(LĐ online) - "Trong 30 năm tròn có quá nhiều thứ được cơi, nới; nhân rộng. Địa danh thay đổi, địa phương nhiều thêm. Nhưng chắc chắn cái tình, cái nghĩa và cái mục tiêu tốt đẹp mà từ những ngày đầu anh em ngồi cùng nhau, bàn về "Hội thảo" cho đến bây giờ vẫn không có gì thay đổi"…
Nhà báo Ngô Qui Nhơn (trái) và tác giả. Ảnh: Bình Nguyên |
(LĐ online) - Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã trải qua 30 năm kể từ lần tổ chức đầu tiên ở báo Phú Khánh (Khánh Hòa + Phú Yên). Nhớ lại cái lần đầu tiên ấy, Nguyên Tổng Biên tập báo Quảng Nam Đà Nẵng (cũ), một trong những thành viên sáng lập nên hội thảo, Nhà báo Ngô Qui Nhơn chia sẻ: “Trong 30 năm tròn có quá nhiều thứ được cơi, nới; nhân rộng. Địa danh thay đổi, địa phương nhiều thêm. Nhưng chắc chắn cái tình, cái nghĩa và cái mục tiêu tốt đẹp mà từ những ngày đầu anh em ngồi cùng nhau, bàn về “Hội thảo” cho đến bây giờ vẫn không có gì thay đổi”…
Ngày đó chỉ trong một cuộc trà dư tửu hậu giữa các anh chị em làm báo Đảng ở các địa phương với nhau. Anh Nguyễn Văn Giá (báo Thanh Hóa), anh Nguyễn Văn Nhị (báo Đắc Lắc), anh Nguyễn Văn Ngọc (báo Khánh Hòa), rồi Hoàng Giác… chúng tôi chỉ nói về chuyện nghề, chia sẻ những cách làm báo thời kỳ đất nước vào giai đoạn đêm trước đổi mới. Tâm tư của các anh em có cùng một ý nghĩ: là làm sao đưa “phóng viên ra khỏi lũy tre làng”. Ở đây không chỉ có ý nghĩa về không gian hay mang tính địa lý địa phương mà phần nhiều về “nâng cấp” tư duy làm việc thông qua cách học hỏi lẫn nhau. Ông bà xưa nói rồi “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, “Học thầy không tài học bạn”. Mỗi người góp một lời, một ý vừa như bên chung rượu nhưng đều rất thành thật. Thế rồi, nói là làm, chúng tôi xin phép các cơ quan lãnh đạo lúc bấy giờ, xây dựng ý tưởng và hình thành Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung Tây Nguyên.
Ngay từ những Hội thảo đầu tiên của các báo Đảng địa phương đã được đánh giá rất cao từ Ban Tuyên giáo Trung ương. Tôi nhớ các anh như Quế Liêm – Vụ phó Vụ Báo chí, anh Hoàng Hữu Lương, Lưu Văn Hân của Cục Xuất bản báo chí, Bộ Văn hóa thông tin đều ủng hộ mỗi lần hội thảo diễn ra. Từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Nghĩa Bình, Bình Trị Thiên cho đến Phú Khánh, rồi Tây Nguyên… mỗi lần đi là mỗi lần khó. Đổi lại chất lượng của những buổi hội thảo luôn đem lại sự hài lòng. Qua mỗi kỳ hội thảo đều dựa trên tinh thần tập trung và dân chủ. Anh chủ tịch của kỳ hội thảo trước sẽ gợi ý cho kỳ sau, tìm ra vấn đề và nói trúng vấn đề. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hội thảo báo Đảng miền Trung Tây Nguyên càng về sau “hội” là nhiều “thảo” thì ít. Nhưng với tôi không phải vậy, nhìn lại trong suốt 30 năm qua, bất kỳ hội thảo nào của báo Đảng miền Trung Tây Nguyên đều được thực hiện trên tinh thần nghiêm túc, có đề dẫn, có lộ trình và dân chủ.
PV: Cũng trên tinh thần “hội” và “thảo”, sự phát triển của báo Đảng địa phương qua 30 năm “nằm” ở phần nào là nhiều, thưa ông?
“Hội” hay “thảo” theo tôi đều có phần quan trọng như nhau trong sự liên kết phát triển của báo Đảng miền Trung Tây Nguyên cho đến ngày nay. Bây giờ tổng cộng 18 tỉnh thành, mỗi năm 2 hội thảo ở hai địa phương nhưng chủ đề của hội thảo luôn phong phú. Sự phát triển của Hội thảo báo Đảng địa phương nằm ở chỗ “đoàn kết”. Đó là sự liên kết vùng, hoạt động trên tiêu chí cái chung trước, bỏ cái TÔI để chọn cái CHÚNG TA cho sự phát triển chung. Đây vừa là “hội”, vừa là “thảo”. Qua rất nhiều lần tổ chức, nhiều đơn vị đã chuẩn bị bài tham luận một cách rất nghiêm túc, mang tính xây dựng cao và cuối cùng đều quy về một trách nhiệm: làm sao để tìm thấy hướng đi đúng đắn. Không hề giống như các kỳ “Seagames”, quốc gia nào đăng cai sẽ chọn những môn thế mạnh để “gặt” nhiều huy chương vàng. Còn mỗi đơn vị đăng cai hội thảo đều phải lấy cái chung nhất, cái ở địa phương mình nổi trội nhưng cũng là vấn đề địa phương khác quan tâm. Sự phát triển sau 30 năm của hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung Tây Nguyên vẫn còn giữ nguyên giá trị đó.
Ví dụ báo Đảng bàn về tuyên truyền công tác xây dựng Đảng tưởng là điều đơn giản vì nhiệm vụ chính của báo Đảng là phải như thế. Nhưng, có rất nhiều vấn đề được đặt ra mà chỉ khi ngồi lại với nhau mới thấy: Để giữ được sự hấp dẫn của Hội thảo cần phải có một đề dẫn không đi chệch, phải thực sự là khoa học nghiêm túc, là sáng tạo đổi mới, là thực tiễn của những người làm báo chứ không phải là cuộc đi chơi. Một lần hội thảo với chủ đề tuyên truyền xây dựng Đảng, tôi nhớ một kết luận tâm đắc, và nó luôn đúng cho bất kỳ tờ báo nào: Chọn cách gần nhất để đến trái tim người đọc, dù vấn đề có khô khốc và khó gặm cỡ nào.
Các nhà báo trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Bình Nguyên |
PV: Chủ đề của Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung Tây Nguyên lần này là “Liên kết phát triển du lịch”, ông có đóng góp thêm ý tưởng gì không?
Nên nhớ rằng, chủ đề liên kết phát triển du lịch đã có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị của các địa phương, ban ngành khác nhau nhưng vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp cụ thể. Bây giờ chúng ta đang bàn đến vai trò của báo chí cho sự phát triển du lịch thì cũng nên chọn lấy cái CHÚNG TA mà hướng đến. Mỗi địa phương đều có một đặc sản du lịch, nhưng hãy tìm ra cái chung nhất để tôn vinh, giới thiệu chứ không phải cách so đo theo kiểu: ở đây có bãi biển bình chọn đẹp nhất nhì thế giới thì địa phương kia cũng có bãi biển sạch và hoang sơ. Hãy dùng công cụ tuyên truyền của báo chí vì một mục đích tốt đẹp hơn: đến miền Trung Tây Nguyên người đọc có sự lựa chọn hoàn hảo nào cho chuyến du lịch của họ, hoặc ít ra họ có thể du lịch qua báo chí.
Vai trò của báo chí, suy cho cùng vẫn là chọn con đường ngắn nhất để đến trái tim người đọc cho dù ở lĩnh vực nào, chủ đề nào. Trong sự phát triển du lịch miền Trung Tây Nguyên, báo chí tuyên truyền có sự quảng bá, cũng đừng quên đưa bạn đọc và cả chính làm báo tìm hiểu những giá trị văn hóa của lịch sử, con người hay vùng đất đó. Ví như nói về Thánh địa Mỹ Sơn, không chỉ đến để thấy thành xiêu vách đổ mà phải gợi sự tò mò về giá trị tâm linh, về tác động của thời gian và cả câu chuyện lịch sử đáng tự hào về non sông, bờ cõi của dân tộc Việt.
PV: Ông có những kỳ vọng gì về sự phát triển của hội thảo báo Đảng trong thời gian tới?
Giá trị cuối cùng của bất kỳ cuộc hội thảo báo Đảng địa phương là sự phát triển trên mặt báo, giành tặng cho người đọc. Việc duy trì tổ chức Hội thảo báo Đảng miền Trung Tây Nguyên cho đến thời điểm này theo tôi đã là một thành công, và thực sự rất cần thiết cho sự phát triển chung cũng như phát triển riêng của mỗi tờ báo. Kỳ vọng “đưa phóng viên ra khỏi lũy tre làng” từ ban đầu có thể nói vượt qua sự mong đợi của những người làm báo thời kỳ đầu. Cái gọi là “giữ lửa” thì ai cũng nuôi dưỡng cả, nhưng vấn đề là chọn cách làm cho thuyết phục, giữ lại sự hấp dẫn của Hội thảo. Để thấy rằng, trong phần “thảo” có cả phần “hội” và ngược lại; thậm chí cơ hội phát triển mình cho mỗi phóng viên ở địa phương còn nhiều hơn sau mỗi lần hội thảo.
Xin cảm ơn ông.
Anh Trâm (thực hiện)