Xây dựng Bảo tàng sinh thái - văn hoá vùng Langbiang

02:05, 31/05/2013

(LĐ online) - Đó là nội dung được bàn bạc chủ yếu tại hội thảo tham vấn Quy hoạch và phát triển bảo tàng sinh thái- văn hoá bản địa tại vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà, vào sáng 31/5/2013 tại Đà Lạt do Viện Sinh thái học miền Nam và VQG Bidoup Núi Bà tổ chức.

(LĐ online) - Đó là nội dung được bàn bạc chủ yếu tại hội thảo tham vấn Quy hoạch và phát triển bảo tàng sinh thái- văn hoá bản địa tại Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà, vào sáng 31/5/2013 tại Đà Lạt do Viện Sinh thái học miền Nam và VQG Bidoup Núi Bà tổ chức.

Dự hội thảo có ông Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam; ông Lê Văn Hương - Giám đốc VQG Bidoup Núi Bà; Các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các dự án đang tiến hành tại VQG Bidoup Núi Bà.

Hội thảo đã đi sâu phân tích đặc điểm tự nhiên của VQG cũng như đặc điểm chính trong văn hoá, xã hội của người Cơ Ho vùng dự án huyện Lạc Dương và TP. Đà Lạt. Làm rõ các giá trị về kinh tế, văn hoá mà khu vực này mang lại, từ đó tìm giải pháp bảo vệ rừng, môi trường sinh thái và các giá trị văn hoá.

Ông Lưu Hồng Trường - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam đã gửi đến hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu “Quy hoạch và phát triển Bảo tàng sinh thái - văn hoá tại VQG Bidoup Núi Bà”. Với mục đích bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hoá vật thể (lâm sản ngoài gỗ) và phi vật thể (kiến thức bản địa) của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giáo dục môi trường, quan hệ giữa con người và thiên nhiên, thúc đẩy du lịch và thu nhập cho cộng đồng.

Địa điểm xây dựng Bảo tàng dự kiến là ngay tại chân núi Langbiang, do nhóm ông K’Plin - Già làng cộng đồng người Cơ Ho thiết kế ban đầu. Bảo tàng sinh thái - văn hoá không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật quá khứ mà còn góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường rừng và văn hoá bản địa với các chức năng chính như: Trưng bày, triển lãm; Thuyết minh văn hoá - sinh thái - lâm sản ngoài gỗ được trưng bày; Tổ chức trình diễn các nghề truyền thống, điệu múa, lễ hội; Tổ chức hội thảo, hội nghị có liên quan.

Với kinh phí dự kiến gần 13 tỷ đồng, Bảo tàng sẽ xây dựng những đề cương riêng hướng đến các đối tượng tiêu biểu, đặc biệt là hướng vào các đối tượng học sinh, thanh thiếu niên các trường trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên nhằm giáo dục kiến thức văn hoá bản địa, sự gắn bó với thiên nhiên.

Ngoài ra, hội thảo cũng chia sẻ một số vấn đề nâng cao năng lực quản lý dựa vào cộng đồng VQG Bidoup Núi Bà và định hướng phát triển du lịch sinh thái VQG.

Diễm Thương