Nhà hoạt động chính trị ngoại giao, nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy (1912-1985), Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, Huân chương Sao vàng, là một nhân vật nổi tiếng trong nước và ở nước ngoài…
Nhà hoạt động chính trị ngoại giao, nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy (1912-1985), Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, Huân chương Sao vàng, là một nhân vật nổi tiếng trong nước và ở nước ngoài, nói theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “tên tuổi gắn liền với lịch sử cách mạng và Nhà nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20”.
Nhà báo, nhà thơ Xuân Thuỷ |
Đồng chí Xuân Thủy, tên khai sinh là Nguyễn Trọng Nhâm, ra đời ngày 2-9-1912 tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, đột ngột từ trần ngày 18-6-1985 tại nhà riêng giữa lúc đang viết lịch sử báo Cứu quốc. Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1935, lần lượt đảm đương nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước, đến khi tuổi cao, đau yếu vẫn làm việc đến phút cuối cùng - lúc này ông là Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Bí thư Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên mọi mặt công tác, ông đều có những cống hiến xuất sắc. Tổng Bí thư Trường Chinh viết (năm 1987): “Hơn nửa thế kỷ đấu tranh anh dũng và chiến thắng vẻ vang, Đảng và nhân dân ta tự hào có lãnh tụ anh minh - Bác Hồ vĩ đại - và bên cạnh Người, một lớp đông đảo những học trò, những đồng chí thân cận có đức, có tài. Đồng chí Xuân Thủy là một trong những người thuộc lớp đó”.
Những người hoạt động cùng thời với ông đều nhất trí, nhà cách mạng Xuân Thủy là một nhân cách văn hóa đặc sắc Việt Nam. Theo đồng chí Trường Chinh, người ta thấy ở Xuân Thủy “một sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại”. Từ mấy năm cuối thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, lúc Hội nghị Paris về Việt Nam đang sôi nổi, nhân dân nước ta hào hứng theo dõi những hoạt động của Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Xuân Thủy, “theo dõi cả tiếng nói, lời thơ và nụ cười của ông”. “Anh Xuân Thủy trong công tác Mặt trận có phong cách rất Bác Hồ, vừa mềm mỏng vừa nguyên tắc, chặt chẽ. Anh Xuân Thủy có cách nói độc đáo, rất dễ thấm sâu vào lòng người”.
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, cũng là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày sinh Chủ tịch Xuân Thủy (1912-1987), đã nhắc lại những lời tâm huyết mười năm trước của người tiền nhiệm phát biểu tại Đại hội Mặt trận tháng 2-1977 hợp nhất mặt trận hai miền Nam, Bắc: “Hai tiếng Tổ quốc vô cùng thiêng liêng! Người Việt Nam ta đều chung một Tổ quốc, đều chung một mộ tổ Hùng Vương. Người Việt Nam ở nước ngoài dù xa xôi đến đâu cũng hướng về Tổ quốc. Bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào cũng vui mừng trước sự kiện mùa Xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngày nay ai cũng mong được góp phần xây dựng Tổ quốc mình đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ đã nói. Hai tiếng Tổ quốc đang kêu gọi mọi trái tim Việt Nam, thúc giục mọi khối óc Việt Nam phải làm cho Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị quý vị thông qua tên của Mặt trận mới là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Nhà sử học Trần Huy Liệu, cũng là một nhà thơ, nhà báo lỗi lạc, người bạn tù bị thực dân Pháp còng tay cùng một dây xích với Xuân Thủy trong suốt chặng đường dài từ Hà Nội lên nhà tù Sơn La cùng “đoàn tù phát vãng” gồm nhiều chiến sĩ cách mạng trước 1945, nhớ lại: “…Anh Xuân Thủy tốt nết, mát tính lắm, hai chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện thơ với nhau rất tương đắc” (Hồi ký Trần Huy Liệu).
Luật sư Phan Anh, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại thương, Phó Chủ tịch Quốc hội…, dành cho người bạn cùng năm sinh Xuân Thủy những dòng thắm thiết: “Chúng tôi - những trí thức cũ hiểu biết, tin tưởng và đi với cách mạng trước hết thông qua những con người cách mạng cụ thể… Ở bên anh Xuân Thủy, chúng tôi không bao giờ thấy mình là những người xa lạ, mà ngược lại, rất gần gũi, thân thiết. Ở anh, có một sức hút kỳ lạ! Với anh, tôi có thể nói tất cả, không một chút nghi ngại. Anh là người chịu nghe, chịu tin, biết nghe, biết tin và không bao giờ phụ lòng tin của người khác, hết lòng tạo điều kiện cho người khác sống tốt hơn, làm việc tốt hơn. Anh Xuân Thủy là nghĩa, là tình!”… Vẫn theo lời luật sư, “Anh Xuân Thủy có bộ óc rất uyên bác. Anh đã nhiều lần ngồi cả buổi với những trí thức chúng tôi, đàm đạo về rất nhiều vấn đề khác nhau. Vấn đề nào anh cũng tỏ ra tinh thông, sâu sắc, và như vậy, nói thật, chẳng vấn đề nào, chẳng ai có thể mập mờ được với anh. Anh Xuân Thủy lúc nào cũng lạc quan, yêu đời... ”. Và luật sư quả quyết: “Cái chất con người, cái nghĩa thắm tình Xuân Thủy bất diệt. Nó không chết mà mỗi ngày mỗi sống, sống sâu đậm và ngày càng phát triển”.
Giáo sư, nhà thơ Phạm Huy Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội chia sẻ: “Nhà lãnh đạo cách mạng cũng là người bạn thân thiết đã đi xa, tôi còn như nghe văng vẳng những lời giản dị mà sâu sắc, tha thiết và lôi cuốn của anh. Những lời của anh cũng là lời của Đảng, đi sâu vào lòng người, áp đảo kẻ thù và làm sáng mắt sáng lòng quần chúng nhân dân, bè bạn năm châu. Những lời lẽ xuất phát từ một tấm lòng ưu ái, khát khao lẽ phải và tình yêu”.
Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, coi nhà ngoại giao Xuân Thủy là “bậc thầy về đối ngoại, trước hết là đối ngoại nhân dân… Ông đã có những đóng góp to lớn vào việc hình thành và phát triển mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam”. Nhà báo Hà Đăng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân, tạp chí Cộng sản…, có mặt tại Hội nghị Paris về Việt Nam suốt thời gian 1968-1973 thấy ở Xuân Thủy “một nhà ngoại giao đậm chất văn hóa…, có tài đối đáp sắc bén, kịp thời và dí dỏm ”...
Nhiều bài thơ Xuân Thủy làm vào những dịp khác nhau ở trong nước và nước ngoài, lưu truyền trong nhân dân, có người thoạt nghe nhầm tưởng là thơ thù tạc, thơ tức cảnh... nhưng càng đọc, càng nghiềm ngẫm càng thấy tác giả ý tứ thâm trầm, kiến văn uyên bác, tâm hồn tinh tế và luôn thấm đậm tình người trong thơ. |
Nhà cách mạng Xuân Thủy là một nhà thơ được nhiều người biết tiếng. Các bài ông dịch thơ Hồ Chủ tịch, có bài ứng khẩu như “Rằm tháng giêng” (Nguyên tiêu) được đánh giá cao. Nhà thơ Sóng Hồng (bút danh Chủ tịch Trường Chinh), nhận định: “Xuân Thủy là nhà thơ trữ tình cách mạng”. Thơ Xuân Thủy được trích giảng trong các trường phổ thông và đại học. Các nhà lãnh đạo, nhà văn hóa như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Phan Anh, Nguyễn Thành Lê… nhớ về Xuân Thủy thường nhắc đến thơ ông. Bác Hồ viết mấy chữ nhắn ông đến gặp Bác bàn công việc, Bác cũng viết dạng thơ: Khi nào chú rảnh/ Mời chú sang chơi/ Để bàn trả lời/ Cho mấy bức điện. Chủ tịch Trường Chinh gửi thư thăm vị Trưởng đoàn ngoại giao họp ở Paris bằng một bài thơ được giới đối ngoại tâm đắc: Mỗi tuần một trận đấu gay go/ Mấy tháng chưa xong một ván cờ/ Nắm vững phương châm giành thắng lợi/ Ung dung anh vẫn dạo vườn thơ.
Sự nghiệp báo chí của nhà báo Xuân Thủy rất dày dặn. Ông đến với báo chí từ những năm 1930, và có công lớn đối với báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm 1940, khi cùng Tổng Bí thư Trường Chinh “làm những trang báo Cứu quốc đầu tiên tại một ngôi chùa cổ ven sông Hồng”. Ông được phân công trực tiếp làm báo Cứu quốc từ thời bí mật và suốt cả thời kháng chiến chống Pháp. Chủ tịch Trường Chinh đánh giá: “Báo Cứu quốc là tờ báo hằng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc báo ra đều đặn suốt gần 3000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, có thể nói đó là kỳ tích của nhân dân ta”. Nhà báo Nguyễn Thành Lê, nguyên Chủ bút báo Cứu quốc, Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: “Đồng chí Xuân Thủy là linh hồn của báo Cứu quốc”. Cán bộ cách mạng lão thành Nguyễn Văn Hải, người quản lý báo Cứu quốc thời kháng chiến viết: “Lịch sử báo Cứu quốc trong những thời kỳ khó khăn và oanh liệt nhất gắn liền với tên tuổi của Xuân Thủy”.
Nhà báo tác nghiệp. Ảnh: Thuỵ Trang |
Nhà báo Xuân Thủy là người chủ chốt, cùng một số đồng nghiệp, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam, mà tổ chức tiền thân là Đoàn Báo chí Việt Nam (1946). Nhà báo Nguyễn Đức Thuyết, chủ nhiệm nhật báo Vì nước xuất bản tại Hà Nội những ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945, nhớ lại: Giữa lúc đất nước vừa giành lại độc lập đang bộn bề công việc đối phó với thù trong giặc ngoài, một hôm nhà báo lão thành Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm tạp chí Tri Tân, đến rủ ông cùng nhiều người khác nữa đến trụ sở báo Cứu quốc bàn việc thành lập tổ chức của những người làm báo. Tại cuộc họp này, nhà báo Xuân Thủy nêu vấn đề: “Tình hình đất nước đang diễn ra cực kỳ phức tạp… Nay đã đến lúc các nhà báo chúng ta cần tập hợp lại vào một tổ chức, không phân biệt báo đoàn thể hay báo tư nhân… Tôi đã xin ý kiến cụ Chủ tịch (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Cụ rất hoan nghênh và nói: Người làm báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng cầm gươm cùng đoàn kết trong một Mặt trận để cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc…”. Từ cuộc họp chuẩn bị ấy, Đại hội những người viết báo đầu năm 1946 chính thức thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam và bầu nhà báo Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng làm Chủ tịch, nhà báo Xuân Thủy tham gia Ban chấp hành Đoàn Báo chí.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Các nhà báo tản mát về nhiều địa bàn. Tháng 4 năm 1950, tại một địa điểm thuộc tỉnh Thái Nguyên ở Chiến khu Việt Bắc, nhà báo Xuân Thủy lại đứng ra triệu tập các đồng nghiệp, mở Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (từ năm 1959 đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam). Ông được bầu làm Chủ tịch Hội và được Tổ chức quốc tế Các nhà báo OIJ cử vào Đoàn Chủ tịch OIJ. Mặc dù bận nhiều trọng trách khác tại Quốc hội, Mặt trận, Trung ương Đảng…, ông vẫn chủ trì Hội Nhà báo từ đầu cho đến tháng 9-1962. Chủ tịch Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên và duy nhất được tặng Huân chương cao quý mang tên Julius Fucik của Tổ chức quốc tế OIJ.
Vừa qua, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Xuân Thủy (1912-2012), Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia cho ra mắt bạn đọc cuốn Xuân Thủy, nhà hoạt động chính trị ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ lớn. Theo chúng tôi, đây là công trình phong phú, đa dạng nhất cho đến nay - tuy chưa thể nói đầy đủ - về cuộc đời và sự nghiệp nhà hoạt động cách mạng, một nhân cách văn hóa lớn thời đại Hồ Chí Minh. Cuốn sách là nguồn tư liệu quý cho những ai quan tâm đến nền báo chí cách mạng, giúp hội viên Hội Nhà báo hiểu biết và tri ân bậc tiền bối đã có nhiều cống hiến, người đặt nền móng xây dựng tổ chức chính trị, xã hội, nghiệp vụ hùng hậu của những người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam*.
Tất cả các trích dẫn đóng ngoặc kép trong bài này đều dẫn từ sách nói trên
PHAN QUANG (Nguyên Chủ tịch Hội NBVN, nguyên Tổng GĐ Đài TNVN)