(LĐ online) - Cách đây 3 năm, khi tiến hành trồng mới 3.000 cây keo, nơi đây được xem là “Vườn cây đời đời ơn Bác!”, dùng làm nơi trực quan sinh động cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về phương pháp trồng, quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng để bảo vệ, tôn tạo cảnh quan môi trường, sinh thái...
(LĐ online) - Cách đây 3 năm, khi tiến hành trồng mới 3.000 cây keo, nơi đây được xem là “Vườn cây đời đời ơn Bác!”, dùng làm nơi trực quan sinh động cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về phương pháp trồng, quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng để bảo vệ, tôn tạo cảnh quan môi trường, sinh thái. Nhưng nay 3.000 cây keo phát triển tốt, phủ một màu xanh bạt ngàn trên diện tích 3 ha, thì mọi người gọi đây là “Rừng cây đời đời ơn Bác!” mới thật sự đúng nghĩa.
Xuất phát từ suy nghĩ: Phải làm sao để học sinh của trường mà hầu hết là con em đồng bào DTTS hiểu biết được sâu sắc của việc tích cực tham gia trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, để khi về với gia đình, chính các em là người tuyên truyền, vận động có hiệu quả nhất đối với gia đình, khi tham gia nhận khoán trồng mới, QLBV rừng do các đơn vị chủ rừng hợp đồng, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bảo Lâm, mà người tiên phong là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ry đặt vấn đề với BCH Đoàn trường nên tổ chức một mô hình “vườn rừng”.
Cách đặt vấn đề của BGH nhà trường đã gợi mở cho BCH Đoàn trường một hướng đi mới, hấp dẫn, hiệu quả trong hoạt động phong trào mang lại ý nghĩa thiết thực cho công tác dạy và học, nên BCH Đoàn trường đã xây dựng kế hoạch, phương án xây dựng mô hình “vườn rừng” và chủ động làm việc với hai chi đoàn bạn là: Chi đoàn Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm và Chi đoàn Dự án Bauxít Nhôm Tân Rai. Thấy được tính khả thi, cũng như mục đích ý nghĩa sâu sắc của việc xây dựng mô hình “vườn rừng” do BCH Đoàn trường Trường Phổ thông Dân tộc nội trú đề xuất, hai chi đoàn bạn đồng lòng nhất trí. Trên cơ sở đó, ngày 19/5/2010 lễ ra quân xây dựng mô hình “vườn rừng nhớ ơn Bác” được triển khai theo phương thức: Lực lượng trực tiếp tham gia trồng rừng là đoàn viên, thanh niên, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, hướng dẫn kỹ thuật là đoàn viên, thanh niên Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm và hỗ trợ phương tiện đi lại, đào hố, vận chuyển phân bón, cây giống… là đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Dự án Bauxít Nhôm Tân Rai. Trên phương án đó và dưới sự chỉ đạo sát sao của BGH Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, BGĐ Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm, Dự án Bauxít Nhôm Tân Rai, Lễ ra quân xây dựng mô hình “vườn rừng” diễn ra sôi nổi, hào hứng và chỉ trong một thời gian ngắn 3.000 cây keo tại địa điểm giáp ranh giữa TT Lộc Thắng với thôn 2 xã B’Lá, huyện Bảo Lâm đã được trồng đúng quy trình kỹ thuật. Sau khi xây dựng xong mô hình “vườn rừng”, công tác chăm sóc, bảo vệ dưới sự hướng dẫn của các đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm cũng được các đoàn viên, thanh niên, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bảo Lâm tiến hành thường xuyên thông qua các buổi học ngoài trời, các buổi lao động và các buổi thực hành kiến thức bộ môn sinh học, xã hội học, tài nguyên môi trường… Điều đáng nói nữa là, mặc dù hiện nay trên diện tích 3 ha đã được phủ một màu xanh tươi tốt của 3.000 cây keo đã được chuyển giao cho Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm quản lý, bảo vệ và đã chính thức trở thành “Rừng cây đời đời ơn Bác!”, nhưng hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Bác Hồ 19/5, Đoàn trường Trường Dân tộc nội trú huyện Bảo Lâm vẫn tổ chức cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh của nhà trường ra quân đến “Rừng cây” lao động bằng những việc làm thiết thực như: tỉa cành, phát dọn vật liệu dễ cháy, tôn tạo, sửa chữa các bảng hiệu phòng chống cháy rừng, các đường ranh cản lửa và hướng dẫn cho các học sinh của trường về phương pháp, biện pháp phòng chống cháy rừng, kỹ thuật chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng… Từ việc ra quân của Đoàn trường, cũng như tinh thần quản lý, bảo vệ rừng của các đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm, nên những năm qua trên diện tích 3 ha “Rừng cây đời đời ơn Bác!” không hề xảy ra một vụ phá hoại, hoặc một vụ cháy rừng nào, mà ngược lại rừng phát triển rất tốt, trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng mới, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Bảo Lâm.
Đưa chúng tôi đi thực địa “Rừng cây đời đời ơn Bác!”, đoàn viên - thầy giáo Kiều Việt Thu cho biết: Xây dựng thành công mô hình “Rừng cây đời đời ơn Bác!” không những Đoàn trường Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bảo Lâm đã góp phần bé nhỏ vào việc bảo vệ tài nguyên môi trường rừng, mà còn góp phần vào việc nâng cao nhận thức cho học sinh đồng bào DTTS về ý nghĩa, mục đích của việc trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng để nhân rộng công tác có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc sống, nhưng hiện đang gặp vô vàn khó khăn ở địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng thành công mô hình “Rừng cây đời đời ơn Bác!” có ý nghĩa thiết thực trong việc học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người!”.
Ra quân xây dựng mô hình “Rừng cây đời đời ơn Bác!” của Đoàn trường Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bảo Lâm |
Cán bộ Đoàn Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm hướng dẫn kỹ thuật trồng cây keo cho học sinh Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bảo Lâm |
Hoàng Đại Huynh