Công ty Én Việt Vina buông lỏng công tác quản lý rừng

08:06, 18/06/2013

(LĐ online) - Rừng dọc theo tuyến quốc lộ 723 Đà Lạt (Lâm Đồng) – Nha Trang (Khánh Hòa) đoạn qua ba xã Đạ Sar, Đạ Chair và Đạ Nhim thuộc địa phận huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn do hai đơn vị chủ rừng là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà và Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) đầu nguồn Đa Nhim quản lý.

(LĐ online) - Rừng dọc theo tuyến quốc lộ 723 Đà Lạt (Lâm Đồng) – Nha Trang (Khánh Hòa) đoạn qua ba xã Đạ Sar, Đạ Chair và Đạ Nhim thuộc địa phận huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn do hai đơn vị chủ rừng là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà và Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) đầu nguồn Đa Nhim quản lý.

Hiện trường vụ phá rừng tại khoảnh 8, tiểu khu 143 thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Ảnh: Thụy Trang
Hiện trường vụ phá rừng tại khoảnh 8, tiểu khu 143 thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Ảnh: Thụy Trang

 

Ngày 14.6, ông Trần Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng – cho biết: Sau một thời gian triển khai điều tra vụ phá rừng mới nhất tại huyện Lạc Dương do Chi cục phối hợp với Công an huyện tiến hành, bước đầu, cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng chặt thông tại tiểu khu 143 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) đầu nguồn Đa Nhim quản lý là một người tên là B.V, ngụ tại Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt.

Như Báo Lâm Đồng đã thông tin, trong vài ngày qua, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, BQL RPH đầu nguồn Đa Nhim cùng Công an huyện Lạc Dương đã vào tận hiện trường xã Đạ Sar (tiểu khu 143) để thu thập chứng cứ, làm việc với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng về vụ phá rừng mới nhất này. Theo ghi nhận ban đầu, tại khoảnh 8, tiểu khu 143 thuộc sự quản lý của BQL RPH đầu nguồn Đa Nhim có 77 cây thông trên diện tích 0,47ha bị đốn hạ (chủ yếu bằng cưa máy); trong đó có 8 cây thông vừa bị đốn hạ trong tháng 5.2013. Đây là khu vực rừng của BQL RPH đầu nguồn Đa Nhim từng được UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty Én Việt Vina thuê để triển khai dự án trồng nấm. Ông Trịnh Ngũ Hùng, Trưởng ban BQL RPH đầu nguồn Đa Nhim, cho biết: “Ngày 30.1.2011, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định giao rừng cho Én Việt Vina để triển khai dự án trồng nấm với tổng diện tích 109,5ha tại tiểu khu 143 thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Sau đó, vì đơn vị thuê đất lâm nghiệp này không triển khai dự án như cam kết nên đến ngày 7.8.2012, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích nói trên và giao trở lại cho BQL RPH đầu nguồn Đa Nhim quản lý. Trong thời gian từ tháng 1.2011 – 8.2012, do buông lỏng quản lý nên Công ty Én Việt Vina đã để cho một số đối tượng vào trong khu vực rừng đã giao đó chặt phá với mục đích chiếm đất trồng cây công nghiệp”. Cụ thể, trên diện tích 0,47ha tại khoảnh 8, tiểu khu 143, có 69 cây thông ba lá bị đốn hạ từ tháng 3 đến tháng 5.2012. Cũng trên diện tích này, 8 cây thông đã bị đốn hạ còn lại, theo BQL RPH đầu nguồn Đa Nhim thì kẻ gian vừa mới đốn trong khoảng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.2013. Cả hai vụ triệt hạ rừng thông này đều được lập biên bản; nhưng điều đáng nói là tất cả đều được lập biên bản vắng chủ(!). Cụ thể, với vụ 69 cây thông bị đốn từ tháng 3 đến tháng 5.2012, Trạm QLBVR Đarahoa (thuộc BQL RPH đầu nguồn Đa Nhim) đã một lần lập biên bản vào ngày 16.3.2012; tiếp đến, ngày 26.5.2012, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương lại một lần nữa lập biên bản. Với vụ đốn hạ 8 cây thông tiếp theo mới đây, ngày 3.5.2013, Trạm QLBVR Đarahoa thêm một lần lập biên bản, nhưng vẫn chỉ là biên bản vắng chủ. “Sau khi nhận được tin báo từ người dân địa phương, anh em QLBVR chúng tôi triển khai ngay lực lượng nhưng lúc đến nơi, kẻ phá rừng đã trốn chạy. Do vậy, anh em đành lập biên bản vắng chủ. Có thể, khi chúng tôi triển khai lực lượng, có người đã mật báo!” – ông Trịnh Ngũ Hùng nói thêm.

Quả như lời ông Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng phát biểu rằng “Nạn phá rừng dọc quốc lộ 723 Đà Lạt – Nha Trang hiện vẫn diễn ra khá phức tạp”: Dọc theo tuyến đường 723 Đà Lạt – Nha Trang thuộc huyện Lạc Dương hiện còn trên 60 doanh nghiệp đang thuê rừng và đất rừng để làm kinh tế (chủ yếu là du lịch và nông – lâm – thủy) với tổng diện tích khoảng 10.000ha. Trong số các đơn vị thuê rừng để làm kinh tế ở khu vực này, theo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, đã có ít nhất 20 doanh nghiệp bị “điểm mặt” vi phạm lâm luật. Một cán bộ có trách nhiệm của huyện Lạc Dương cung cấp thông tin (nhưng không muốn nêu tên và chức vụ): Ước từ 2005 đến nay, dọc theo theo tuyến đường 723 thuộc rừng đầu nguồn Đa Nhim có ít nhất 200ha rừng bị phá. “Không chỉ rừng của BQL RPH đầu nguồn Đa Nhim bị phá mà ngay cả rừng của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà dọc tuyến đường này cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng” – vị cán bộ này nhấn mạnh.

Khắc Dũng