Bao giờ Lâm Đồng có nhà ở cho người thu nhập thấp?

02:06, 27/06/2013

(LĐ online) - Một số lượng tiền lớn tại các ngân hàng đã sẵn sàng "mở két" để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận vay ưu đãi mua nhà ở. Tuy nhiên, đến nay số tiền trên vẫn bị ứ đọng, không thể giải ngân, bởi một lý do hết sức đơn giản, hiện tại Lâm Đồng chưa hề có bất cứ một dự án nào về xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp được triển khai xây dựng.

(LĐ online) - Một số lượng tiền lớn tại các ngân hàng đã sẵn sàng "mở két" để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận vay ưu đãi mua nhà ở. Tuy nhiên, đến nay số tiền trên vẫn bị ứ đọng, không thể giải ngân, bởi một lý do hết sức đơn giản, hiện tại Lâm Đồng chưa hề có bất cứ một dự án nào về xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp được triển khai xây dựng.

Ở Lâm Đồng vẫn chưa có dự án xây dựng nhà ở (chung cư) dành cho người thu nhập thấp nào được triển khai
Ở Lâm Đồng vẫn chưa có dự án xây dựng nhà ở (chung cư) dành cho người thu nhập thấp nào được triển khai

   
Kể từ khi phát hành thông báo về chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, đến nay đã gần một tháng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa tiếp nhận một hồ sơ vay vốn nào từ chương trình tín dụng này.

Là một trong 5 ngân hàng thương mại được Ngân hàng nhà nước chỉ định thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở, với tổng dư nợ ở thời điểm hiện tại trên 7.500 tỷ đồng, Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng được phép trích 3% trên tổng dư nợ để cho vay hỗ trợ nhà ở, tương đương với số tiền là 225 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trọng Đại – PGĐ Ngân hàng NN&PTTN tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Hiện nay, Lâm Đồng chưa có dự án nào được Bộ Xây dựng thông báo và các chủ đầu tư cũng chưa xây dựng hoàn thiện bất cứ dự án nào để ngân hàng làm thủ tục cho vay và giải ngân nguồn vốn này".

Dù nguồn vốn đã có sẵn nhưng cho đến thời điểm này, Lâm Đồng vẫn chưa có một dự án nhà ở xã hội nào dành cho người thu nhập thấp được triển khai xây dựng. Duy nhất, có một dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp ở Khu quy hoạch chung cư Ngô Quyền - Bạch Đằng của Công ty cổ phần địa ốc Đà Lạt được thỏa thuận từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn còn nằm nguyên trên giấy.

Để xây dựng 4 khối chung cư với 210 căn hộ này, đơn vị chủ đầu tư cần đến nguồn vốn vay gần 78 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì dự án chưa được triển khai xây dựng nên Công ty cổ phần địa ốc Đà Lạt vẫn chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Ông Ngô Phước – TGĐ Cty Cp địa ốc Đà Lạt lý giải về nguyên nhân này: Đến thời điểm hiện tại, các bước chuẩn bị của doanh nghiệp cơ bản đã được hoàn thành, nhằm hoàn chỉnh các thủ tục hành chính có liên quan đến giấy phép đầu tư, hồ sơ pháp lý để có thể triển khai dự án, tuy nhiên vẫn phải đang đợi để các cấp chính quyền phê duyệt".

Theo qui định của Ngân hàng nhà nước, đối tượng được cho vay hỗ trợ nhà ở bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đối tượng lao động là người có thu nhập thấp, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội. Để tiếp cận được với nguồn vốn vay này, khách hàng phải đảm bảo các điều kiện: vay vốn để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 và khách hàng phải là doanh nghiệp vay vốn để trả các chi phí chưa thanh toán để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội thời gian tối đa 15 năm với lãi suất trong năm 2013 là 6% và những năm tiếp theo không vượt quá 6%/năm.

Ngoài Ngân hàng NN&PTNT, ở Lâm Đồng còn có Ngân hàng Ngoại thương, Đầu tư – phát triển, Ngân hàng Phát triển nhà và Ngân hàng Công thương được giao nhiệm vụ thực hiện gói tín dụng này. Tuy nhiên, cho đến nay hầu như các ngân hàng nói trên đều chưa ký kết được một hợp đồng tín dụng nào.

Bà Phạm Thị Vạn Thanh  - PGĐ Ngân hàng Công thương Lâm Đồng cũng đã khẳng định: "Chúng tôi vẫn tiếp tục quảng bá và cố gắng định hướng cho khách hàng có nhu cầu về nhà ở, nhất là những đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, theo quy định được vay hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn chưa tiếp nhận được hồ sơ nào".

Theo qui định của NHNN Việt Nam, gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở được triển khai trong thời gian 3 năm và không ấn định chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Nếu không gấp rút triển khai các dự án nhà ở xã hội, chắc chắn dòng vốn trên sẽ "chảy" về các địa phương khác.

Ông Trương Quốc Thụ - PGĐ Ngân hàng NNVN chi nhánh tỉnh Lâm Đồng: "Đối với các nhà đầu tư, chủ dự án, nếu đã có ý tưởng hoặc giấy phép xây dựng thì cần gấp rút đẩy nhanh tiến độ, để trình Sở Xây dựng và chính quyền địa phương xem xét và duyệt sớm giấy phép đầu tư, khi ấy các ngân hàng sẵn sàng "rộng cửa" để hoàn thành thủ tục cho vay".

Tạo điều kiện để người có thu nhập thấp có chỗ ở ổn định là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đến giờ Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung vẫn có rất ít những dự án đầu tư vào lĩnh vực này hay nói đúng hơn là chưa có dự án nào được triển khai. Bao giờ nguồn vốn ưu đãi trên mới đến được tay người nghèo, câu trả lời không nằm ở phía người dân, bởi vấn đề này tùy thuộc vào động thái của các cấp chính quyền và các nhà đầu tư. Rất có thể, một số lượng lớn người dân có nhu cầu về nhà ở tại Đà Lạt - Lâm Đồng lại tuột mất cơ hội đáng kể trên.

Linh Đan