Thuỷ điện Đồng Nai 2: Cần đẩy nhanh tiến độ đền bù cho dân

03:05, 12/05/2013

Theo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - ông Nguyễn Xuân Tiến, đến 15.5 này, chủ đầu tư thuỷ điện Đồng Nai 2 phải thực hiện đền bù 50% kinh phí chưa đền bù cho dân để tích nước lòng hồ giai đoạn 1; để từ đó, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng nhà máy.

Theo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - ông Nguyễn Xuân Tiến, đến 15.5 này, chủ đầu tư thuỷ điện Đồng Nai 2 phải thực hiện đền bù 50% kinh phí chưa đền bù cho dân để tích nước lòng hồ giai đoạn 1; để từ đó, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng nhà máy.

Nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 2 được xây dựng trên sông Đa Dâng, một nhánh của sông Đồng Nai, nằm trên địa bàn xã Tân Thượng, huyện Di Linh, là bậc thang thứ ba trong quy hoạch bậc thang thuỷ điện đã được Chính phủ phê duyệt. Dự án thuỷ điện Đồng Nai 2 có chủ đầu tư là Công ty cổ phần thuỷ điện Trung Nam (Trungnam Power), được đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành) với tổng vốn dự kiến ban đầu là 2.500 tỷ đồng (nay đã lên gần 2.900 tỷ đồng). Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với chủ đầu tư để xem xét tiến độ thực hiện dự án; trong đó có hai nội dung quan trọng là vấn đề chi trả tiền đền bù và vấn đề tích nước lòng hồ thuỷ điện.

Chậm tiến độ

Theo kế hoạch ban đầu (khởi công năm 2008), dự án sẽ được hoàn thành và phát điện hoà vào lưới điện quốc gia trong quý I năm 2012; mỗi năm cung cấp cho ngành điện 290 triệu kWh điện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến đầu tháng 5 này, thuỷ điện Đồng Nai 2 vẫn chưa thể tích nước lòng hồ.

Một trong những nguyên nhân khiến cho thuỷ điện Đồng Nai 2 không được thực hiện đúng theo tiến độ đề ra ban đầu là Công ty cổ phần thuỷ điện Trung Nam chậm triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, tổng diện tích đất phải thu hồi để triển khai thuỷ điện Đồng Nai 2 là 1.337ha thuộc hai huyện Di Linh và Lâm Hà; và số tiền đền bù là gần 267 tỷ đồng. Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến hồi đầu tháng 2.2012, lãnh đạo Công ty cổ phần thuỷ điện Trung Nam cho biết ngay từ quý I đến hết quý II năm 2012 sẽ hoàn tất việc đền bù để đến tháng 10.2012 phát điện tổ máy số I và tổ máy thứ II còn lại (thuỷ điện Đồng Nai 2 có 2 tổ máy với công suất thiết kế 75MW) sẽ được phát điện vào cuối năm 2012. Như vậy, đến nay, xét về tiến độ, thuỷ điện Đồng Nai 2 đã chậm trễ đến hai lần (lần một định phát điện vào quý I năm 2012, lần hai dự kiến phát điện vào cuối năm 2012). Tại buổi làm việc của UBND tỉnh Lâm Đồng với Công ty cổ phần Trung Nam mới đây nhất, riêng về vấn đề đền bù được ghi nhận: “Đến nay, phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất khu vực lòng hồ đã được lập đảm bảo theo quy định hiện hành và đã được phê duyệt”. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là: “Về phía chủ đầu tư, do gặp khó khăn chung về tình hình kinh tế, doanh nghiệp chưa huy động đủ kinh phí để giải quyết bồi thường, hỗ trợ theo tiến độ dự án, tuy nhiên cũng đã cố gắng thu xếp một phần để ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân”.

Hướng mở trong thực hiện đền bù

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, nhằm tạo điều kiện cho thuỷ điện Đồng Nai của Công ty cổ phần thuỷ điện Trung Nam đi vào vận hành một cách có hiệu quả, tránh lãng phí và đồng thời đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, Công ty phải thu xếp kinh phí để chi trả xong ít nhất 50% số tiền bồi thường hiện còn chưa chi trả trước ngày 15.5.2013 để đúng vào ngày này tiến hành tích nước lòng hồ giai đoạn 1; và, 50% số tiền bồi thường còn lại phải chi trả trước ngày 15.7.2013 để sau đó tiếp tục tích nước giai đoạn 2 đến cao trình thiết kế. Đối với giai đoạn chi trả lần 2 (từ 15.5 – 15.7), nếu Công ty cổ phần thuỷ điện Trung Nam chưa thu xếp đủ kinh phí để chi trả thì đơn vị phải cam kết và cam kết này có xác nhận của UBND cấp huyện về việc thanh toán thêm cho các hộ dân phần lãi theo mức lãi suất tiền gửi của ngân hàng thương mại kể từ ngày 15.7.2013 đến thời điểm thực hiện chi trả tiền bồi thường.

Dĩ nhiên, con số gần 267 tỷ đồng tiền bồi thường trong tổng số vốn của cả dự án gần 2.900 tỷ đồng là con số chiếm phần đáng kể. Và đặc biệt, trong điều kiện tự bỏ vốn (vốn tự có và vốn vay trong nước) để đầu tư dự án, Trung Nam gặp phải những khó khăn nhất định là điều dễ hiểu và dễ thông cảm. Song, không vì khó khăn này mà chủ đầu tư làm chậm tiến độ dự án của chính mình. Khách quan mà nhìn, cách tháo gỡ 50% cho hai giai đoạn tích nước, trong đó giai đoạn 2 có cam kết về lãi suất ngân hàng của UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra như trên là một hướng mở có lợi cho cả Công ty cổ phần thuỷ điện Trung Nam và cho cả người dân có diện tích đất bị thu hồi.

KHẮC DŨNG