HTX của phụ nữ đơn thân và người khuyết tật

03:06, 13/06/2013

Năm 2009, tại thị trấn Đồng Nai (huyện Cát Tiên), Hợp tác xã sản xuất TM – DV và Dạy nghề may Tây Nguyên được thành lập và đi vào hoạt động. Đây chính là nơi thu nhận, đào tạo nghề và là nơi giải quyết việc làm cho một số lượng lớn những phụ nữ đơn thân và người khuyết tật tại địa phương.

Năm 2009, tại thị trấn Đồng Nai (huyện Cát Tiên), Hợp tác xã (HTX) sản xuất TM – DV và Dạy nghề may Tây Nguyên được thành lập và đi vào hoạt động. Đây chính là nơi thu nhận, đào tạo nghề và là nơi giải quyết việc làm cho một số lượng lớn những phụ nữ đơn thân và người khuyết tật tại địa phương.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống áo dài tỉnh Thừa Thiên - Huế, như một “mặc định” của thời gian, từ nhỏ, chị Võ Hoàng Bội Ngọc (nay chị đã 38 tuổi, Chủ nhiệm HTX Tây Nguyên) đã được làm quen với áo dài. Chị Ngọc tâm sự: “Tôi lên 3 tuổi đã được mẹ may cho bộ áo dài bằng lụa. Cứ thế, mỗi năm tôi đều có một bộ áo dài mới. Đến khi vào trung học, bộ áo dài trắng của cô nữ sinh luôn làm tôi hãnh diện. Đó cũng chính là “khởi nguồn” để tôi đến với nghề may áo dài như ngày hôm nay”.

Công nhân làm việc tại HTX
Công nhân làm việc tại HTX

Tiếp nối truyền thống quê cũ, chị Ngọc đã tạo dựng sự nghiệp ở vùng quê mới Cát Tiên từ nghề may áo dài. Năm 2009, chị vào Cát Tiên lập nghiệp và thành lập HTX với hy vọng lưu giữ và “phát quang” nghề may áo dài ở vùng đất mới. Bước đầu thành lập, HTX gặp khá nhiều khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ và cả việc đào tạo thợ. Rồi, vấn đề thay đổi mốt (mode) áo dài theo xu thế thời đại và thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của chị. Thay đổi mốt là việc phải thích nghi, nhưng để giữ được vẻ duyên dáng, quý phái của tà áo dài, chính là thử thách lớn đối với chị. Song đến nay, trong vẻ trẻ trung, thời trang ở những sản phẩm của chị vẫn luôn ẩn chứa sự mộc mạc, quý phái của tà áo dài truyền thống.

Hiện nay, HTX có 2 xưởng may ở thị trấn Đồng Nai và xã Phước Cát 1, với 30 lao động đang làm việc và học nghề. Ngoài ra, ở xã Gia Viễn còn có 2 nhóm gia đình (mỗi nhóm 4 lao động) nhận hàng từ HTX về để làm. Nhưng cái hay từ việc làm của HTX thể hiện ở chỗ, hầu hết thợ may tại đây là những phụ nữ đơn thân và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Trong số đó, có gần 20 người là phụ nữ đơn thân. Chị Ngô Thị Ngân, một phụ nữ đơn thân đang làm việc tại HTX, cho biết: “Tôi làm việc tại đây đã được hơn 4 năm. Không phải riêng bản thân tôi, hầu hết các chị em đang làm việc tại đây đều không có ruộng vườn để sản xuất, hoàn cảnh khó khăn. HTX đã tạo điều kiện, giúp chị em có được việc làm ổn định, nên ai cũng vui. Tất cả chúng tôi đều được chị Ngọc truyền nghề và giữ lại đây làm việc… Tây Nguyên là nơi cưu mang và cũng là chỗ để chúng tôi bấu víu mà sống”. Ngoài những người phụ nữ đơn thân, HTX còn có 5 thợ may là người khiếm thính bẩm sinh. Tất cả họ đều được HTX nhận dạy nghề và trao cơ hội việc làm cho họ. Thời gian làm việc của họ tại đây là mỗi ngày 8 tiếng, được nghỉ chủ nhật, với mức lương dao động từ 2,7 - 3 triệu đồng/tháng/người (có cơm trưa).

Chính từ những việc làm đó, đầu năm 2013, HTX Tây Nguyên được Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng cho vay 200 triệu đồng. Nguồn vốn này được trích từ quỹ hỗ trợ, phát triển của Liên minh HTX. Hiện nay, HTX Tây Nguyên đang từng bước hoàn thiện các mặt và nâng dần quy mô hoạt động.

   Box: Bắt đầu từ 6/2013, HTX Tây Nguyên sẽ được Liên Minh HTX Trung ương hỗ trợ mở lớp dạy nghề may cho 30 học viên có nhu cầu. Mọi chi phí từ giảng viên, nguyên liệu thực hành, văn phòng phẩm… cho người học sẽ được Liên minh HTX Trung ương tài trợ miễn phí. Học viên được tuyển rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh. Lớp học ưu tiên các học viên là người khuyết tật và phụ nữ đơn thân không có việc làm. Đặc biệt, trong thời gian tới, HTX Tây Nguyên sẽ xúc tiến thành lập “Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật”.

KHÁNH PHÚC