Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) là xã có đa số là đồng bào DTTS sinh sống và là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Hiện tại, con đường từ trung tâm huyện vào xã vẫn là đường đất, nên việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, vật tư nông nghiệp của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn...
Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) là xã có đa số là đồng bào DTTS sinh sống và là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Hiện tại, con đường từ trung tâm huyện vào xã vẫn là đường đất, nên việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, vật tư nông nghiệp của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
Đối chiếu với các tiêu chí NTM, đến nay, xã Lộc Lâm mới đạt tiêu chí về quy hoạch. Trao đổi về vấn đề này, ông K’Chùng - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Lộc Lâm, cho biết: “Cái khó nhất ở đây là việc chuyển đổi nhận thức của bà con”.
Quả vậy, dù đời sống của đồng bào DTTS xã Lộc Lâm trong những năm gần đây đã được nâng cao rõ rệt. Bà con đã chú tâm hơn trong xây dựng phát triển kinh tế gia đình và bắt đầu tìm tòi để trồng những giống chè, cà phê có năng suất cao, góp phần đẩy nhanh việc xoá đói, giảm nghèo ở địa phương. Cụ thể, bà con đã chuyển đổi những diện tích trồng chè hạt ở nơi đất thấp sang trồng chè cành. Còn những nơi đất cao, bà con vẫn giữ nguyên cây chè hạt. Cây cà phê cũng vậy, bà con cũng chọn những giống cao sản để sản xuất. Tuy nhiên, năm 2013, xã Lộc Lâm vẫn còn 121 hộ nghèo (trong tổng số 499 hộ của toàn xã), chiếm tỷ lệ khá cao (24,25%). Bà Ka Phờm - Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, chia sẻ: “Đầu năm 2013, chúng tôi đăng ký xây dựng 4 tiêu chí: Trạm Y tế, an ninh trật tự, giao thông nông thôn và điện thắp sáng. Hiện nay, xã chúng tôi còn 45 hộ chưa có điện kế riêng”.
Ngay từ khi mới bắt đầu Chương trình xây dựng NTM (2012), Ban chỉ đạo xã Lộc Lâm đã xác định: Xây dựng NTM là công việc lâu dài, không thể làm ồ ạt theo phong trào. Vì vậy, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng thuận chung tay xây dựng NTM; đồng thời, giải thích cho người dân hiểu xây dựng NTM, người được hưởng lợi là chính mình và cũng là lực lượng chính tham gia đóng góp xây dựng NTM. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo còn căn cứ vào thực tiễn của địa phương để xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn. Trước mắt, Lộc Lâm tập trung mọi nguồn lực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo nguồn vốn tích lũy từ dân; ngoài ra, tranh thủ các nguồn đầu tư từ các chương trình 134, 135, 30a, các dự án, huy động vốn đối ứng của dân… để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Bước đầu, xã đã tạo được những chuyển biến tích cực. “Nhiều bà con đã tự nguyện góp ngày công, hiến đất để xây dựng NTM. Nếu đường giao thông có đi qua vườn đất nhà mình, thì bà con cũng tự giải toả đất để làm đường và không đòi tiền đền bù. Hiện, tỷ lệ đường kiên cố trong xã đạt được 40%” - bà Ka Phờm cho biết.
“Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, chúng tôi xét thấy có những tiêu chí không phù hợp với địa phương, như: Tiêu chí chợ nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng và một số tiêu chí khác... Bởi dân ở đây ít, sức mua thấp, đồng bào ít buôn bán. Nếu muốn mua gì thì bà con đã ra ngoài chợ Bảo Lâm mua rồi!” - bà Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm Ka Phờm băn khoăn. Từ thực tiễn đó, bà Ka Phờm kiến nghị: “Để Lộc Lâm hoàn thành 19 chỉ tiêu NTM theo đúng lộ trình đề ra, về phía địa phương, chúng tôi sẽ cố gắng huy động mọi nguồn lực vào xây dựng NTM; đồng thời, rất cần sự quan tâm của cấp trên để cùng với chính quyền địa phương thu hút đầu tư thì mới đạt được. Chúng tôi cũng đang xem xét, nghiên cứu các tiêu chí không phù hợp với tình hình của địa phương để kiến nghị, đề xuất lên cấp trên”.
TRỊNH CHU