bộc bạch: “Bắt tay vào công việc với vai trò, cương vị của một người lãnh đạo, tôi tự nhủ với bản thân rằng “phải lấy dân làm gốc”. Được phân công phụ trách mảng văn hóa xã hội, tôi kỳ vọng sẽ giúp chính quyền địa phương thay đổi được phương thức canh tác, hủ tục lạc hậu và tư tưởng trông chờ ỷ lại của một bộ phận nhân dân”. Xác định, con người là yếu tố quyết định, Ha Pó đã trực tiếp đi khảo sát, chỉ đạo Ban nhân dân các thôn tổng hợp lại nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đó đưa ra hướng giải quyết. Kết quả, trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, xã Rô Men đã mở được 2 lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây cà phê, 1 lớp gò hàn, 1 lớp sửa chữa xe gắn máy và 1 lớp nghề xây dựng cho 125 lao động trên địa bàn. “Kinh tế muốn phát triển đòi hỏi trình độ của người dân phải được nâng lên. Và, khi nhận thức của người dân đã được nâng cao thì tập quán canh tác lạc hậu mới được xóa bỏ, khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, năng suất cây trồng, vật nuôi mới được nâng lên”- Ha Pó lập luận.
Có thể nói, Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã triển khai tại huyện Đam Rông bước đầu đã phát huy hiệu quả. Những đóng góp của các đội viên trong Dự án được khẳng định trên một số hoạt động tại địa phương. Trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, các trí thức trẻ đã thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân sống và làm việc theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động người dân trên địa bàn hiến đất xây dựng nhà văn hóa thôn, hiến đất để xây dựng lại trạm y tế đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; phối hợp với các công ty tư vấn, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động; hoàn thành lập hồ sơ và đề nghị UBND huyện cấp 101 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 52,4 ha cho 79 hộ dân, vượt 44 giấy so với kế hoạch giao.
Tuy nhiên, đồng chí Đa Cát K’Hương - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Mrông, địa phương được tăng cường trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng: “Những đóng góp của các đồng chí trí thức trẻ đối với địa phương là rất đáng ghi nhận. Nhưng do đây là lần đầu tiên thực hiện Dự án nên trong quá trình triển khai còn có sự lúng túng giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các đội viên trong Dự án tuổi đời còn trẻ, chưa có quá trình công tác nên kinh nghiệm quản lý chưa nhiều, chưa am hiểu về phong tục tập quán nơi đến công tác, nên bước đầu các đồng chí còn tỏ ra lúng túng, thậm chí là ngại khi giao tiếp với người dân”.
Còn sớm để có thể có những nhận xét, đánh giá chính xác về Dự án 600 triển khai trên địa bàn huyện Đam Rông. Tuy nhiên, để Dự án tiếp tục thực hiện có kết quả, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm theo dõi, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để các đội viên Dự án hoàn thành nhiệm vụ của mình. Mặt khác, các đội viên Dự án cần nỗ lực hơn nữa để phát huy năng lực của mình, phục vụ nhân dân địa phương, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo.
LÊ HỮU TÚC