Ở đầu đèo Bảo Lộc, nhiều cư dân biết đến một người đàn ông trung niên dùng ý tưởng để tạo dáng từ gốc cây khô hoặc hình thù các thỏi đá để bán hoặc gia công theo mẫu đặt hàng. Những gốc cây, viên đá sau khi được ông "thổi hồn" tạo dáng, đặt tên trở thành tác phẩm mang thêm câu chuyện đời người...
Ở đầu đèo Bảo Lộc, nhiều cư dân biết đến một người đàn ông trung niên dùng ý tưởng để tạo dáng từ gốc cây khô hoặc hình thù các thỏi đá để bán hoặc gia công theo mẫu đặt hàng. Những gốc cây, viên đá sau khi được ông “thổi hồn” tạo dáng, đặt tên trở thành tác phẩm mang thêm câu chuyện đời người. Chuyện đặt tên tác phẩm để đi cùng năm tháng, đòi hỏi chủ nhân phải có tầm nhìn và kiến thức. Tuy nhiên, rất ít người biết được người trung niên dùng tri thức và bàn tay điệu nghệ phóng tác này là một nhà sưu tầm cổ vật, là thành viên của tổ chức UNESCO Việt Nam tại Lâm Đồng.
Ông Tuấn và những cổ vật Tây Nguyên |
Ông tên là Trần Văn Tuấn, sinh năm 1968 tại Thanh Hóa, định cư tại Bảo Lộc năm 1996. Hiện, ông đang sở hữu một số cổ vật của các dân tộc Tây Nguyên làm “tài sản” riêng cho mình. Ông Tuấn cho biết, lúc đầu ông không có khái niệm gì về di sản, chỉ biết đó là đồ cổ chỉ mua bán kiếm lời. Nhưng khi gia nhập vào tổ chức UNESCO, ông mới biết đó là tài sản của một dân tộc cần phải được gìn giữ theo Luật di sản. Chuyện bắt đầu từ khi ông đi sưu tầm gốc cây khô ở Tây Nguyên. Ông phát hiện có khá nhiều chum chóe, cồng chiêng… của các cư dân bản địa nằm lăn lóc hiên nhà. Ông gặp gỡ chủ nhân trao đổi, dần dần số cổ vật nhà ông có được tăng theo thời gian. Bao nhiêu tiền lãi bán từ các tác phẩm cây khô hay hình hài của đá, ông dồn hết vào các vật thể này.
Cổ vật hữu hình ở Tây Nguyên có hai loại: Loại dùng cho sinh hoạt hàng ngày, như giỏ cá, nơm, xà gạc, gùi… và loại là tài sản gia tộc như cồng chiêng, chum chóe hay bộ nỏ, cung tên đã truyền qua mấy đời. Tài sản ông Tuấn chủ yếu là cổ vật gia tộc. Ngoài các bộ cồng chiêng, còn có loại chiêng lớn gọi là “sang” đúc bằng đồng nặng đến 30 ký, đường kính 0,8 m. Khi sử dụng nó phải có hai người khiêng. Ông cho biết, theo các nhà khảo cổ xác định tuổi của những chiếc sang này có đến 2 hoặc 300 năm, hoặc những chiếc chóe lớn có niên đại vài trăm năm. Điều đáng chú ý, phần đông các loại chum chóe mang hình dáng và họa tiết của dân tộc Chăm cổ. Việc ấy có thể lý giải, ngày xưa người Tây Nguyên phải đi bộ xuống đồng bằng mua hoặc họ là những hậu duệ của Chiêm Thành ngày xưa! Cho dù các cổ vật thuộc bộ tộc nào ngày nay đều là di sản của cộng đồng người Việt. Các thành viên sưu tầm cổ vật thuộc tổ chức UNESCO tại Lâm Đồng có 70 người. Trong đó, tại Bảo Lộc và Di Linh có 30 người, bao gồm cả 2 thành viên ở Phan Thiết lên tham gia.
Tại nhà riêng ông Tuấn, có hàng chục cổ vật truyền thống Tây Nguyên được ông cất giữ cẩn thận như báu vật dòng tộc nhà mình. Nhìn các di vật, tự nó hiện lên hình ảnh của từng thời kỳ, từng bộ tộc trong nền văn minh lúa rẫy. Ông cũng cho biết thêm, trong cộng đồng người Việt gốc Tây Nguyên chỉ có dân tộc Ra-đê giữ lại nhiều cổ vật nhất. Còn các dân tộc khác không nhiều hoặc là đã bị “chảy máu” từ những năm gần đây. Hiện nay, ông Tuấn đang xây dựng một nhà “bảo tàng” tư nhân để tập hợp những vật thể vào gian phòng mới vừa để bảo quản vừa là nơi để các thành viên UNESCO trong tỉnh và trong nước hoặc quốc tế ghé thăm, nhận xét về di sản địa phương. Được biết, ông Tuấn không chỉ đi tìm cổ vật Tây Nguyên mà còn sưu tầm những vật dụng cá nhân của quân đội trong hai thời kỳ kháng chiến vào thế kỷ thứ 20. Tất cả các cổ vật này được dùng để hoài niệm những thời kỳ, những niên đại của dân tộc, chứ không mua bán hoặc đổi chác như quy định của tổ chức UNESCO - Ông Tuấn cho biết như thế!
Trần Đại