85,5% học viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề

04:05, 28/05/2013

Theo báo cáo của ông Trương Ngọc Lý - GĐ Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng – tại một hội nghị sơ kết 3 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức mới đây, tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề là 85,5%...

Theo báo cáo của ông Trương Ngọc Lý - GĐ Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng – tại một hội nghị sơ kết 3 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức mới đây, tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề là 85,5%. Cũng theo ông Trương Ngọc Lý, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, nhất là đối với người lao động nông thôn.

Người lao động trong một xưởng dệt may - Ảnh: Hồng Hải
Người lao động trong một xưởng dệt may - Ảnh: Hồng Hải


Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 7 trung tâm dạy nghề công lập do Sở LĐ-TB-XH tỉnh quản lý và 26 cơ sở dạy nghề ngoài công lập có tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Qua 3 năm triển khai đề án dạy nghề, các địa phương và các cơ sở đã tổ chức được 714 lớp tại 111/118 xã trong tỉnh với 20.262 học viên tham gia. Hiện có 24 ngành nghề được Lâm Đồng đưa vào giảng dạy theo chương trình dạy nghề lao động nông thôn thuộc 3 nhóm nghề là nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng.

Trong các nhóm nghề nêu trên, nhóm nông nghiệp được người lao động quan tâm cao nhất với 12.840 học viên theo học và đã tốt nghiệp, chiếm 66% lao động được dạy nghề trong 3 năm qua. Trong nhóm nghề này, những nghề cụ thể được người lao động quan tâm theo học với số lượng lớn là các nghề trồng và chăm sóc cà phê, trồng rừng, nuôi cá, trồng rau hoa công nghệ cao, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gia súc gia cầm, thú y… Trong đó, nghề trồng và chăm sóc cà phê có số học viên đông nhất - chiếm khoảng 1/4 số lượng người theo học nghề của cả tỉnh. Điều đáng nói nữa là, nhóm nghề nông nghiệp cũng là nhóm nghề có tỷ lệ cao nhất về học viên được tốt nghiệp và có việc làm đúng với nghề được đào tạo: 90,5%. Với hai nhóm nghề còn lại, nhóm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng có số lượng học viên tham gia đứng thứ 2 trong 3 nhóm: 5.039 người. Các ngành nghề được đưa vào giảng dạy thuộc nhóm này được người lao động quan tâm là tre mây, đan lát, dệt len, thêu, may công nghiệp, thợ xây… “Phần lớn những người lao động nông thôn theo học các nghề thuộc nhóm nghề này là để nhận hàng gia công cho các doanh nghiệp, hoặc sau khi học tự hình thành từng nhóm để sản xuất các mặt hàng gia công như dệt len, thêu tay, móc len, đan mây tre, kết cườm… Tuy nhiên, tỷ lệ học viên của nhóm nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng được tốt nghiệp và có việc làm đúng với ngành nghề lại chiếm tỷ lệ thấp nhất: 75,4%. Còn với nhóm nghề dịch vụ (có tỷ lệ tốt nghiệp 76,4%) với các nghề cụ thể như sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy…, tổng số học viên theo học và đã tốt nghiệp trong 3 năm chỉ có 1.575 người - chiếm 8,1% tổng số học viên là lao động nông thôn học nghề đã tốt nghiệp của toàn tỉnh. Theo Sở LĐ-TB-XH, các học viên theo học nhóm nghề này chủ yếu là để thi giấy phép lái xe máy cày, mở tiệm sửa chữa hoặc làm thợ phụ cho các tiệm sửa xe máy…

Ông Trương Ngọc Lý cũng thẳng thắn thừa nhận, hạn chế lớn nhất hiện nay trong dạy nghề cho lao động nông thôn ở Lâm Đồng là kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn để phát triển ngành nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, chất lượng dạy nghề tại một số lớp và một số vùng vẫn còn những hạn chế nhất định; và đặc biệt là chưa thực sự gắn nhu cầu của học viên là lao động nông thôn theo học nghề với các chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.

Từ 2013 - 2015, Lâm Đồng đưa ra chỉ tiêu mỗi năm có 10.000 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; đảm bảo tỷ lệ trên 85% người lao động nông thôn học nghề sau khi tốt nghiệp có được việc làm ổn định và có thu nhập tăng. Đồng thời, cũng theo đề án này, từ nay đến 2015, cả tỉnh có 1.000 cán bộ cấp xã được đào tạo và bồi dưỡng, trong đó có các nội dung thuộc dự án dạy nghề cho lao động nông thôn.

KHẮC DŨNG