Ở khu vực Tây Nguyên, Bộ LĐTB và XH đã lựa chọn Lâm Đồng là 1 trong 2 tỉnh có trường được đào tạo nghề trọng điểm cấp độ ASEAN.
Ở khu vực Tây Nguyên, Bộ LĐTB và XH đã lựa chọn Lâm Đồng là 1 trong 2 tỉnh có trường được đào tạo nghề trọng điểm cấp độ ASEAN. Trong số 11 trường nghề công lập của 5 tỉnh này, Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt (CĐN ĐL) là 1 trong 2 trường được lựa chọn, với 3 nghề: công nghệ sinh học, công nghệ ô tô và kỹ thuật chế biến món ăn. Đây là điều kiện thuận lợi của tỉnh Lâm Đồng trong tuyển dụng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt cung ứng lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế trọng điểm.
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng |
Trường CĐN ĐL có tổng diện tích 14,5 ha, cơ sở chính tại số 1 Hoàng Văn Thụ, Đà Lạt. Quy mô của trường gồm 7 phòng, 10 khoa và 5 đơn vị trực thuộc. Sau 4 năm thành lập, từ năm 2009, trường được Chính phủ, Bộ LĐTB-XH và tỉnh Lâm Đồng đầu tư theo Dự án giáo dục dạy nghề. Quá trình phát triển, Trường CĐN ĐL đã trở thành một trong những trường cao đẳng nghề đầu tiên của cả nước đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề cấp độ 3 (cấp độ cao nhất). Chứng nhận này do tổ chức IIG Việt Nam của Hoa Kỳ tư vấn và kiểm định. Hiện nay, CĐN ĐL có 132 cán bộ, giáo viên, công nhân viên; trong đó đội ngũ trực tiếp giảng dạy 92 người với 100% đạt trình độ đại học, hơn 45% cán bộ, giáo viên có trình độ sau đại học chuyên ngành. Mặt khác, trường được đầu tư hiện đại hệ thống phòng học lý thuyết, giảng đường, xưởng thực hành, phòng làm việc, ký túc xá, thư viện, nông trại thực nghiệm…Tổng mức đầu tư trang thiết bị - kỹ thuật dạy và học khoảng 100 tỷ đồng. Những ưu thế này cùng hệ thống quản lý chất lượng đã đưa Trường CĐN ĐL trở thành một trong những địa chỉ được chọn đào tạo 3 nghề cấp độ ASEAN và 2 nghề cấp độ quốc gia (Điện công nghiệp và Công nghệ thông tin). Đối với chứng chỉ nghề cấp độ ASEAN sẽ được tổ chức trong khu vực ASEAN kiểm định và văn bằng có giá trị trong toàn khu vực các nước Đông Nam Á. Hiệu trưởng nhà trường Trương Thúc Hiếu cho biết, phấn đấu đến năm 2015 sẽ đào tạo thành công 5 nghề chuẩn ASEAN và chuẩn quốc gia nói trên. Theo đó, đến năm 2020 sẽ có 14/14 nghề của nhà trường đều đạt chuẩn, trong đó 70% đạt chuẩn ASEAN, 30% đạt chuẩn quốc gia và nỗ lực phấn đấu từ 1-2 nghề đạt cấp độ quốc tế trên cơ sở đã đạt cấp độ khu vực.
Hiện, nhà trường đã xây dựng Dự án 3 nghề chuẩn ASEAN và 2 nghề chuẩn quốc gia với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Theo phê duyệt, các nghề trọng điểm và các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề được lựa chọn nghề trọng điểm sẽ được hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Theo đó, các trường này phải thực hiện đầu tư tập trung, đồng bộ các yếu tố bảo đảm chất lượng đào tạo theo nghề, gồm cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, chương trình, giáo trình, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Các nguồn kinh phí đầu tư bao gồm từ Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm năm 2011; Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề đến năm 2015; các nguồn viện trợ trong nước, quốc tế (nếu có), ngân sách các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương, nguồn thu sự nghiệp của trường và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.
Năm 2012, Trường CĐN ĐL tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp hơn 900 học sinh, sinh viên, đạt tỷ lệ hơn 100% kế hoạch. Đối với các lớp chứng chỉ nghề sư phạm dạy nghề, hệ sơ cấp nghề tuyển sinh hợp đồng đào tạo theo địa chỉ 174 học viên, đạt 174% kế hoạch và 850 học viên lái xe ô tô hạng B2, C, đạt 106% kế hoạch…Kết quả, 374 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề, đạt 74,8%; 354 học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, đạt 61,4%. Đáng ghi nhận là có 32 doanh nghiệp tiếp nhận học sinh, sinh viên vào làm việc sau quá trình thực tập tại doanh nghiệp. Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ 100%, có mức lương trung bình 3,5 triệu đồng/tháng.
Năm 2013, Trường CĐN ĐL được phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh 550 sinh viên hệ cao đẳng, 350 học sinh hệ trung cấp và 100 học sinh sơ cấp. Để phát huy hiệu quả của trường trọng điểm và phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo hiệu trưởng Trương Thúc Hiếu, cần tăng cường hơn sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong công tác hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh trung học cơ sở đăng ký học nghề. Đồng thời, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thường xuyên có dự báo và chính sách ưu tiên tuyển dụng nguồn nhân lực lao động đã qua đào tạo cho các cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, các cơ sở đơn vị dạy nghề không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt chương trình đào tạo phải được cập nhật để đáp ứng yêu cầu của xã hội đối với kỹ năng nghề của người lao động.
MINH ĐẠO