Di Linh: 5 năm nỗ lực “thoát nghèo nhanh, bền vững

04:06, 02/06/2013

Theo kết quả điều tra, khảo sát, năm 2011 (theo tiêu chí mới), huyện Di Linh có 2 xã nghèo, 23 thôn nghèo, 6 thôn cận nghèo, với 5.148 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 14,37%), trong đó DTTS 2.916 hộ (chiếm 21,49%), 2.774 hộ cận nghèo (chiếm 7,74%), trong đó đồng bào DTTS 1.469 hộ (chiếm 10,83%)...

Bà Phạm Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Giảm nghèo nhanh, bền vững huyện Di Linh nói rằng: “Còn nhiều việc phải làm, phải khắc phục một số khó khăn, hạn chế, nhưng 5 năm qua bằng cách làm sáng tạo, hợp lý, phù hợp với đặc điểm của các xã nghèo, thôn nghèo, thôn cận nghèo của địa phương, Di Linh được đồng chí Huỳnh Đức Hoà, Chủ tịch UBND tỉnh trước đây, nay là Bí thư Tỉnh uỷ đánh giá cao trong cách làm và kết quả “Thoát nghèo nhanh, bền vững”. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đạt kết quả cao hơn trong lộ trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” đến năm 2015”.

Theo kết quả điều tra, khảo sát, năm 2011 (theo tiêu chí mới), huyện Di Linh có 2 xã nghèo, 23 thôn nghèo, 6 thôn cận nghèo, với 5.148 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 14,37%), trong đó DTTS 2.916 hộ (chiếm 21,49%), 2.774 hộ cận nghèo (chiếm 7,74%), trong đó đồng bào DTTS 1.469 hộ (chiếm 10,83%). Các xã nghèo, thôn nghèo, cận nghèo đều thuộc vùng xa, vùng sâu, địa bàn phức tạp, điểm xuất phát và trình độ dân trí thấp, nên khó khăn trong việc đầu tư để thoát nghèo. Từ thực tế đó, khi triển khai Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững”, lãnh đạo huyện Di Linh có chủ trương: Giao các địa phương thuộc diện 30a trực tiếp làm chủ đầu tư, trên cơ sở có sự kiểm tra, giám sát, giúp đỡ của BCĐ “Giảm nghèo nhanh, bền vững” huyện và các ngành chức năng của tỉnh, của huyện; vốn, vật tư, phân bón, cây giống, con giống, dụng cụ sản xuất phải được đầu tư hỗ trợ đến tận tay người dân và người dân được quyền lựa chọn đầu tư, hỗ trợ danh mục gì phù hợp với điều kiện của mình để thoát nghèo theo cam kết, đăng ký. Mặt khác, do điều kiện ngân sách đầu tư 30a có hạn, nên phải có sự lồng ghép đầu tư Chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” với các chương trình, dự án khác như: Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình 167 xoá nhà tạm, 168 hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, Chương trình đào tạo nghề, Dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS… Với chủ trương đó, 5 năm qua, các ngành chức năng của huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh có nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ các chủ đầu tư “Giảm nghèo nhanh, bền vững” như: Tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn lượt hộ nghèo, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho thanh niên xuất khẩu lao động và cho lao động nông thôn, hỗ trợ cho vay vốn ngân hàng chính sách, xã hội với dư nợ hàng chục tỷ đồng, phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động các hộ nghèo, nhất là hộ nghèo đồng bào DTTS từng bước xoá bỏ tập tục canh tác lạc hậu, đổi mới phương thức sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi hợp lý để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế… Nhờ vậy, các địa phương thuộc diện 30a đã chủ động trong việc tổ chức cho các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, lựa chọn danh mục đầu tư và lập kế hoạch giải ngân sát với nhu cầu thực tế của người dân. Trên cơ sở đó, hàng năm, để kịp thời vụ chăn nuôi, trồng trọt, cứ vào đầu mùa mưa, các địa phương liên hệ với các doanh nghiệp tổ chức hỗ trợ vật tư, phân bón, giống cây, con trước giải ngân sau, nên việc đầu tư, hỗ trợ vốn cho người nghèo phát huy được hiệu quả cao.

Bằng cách làm đó, từ năm 2011 đến năm 2013, ngân sách tỉnh đã đầu tư cho 2 xã nghèo Gia Bắc, Đinh Trang Thượng gần 4,1 tỷ đồng cho 271 hộ đăng ký thoát nghèo để mua vật tư, phân bón chăm sóc trên 425 ha cà phê, hỗ trợ 1.800 kg hạt ngô giống, trên 200 dụng cụ phục vụ sản xuất và 18 con bò giống… Đối với 23 thôn nghèo, 6 thôn cận nghèo, từ năm 2009 đến nay, ngân sách huyện đã hỗ trợ cho 908 lượt hộ nghèo, cận nghèo với số tiền gần 4,712 tỷ đồng để mua vật tư, phân bón chăm sóc 344,59 ha cà phê và mua 245 con bò giống tổ chức chăn nuôi chuồng trại. Cùng với đó, các chủ rừng trên địa bàn huyện đã tiến hành giao khoán QLBV 1.167,6 ha rừng cho 34 hộ nghèo, nhằm tăng thêm thu nhập để ổn định cuộc sống. Ngoài ra, thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn của các tổ chức chính trị - xã hội như: Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, CCB, Hội Nông dân, hàng ngàn lượt hộ nghèo đã được NHCS-XH huyện cho vay hàng chục tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, đầu tư cho con em học tập… Kết quả, qua kiểm tra, rà soát đến cuối năm 2012, đã có 9 thôn trên địa bàn huyện Di Linh thoát được nghèo gồm: Thôn Duệ, xã Đinh Lạc; thôn 7,8,9,10 xã Tân Lâm; thôn K’Long Trao 1 xã Gung Ré; thôn 7,9 xã Hoà Trung; thôn 1 xã Liên Đầm, góp phần hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 11,20% cuối năm 2010, xuống còn 7,73% cuối năm 2012. Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 18,36% cuối năm 2010, xuống còn 13,50%. Riêng năm 2013, do chưa tiến hành kiểm tra, rà soát, nên chưa nắm bắt được số thôn thoát nghèo, nhưng đánh giá sơ bộ việc đầu tư, hỗ trợ cho các hộ nghèo được tiến hành kịp thời, đúng quy trình, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu của các hộ nghèo, cận nghèo, nên chắc chắn số thôn thoát nghèo sẽ khá cao, với dự kiến tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn khoảng 5,5-6%.

Điều đáng mừng của huyện Di Linh trong thực hiện chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” là các hộ, các thôn thoát nghèo hàng năm đạt tỷ lệ cao so với các địa phương khác (chẳng hạn, năm 2012 giảm 3,17% so với năm 2011, trong đó đồng bào DTTS giảm 4,86%) và đều thoát nghèo bền vững, không có hộ và thôn tái nghèo. Đó là cơ sở để huyện Di Linh tin tưởng rằng trong thời gian không xa, 14 thôn nghèo, 6 thôn cận nghèo còn lại của huyện sẽ được thoát nghèo bền vững, góp phần cùng các địa phương trong huyện đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng KT-XH trên con đường xây dựng Di Linh không ngừng giàu, đẹp!

HOÀNG KIẾN GIANG