Người Mông "nghỉ chơi" với súng

11:05, 31/05/2013

(LĐ online) - Người H'Mông đã từng tự hào: Muối, kim khâu và đá lửa là 3 thứ họ không thể làm được. Họ biết tỉa ngô, gieo hạt lúa trên những khe đất nhỏ nhất sau những vạt đá tai mèo dựng đứng; họ biết dệt những bộ quần áo với sắc màu sặc sỡ nhất để mỗi tuần xuống chợ...

(LĐ online) - Người H'Mông đã từng tự hào: Muối, kim khâu và đá lửa là 3 thứ họ không thể làm được. Họ biết tỉa ngô, gieo hạt lúa trên những khe đất nhỏ nhất sau những vạt đá tai mèo dựng đứng; họ biết dệt những bộ quần áo với sắc màu sặc sỡ nhất để mỗi tuần xuống chợ; họ biết dựng nhà cưỡi ngựa trên núi cao; họ biết sống trên đá kể cả vào những mùa khắc nghiệt nhất, họ biết thổi và múa những điệu khèn mê hoặc nhất để làm say lòng bất cứ cô gái xinh đẹp nào. Và nữa, họ biết chinh phục rừng già, những con thú hoang dữ nhất bằng chính những khẩu súng do họ làm ra.

Cây súng kíp tự chế, gần như là "người bạn", là vật bất ly thân, là niềm tự hào của bất kỳ chàng trai người Mông nào khi đến tuổi trưởng thành. Người Mông với cây súng đi kèm thực sự là nỗi ám ảnh của rừng già, của những bầy thú hoang, như có ai đó đã từng phán định: Người Mông đi đến đâu, cánh rừng ấy muông thú không còn đất sống.


Thượng tá Trần Vĩnh Phú - Trưởng Công an huyện Đam Rông cho biết: Từ đầu tháng 4/2013 đến nay, đã phát động tuyên truyền thu nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ở 8/8 xã trên địa bàn huyện; ngành chức năng huyện phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền các xã tổ chức được hơn 40 buổi tuyên truyền ở các thôn trên địa bàn thu hút hơn 1.500 lượt người tham gia; đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên phương tiện truyền thanh, truyền hình địa phương. Kết quả bước đầu, Cơ quan Công an huyện đã thu nhận được 29 khẩu súng kíp tự chế, 1 súng hơi, 6 nòng súng, 1 đầu đạn, 88 hạt kích nổ, 10g thuốc súng, 100g thuốc nổ, 50 bi chì, 50 viên bi sắt (dùng làm đạn súng) do người dân tự nguyện giao nộp. Điển hình trong số đó, có xã Liêng S’rônh đã vận động được người dân thu nộp 16 khẩu súng kíp tự chế, 3 nòng súng tự chế, 10 hạt kích nổ, 10 g bi chì, 10g thuốc súng...


Ở Đam Rông mùa này, trên những bản làng của người Mông, những người đàn ông đã không còn muốn "chơi" với súng. Họ tình nguyện giao nộp vật bất ly thân của mình để trả lại tiếng bình yên cho đại ngàn.

Ma Si A Lao - 21 tuổi, ở thôn 2, xã Liêng S’rônh chia sẻ: Mình biết dùng súng để đi rừng săn thú từ gần 10 năm trước. Vào đất mới Đam Rông mình vẫn mang theo, vẫn đi rừng để kiếm thịt về cho gia đình cải thiện. Nhưng giờ mình mới biết nó là vũ khí nguy hiểm, cất giữ nó trong nhà hay bên mình đều vi phạm pháp luật, nên mình phải nộp lại cho chính quyền, rồi tập trung chăm sóc nương rẫy lo làm ăn thôi".

"Mình có hơn 1ha mỳ và bắp, nên cả nhà chỉ lo chăm sóc thôi. Hạt bắp, củ mỳ cho mình tiền để dựng nhà, mua xe, quần áo, lương thực đầy đủ nên mình không đi rừng nữa, nên phải nộp lại súng cho cán bộ công an thôi". Giàng Seo Lông - thôn 5, Rô Men thật thà cho biết.

Cũng giống như Ma Si A Lao hay Giàng Seo Lông, mùa này ở Đam Rông từ lũ trẻ cho đến người già lớn tuổi đều tình nguyện đi giao nộp súng. Sau khi được nghe các anh công an, dân quân, cán bộ địa phương tuyên truyền về việc thu nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo Pháp lệnh số 16 của Ban Thường vụ Quốc hội.

Không hẳn đã là ngày hội, nhưng với nhiều người Mông ở Đam Rông, ngày giao nộp súng, mìn, kíp nổ gần như là một ngày vui. Ngày họ không còn phải nơm nớp lo âu, không còn phải len lén giấu giếm vì những lần mang súng vào rừng vì bị cán bộ "hỏi thăm" tra xét. Trả súng, cũng giống như "nghỉ chơi" với "người bạn" xấu, để yên tâm chăm sóc rẫy vườn, cho những bữa ăn cái mặc không còn thiếu thốn.

Người Mông giao nộp súng, cũng là ngày rừng đại ngàn Đam Rông được trả lại bình yên, những con suối không còn đục ngầu giận dữ, bầy thú hoang không còn rên xiết, nếp nhà làng Mông cũng ấm êm hơn vì không còn cảnh tranh giành, giải quyết thiệt hơn bằng tiếng súng.

Linh Đan