(LĐ online) - Đà Lạt, ngày hè tháng 6, tràn ngập trong tiếng cười hồn nhiên của 120 "Đại sứ hàng Việt tí hon". Phố núi, trại hè là nơi để chúng - những đứa trẻ nghèo, mồ côi biết vượt qua những gian khó đầu đời, ắp đầy điểm 10 trong vở và cả niềm tin về phía ngày mai.
(LĐ online) - Đà Lạt, ngày hè tháng 6, tràn ngập trong tiếng cười hồn nhiên của 120 "Đại sứ hàng Việt tí hon". Phố núi, trại hè là nơi để chúng - những đứa trẻ nghèo, mồ côi biết vượt qua những gian khó đầu đời, ắp đầy điểm 10 trong vở và cả niềm tin về phía ngày mai.
4 ngày (từ 26 - 29/6) ở Đà Lạt, là 4 ngày hội ngộ, nơi ước mơ được chắp cánh và cũng là nơi bắt đầu với rất nhiều đứa trẻ nghèo đến từ các tỉnh, thành khác nhau ở khu vực phía Nam, con em cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại Trường Sa được cọ sát, được giao lưu, trải nghiệm cuộc sống và cũng là để cùng nhau truyền đi thông điệp "Người Việt dùng hàng Việt".
Tham gia trại hè có hơn 100 em là những trò ngoan, học giỏi và có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh Văn Báu |
Đà Lạt, đón các em trong ngày không mưa. Nắng ngọt, thiên nhiên ngập tràn sắc màu như là phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng trong học tập suốt một năm "chân trần" nhọc nhằn đến trường. Món quà mà nhiều doanh nghiệp đã chung tay góp sức (với số tiền 660 triệu đồng) dành tặng cho các em không chỉ để bù đắp những thiếu thốn trong cuộc sống mà đó còn là sự trải nghiệm về một vùng đất mới đầy kỳ thú (trong suy nghĩ của các em), đồng thời còn được gặp gỡ, sẻ chia với nhiều bạn bè mới.
Trại hè thực sự là nơi ước mơ được chắp cánh, nói điều ấy không sai, bởi cơ hội được đến thành phố ngàn hoa đâu dễ với những đứa trẻ ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) - ngôi làng có tỷ lệ người mù cao nhất nước do mưu sinh bằng nghề bóc củ hành tím hay những đứa trẻ có cha mẹ đang ngày đêm canh giữ biển trời nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa.
"Biển rộng mênh mông, không thấy được bến bờ bên kia cũng giống cuộc đời của mỗi con người. Nếu muốn thấy được bến bờ, biết được tốt xấu thì phải lên tàu để tìm đến. Cuộc đời con người cũng vậy muốn thấy được tương lại hạnh phúc thì chỉ có con đường cố gắng học, không thể mải mê chơi đùa mà quên nhiệm vụ phải học ...". "Chúng em không cùng nơi sinh ra, khác nhau về nơi ở nhưng đều có chung hoàn cảnh khó khăn. Chính vì sự thiệt thòi ấy, nên chúng em càng phải cố gắng hơn nữa để vươn lên trong học tập và trong cuộc sống ...”. Đấy là xúc cảm được em Nguyễn Anh Thư - học sinh lớp 6, tại Vũng Tàu, người có cha đang công tác tại Trường Sa trải lòng trên trang giấy. Thiếu vắng cha, mẹ ngày đêm phải tần tảo lo cho cuộc sống, nhưng Thư luôn là học sinh xuất sắc ở ngôi trường mình đang theo học.
Cũng giống như Thư, 119 "Đại sứ hàng việt tí hon" còn lại đều là những tấm gương tiêu biểu, là con ngoan trò giỏi trong học tập và trong đời sống.
Ở trại hè, những đứa trẻ ấy đã vẽ trong một cuộc thi vớ chủ đề "Em yêu hàng Việt”, nhằm cổ vũ cho chương trình “Người Việt dùng hàng Việt”. Một cuộc thi vẽ có những đứa trẻ chưa bao giờ cầm cọ, bút màu và giải thưởng cũng chỉ là những món quà tượng trưng. Những bức tranh ngô nghê về bố cục và màu sắc nhưng ý tưởng thì trong trẻo, hồn nhiên đến lạ thường. Ở đó chúng đang vẽ về ngày mai, về hy vọng, về những điều tốt đẹp với những gam màu tươi sáng.
Năm nay còn có các em là con của các chiến sĩ Trường Sa thuộc Nhà giàn D9K1 tham gia chương trình. Ảnh Văn Báu |
Cùng tham gia cuộc thi vẽ với chủ đề "Em yêu hàng Việt” để cổ động cho phong trào Người Việt dùng hàng Việt. Ảnh Văn Báu |
Linh Đan