Được Đảng ủy, UBND xã Tân Thượng (Di Linh) giới thiệu về một CCB vượt khó, trở thành gương điển hình sản xuất giỏi, chúng tôi thăm đường vào nhà CCB Bóc Năm Sáng, nhiều người vui vẻ chỉ đường, kèm theo lời giới thiệu "Ông già Bóc đầy nghị lực làm giàu à, ở đây ai mà không biết".
Được Đảng ủy, UBND xã Tân Thượng (Di Linh) giới thiệu về một CCB vượt khó, trở thành gương điển hình sản xuất giỏi, chúng tôi thăm đường vào nhà CCB Bóc Năm Sáng, nhiều người vui vẻ chỉ đường, kèm theo lời giới thiệu “Ông già Bóc đầy nghị lực làm giàu à, ở đây ai mà không biết”.
Đứng trước mặt chúng tôi là một người đàn ông cao, gầy, rắn chắc, khuôn mặt đen sạm, hai khóe mắt, khóe miệng chằng chịt vết chân chim, khiến ông già hơn so với tuổi đời 55. Không kịp để chúng tôi đặt vấn đề, ông rót nước vào bát mời khách và nói: “Cuộc mưu sinh của vợ chồng tôi đầy khốn khó, vất vả. Ơn trời, tôi luôn tâm niệm lời dạy của Cụ Hồ “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, nên mới có được cơ ngơi và cuộc sống như ngày nay”. Nghe ông tự bạch, trong chúng tôi lóe lên một ý nghĩ: Con người này không những có nghị lực, bản lĩnh, mà còn cởi mở, trải lòng. Thế rồi, chúng tôi bị cuốn theo câu chuyện làm giàu của vợ chồng ông trên mảnh đất đầy sỏi đá của thôn 11, xã Tân Thượng.
Theo lời kể của ông, sau khi giải ngũ, trở về quê hương Bình Thuận làm ăn, nhưng vì ở vùng cát đầy nắng gió khô cằn, có bươn chải, vất vả làm lụng đến đâu, cũng không đủ miếng ăn cho gia đình. Thế nên, ông bàn với vợ quyết tâm ly hương, tìm miền đất “hứa”. Thông qua người quen giới thiệu, ông dồn toàn bộ tiền bán tài sản tại quê, cộng thêm chút ít vốn liếng tích góp, vay mượn được, năm 1994, ông mua 5 ha đất trống đồi trọc tại thôn 11, xã Tân Thượng.
Tưởng rằng đất cao nguyên bao giờ cũng bazan màu mỡ, ai dè khi đưa vợ con lên, lội vào mảnh vườn vừa “tậu” được, ông ‘té ngửa”, bởi chỉ toàn đá sỏi và cỏ tranh, lau lách, bụi rậm. Sau khi đã cùng vợ con “cuốc bộ” trên 20 km đường mòn đầy bụi nắng, gập ghềnh cao thấp “bở hơi tai”, vào mảnh đất định “lạc nghiệp”, gặp cái cảnh “Chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, cái háo hức “làm lại từ đầu” trong ông bỗng chốc vụt tắt. “Thế nhưng, với tôi lúc đó không trở thành vấn đề, cái chính là phải sống, phải tồn tại, không đầu hàng trước mọi trở ngại, khó khăn” - ông Bóc Năm Sáng tâm sự. Khi đã “an cư”, ông chọn phương thức “lấy ngắn nuôi dài” trong làm kinh tế, bằng cách: Ngày ngày, vợ chồng chặt phát cây rừng, thu dọn sỏi, đá, đào sâu, xới kỹ đất để trồng những loại cây ngắn ngày như lúa rẫy, ngô, khoai, đậu, đỗ, lạc, vừng…, đồng thời gieo trồng đến đâu, quy hoạch đào lỗ để trồng cà phê khi có điều kiện đến đó. Không chỉ có trồng trọt, vợ chồng ông còn tổ chức nuôi lợn, gà, ngan, vịt và đào ao thả cá.
Đa dạng trong sản xuất, chăn nuôi, đã mang lại cho ông nhiều khoản thu nhập. Vì thế, cuộc sống gia đình, cũng như việc học hành của con cái cũng từng bước đi vào ổn định. Khi không còn bận tâm đến việc “chống đói”, ông nghĩ đến việc “xóa nghèo” bằng việc mua giống cà phê mới về trồng trong vườn và chịu khó nghiên cứu tài liệu, sách vở, học hỏi kinh nghiệm những nông dân đi trước về kỹ thuật trồng mới, chăm sóc cà phê. Chịu khó mày mò, nghiên cứu và học hỏi, ông nắm vững được những kỹ thuật canh tác cà phê, nên vườn cà phê của ông bao giờ cũng xanh tốt, không bị nhiễm bệnh. Vì thế, năng suất không ngừng được nâng cao từ chỗ bình quân 2 tấn/ha, được nâng lên 3 tấn, 3,5 tấn/ha và chất lượng luôn được khách hàng đánh giá, phân loại tốt.
Đưa chúng tôi ra vườn chứng kiến cà phê bạt ngàn, trĩu quả, lại có nhiều loại cây trồng xen cho hiệu quả kinh tế cao, ông Bóc Năm Sáng vui mừng cho hay “Với 6 ha cà phê hiện tại, mỗi năm cho gia đình tôi nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nhiều nguồn thu nhập khác từ các cây trồng xen ghép, hoặc từ ao cá, chuồng trại chăn nuôi. Với tôi, cái ăn, cái mặc bây giờ không còn là vấn đề, quan trọng là không bao giờ được thỏa mãn dừng lại, bởi như Bác Hồ đã dạy: “Con người muốn tiến bộ, phải không ngừng phấn đấu học tập, công tác và tăng gia sản xuất”. Kinh tế gia đình phát triển, mang lại niềm vui cho tôi, khi các con được học hành, trưởng thành, có công ăn việc làm, đời sống ổn định, bản thân tôi được nhiều lần công nhận “Nông dân sản xuất giỏi”, được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 11, xã Tân Thượng. Và cái chính là người dân trong thôn xóm, trong xã nể phục, tin yêu và noi gương vượt khó của bản thân”.
HOÀNG VƯƠNG MỸ