Góp phần xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại, tiến bộ và hạnh phúc

04:06, 26/06/2013

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTG về việc chọn ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, với tôn chỉ: "Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTG về việc chọn ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, với tôn chỉ: "Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Đó là lý do mà Gia đình Việt Nam có riêng một ngày để được tôn vinh. Xuất phát từ thực trạng gia đình ở nước ta, để tỏ rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về gia đình, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 251/TTg - KGVX ngày 19/02/2013 lấy năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam với chủ đề “Kết nối yêu thương, xây dựng gia đình tiến bộ và hạnh phúc”.

Trao nhau chiếc vòng cầu hôn...
Trao nhau chiếc vòng cầu hôn...


Quan niệm và thực trạng gia đình Việt Nam

Ở Việt Nam, từ xa xưa, ông cha ta đã sớm nhận thức và thực hành chức năng quan trọng này của gia đình khi luôn coi trọng cơ chế: Nhà (gia đình)- Làng-Nước. Mô hình kinh tế-hành chính-xã hội này đã tỏ ra rất phù hợp với đất nước nông nghiệp lúa nước và đã góp phần tạo ra các thế hệ kế tiếp của dân tộc cho đến ngày nay. Đương nhiên, khi xã hội phát triển cao hơn, có nhiều biến đổi về kinh tế-xã hội, thì gia đình cũng sẽ thay đổi theo. Nhưng, nó vẫn là một đơn vị kinh tế của xã hội đã biến đổi đó. Có điều là những biến đổi đó tốt hay xấu, lành mạnh hay không, tiến bộ hay phản tiến bộ mới là những tâm điểm đáng chú ý của những người cầm quyền và cả xã hội nữa.

Trải qua bao thế hệ trong lịch sử, gia đình Việt Nam đã được hình thành và phát triển với những chuẩn mực và giá trị tốt đẹp góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc. Dưới chế độ mới XHCN, Đảng, Bác Hồ và Chính phủ ta luôn chú trọng chăm lo xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng đất nước. Nhiều đạo luật, chủ trương, quyết định, phong trào về xây dựng gia đình Việt Nam đã và đang được triển khai tích cực, kịp thời. Nhờ đó, những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu quê hương, đất nước, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách… đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy.

Tuy nhiên, khi đất nước bước vào thời kì đổi mới theo kinh tế thị trường định hướng XHCN, dưới những ảnh hưởng khắc nghiệt của cơ chế thị trường và những tác động đa chiều từ bên ngoài, gia đình Việt Nam có nhiều biến đổi tiêu cực rất đáng quan tâm, mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập. Chúng ta có thể khái quát những biểu hiện tiêu cực chủ yếu như: Sự suy giảm vai trò và kết cấu lỏng lẻo của gia đình; Nạn bạo hành trong gia đình ngày càng gia tăng với nhiều biến tướng phức tạp; Xuất hiện ngày càng nhiều loại hình gia đình không đầy đủ, lệch chuẩn (Nạn tảo hôn, gia đình đơn thân, gia đình không sinh con, gia đình đồng giới, hôn nhân hợp đồng.v.v.); và phai nhạt chất văn hoá trong đời sống gia đình.

Do giới hạn về khung khổ của bài, chúng tôi không thể mô tả sâu về từng biểu hiện tiêu cực đã nêu trên. Song, ở mức khái quát nhất chúng ta có thể thấy rõ sự nghiêm trọng trong những biến đổi tiêu cực của gia đình Việt Nam hiện nay. Vấn đề cần quan tâm là, ngoài tác động tiêu cực từ phía mặt trái của cơ chế thị trường thì còn những nguyên nhân nào nữa dẫn đến tình trạng vừa nêu trên? Theo chúng tôi, bước vào thời kì đổi mới, tình trạng trên có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

- Thứ nhất, chúng ta chưa chú trọng đúng mức, nếu không muốn nói là còn buông lỏng giáo dục các kiến thức về gia đình cho thế hệ thừa kế;

- Thứ hai, thực thi không đầy đủ, còn nhiều vi phạm các quy phạm, văn bản pháp quy về hôn nhân và gia đình;

- Thứ ba, còn lệch lạc trong nhận thức và vận hành các chức năng xã hội cơ bản của gia đình, dẫn tới quá chú trọng, hoặc lao theo kinh tế đơn thuần, mà coi nhẹ hoặc quên mất chức năng môi trường văn hoá của gia đình.

- Thứ tư, đang có xu hướng học theo phương Tây một cách thiếu chọn lọc trong xây dựng và tổ chức đời sống gia đình, nhất là ở các đô thị lớn.

- Thứ năm, con người hiện nay, nhất là lớp trẻ, ngày càng ít được chuẩn bị các phẩm chất căn bản để bước vào đời sống gia đình, dẫn đến: Thiếu đức hy sinh, khả năng chịu đựng lẫn nhau kém, quá dễ dãi trong việc thoả mãn nhu cầu cá nhân, còn thiếu ý thức về bổn phận xã hội trong tư cách là thành viên mang tính loài (loài người).

Bé hát dân ca. Ảnh: PVE
Bé hát dân ca. Ảnh: PVE


Làm gì để ngày càng tiến bộ, hạnh phúc?

Việc tổ chức năm gia đình Việt Nam nhằm các mục tiêu: Nâng cao nhận thức của toàn thể xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, về chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến gia đình; Giáo dục và thực thi quyền, nghĩa vụ của gia đình, của các cơ quan liên quan đến gia đình; Tuyên truyền và bồi dưỡng cho các cá nhân kỹ năng sống, cách tổ chức cuộc sống gia đình và xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống bạo hành trong gia đình… Để tất cả những mục tiêu ấy thực sự có kết quả tốt, chúng tôi cho rằng mọi cấp, ngành và mỗi cá nhân cần chú trọng mấy vấn đề sau:

- Thứ nhất, khẳng định, quán triệt tới từng cá nhân trong xã hội về giá trị cốt lõi của gia đình trong các giá trị chung của xã hội tốt đẹp hiện nay. Muốn vậy, cần có chương trình, kế hoạch giáo dục về gia đình sao cho phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh cụ thể, một cách thường xuyên và hiệu quả;

- Thứ hai, thực thi một cách nghiêm túc các quy phạm, nhất là các quy phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Có các chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm, đi đôi với biểu dương, nhân rộng các điển hình tốt trong xây dựng và tổ chức tốt đời sống gia đình, chú trọng hiệu quả thực chất, tránh chiếu lệ hình thức. Khuyến khích nam nữ kết hôn và sinh đẻ đúng thời điểm, hợp lẽ tự nhiên, hợp đạo lý, thuần phong mĩ tục, có ích cho giống nòi; đồng thời kiên quyết cấm các trường hợp ngược lại, trên cơ sở tôn trọng quyền chính đáng, hợp pháp của con người;

- Thứ ba, chú trọng giáo dục, đề cao trên thực tế trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân phát triển bình thường khi họ bước vào hôn nhân. Cần giáo dục cho mọi người, nhất là lớp trẻ về tình yêu chân chính và hôn nhân dựa trên cơ sở đó luôn là tự do và tiến bộ;

- Thứ tư, tạo mọi điều kiện để các gia đình có việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao dần phúc lợi xã hội cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách, thực hiện bình đẳng giới trong mọi hoạt động; đào tạo đội ngũ chuyên gia chuyên trách công tác gia đình để hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ việc tổ chức đời sống gia đình theo hướng tiến bộ, hạnh phúc.

Tóm lại, gia đình không chỉ là nơi duy trì nòi giống, mà còn là môi trường cơ bản hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp; cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Ở mọi thời đại, mỗi một quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều cần phải biết chăm lo xây dựng gia đình. Tổ chức tốt Ngày Gia đình Việt Nam hàng năm và Năm Gia đình chính là góp phần đưa đất nước ta tiến lên hơn nữa trên con đường xây dựng CNXH đẹp tươi.

TS. Bùi Trung Hưng