Họ là tập thể của những người lính Cụ Hồ đã trải qua những ngày khói lửa gian khổ. Có người là cựu binh đánh Mỹ và vẫn còn cả những người lính già đã đi qua kháng chiến chống Pháp. Hôm nay, họ đang sinh hoạt dưới một tập thể đồng chí, cùng góp phần xây dựng quê hương và phát huy truyền thống người lính Cụ Hồ giữa đời thường.
Họ là tập thể của những người lính Cụ Hồ đã trải qua những ngày khói lửa gian khổ. Có người là cựu binh đánh Mỹ và vẫn còn cả những người lính già đã đi qua kháng chiến chống Pháp. Hôm nay, họ đang sinh hoạt dưới một tập thể đồng chí, cùng góp phần xây dựng quê hương và phát huy truyền thống người lính Cụ Hồ giữa đời thường. Đó là Hội Cựu chiến binh xã Phú Hội, huyện Đức Trọng - tập thể của gần 200 người lính giữa một vùng quê yên bình.
Tham gia sinh hoạt “Sáng mãi tên anh” tại Trường THCS Phú Hội |
Kể về tập thể của mình, ông Phạm Đức Chiến, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Phú Hội rất tự hào: “Hội chúng tôi gồm 198 hội viên, có từ các cụ chống Pháp cho tới anh em chống Mỹ, tham gia chiến tranh biên giới, chống fulro. Trở về đời thường tất cả các gia đình hội viên đều là gia đình gương mẫu, tăng gia sản xuất làm kinh tế ổn định, nuôi dạy con cháu ngoan ngoãn, không vi phạm pháp luật. Chúng tôi cũng đóng góp hết sức mình cho xây dựng quê hương Phú Hội ngày càng giàu đẹp”. Quả thật, trong số gần 200 hội viên Hội CCB xã, có tới trên 30% làm ăn kinh tế giỏi, gia cảnh được xếp hạng khá giả, không còn hộ nghèo. Hội viên của các chi hội còn lập quỹ giúp nhau phát triển kinh tế được trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn tín chấp với con số trên 1,4 tỷ đồng. Có sự trợ giúp của Nhà nước, của đồng đội và sự cố gắng của từng gia đình hội viên, con em trong các gia đình CCB đều được học chữ, học nghề, không vi phạm pháp luật và đều trở thành công dân tốt.
Không chỉ lo cho gia đình và đồng đội, Hội CCB xã Phú Hội còn xác định vai trò của mình trong việc xây dựng cộng đồng. Ông Chiến khẳng định: “Chúng tôi xác định vai trò của mình trong việc đảm bảo an ninh chính trị địa phương, giáo dục thế hệ trẻ và tham gia các hoạt động do chính quyền giao phó”. Riêng cấp ủy, ủy ban cũng như các đoàn thể tại Phú Hội đã có gần 30 đồng chí CCB tham gia hoạt động từ thôn tới xã. Các hội viên tại các chi hội tham gia vào các hoạt động như tuần tra nghĩa vụ tại các thôn, tham gia thi công các công trình đường giao thông, giữ vệ sinh các đoạn đường giao thông… được địa phương đánh giá cao. Đặc biệt, Hội CCB xã Phú Hội có nhiều hội viên là người dân tộc thiểu số bản địa tại các thôn như Chi Rông, RChai I, RChai II. Đây là lực lượng nòng cốt trong nắm bắt tình hình tôn giáo cũng như xây dựng hệ thống chính trị tại các thôn có đông bà con người dân tộc bản địa cư trú. Hoạt động của Hội CCB xã được cấp ủy, chính quyền đánh giá là hiệu quả trong việc giúp ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Với thế hệ trẻ, những tấm gương sống động của cha ông là rất hiệu quả trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống của các cháu. Chính vì vậy, Hội CCB xã thường xuyên phối hợp với các trường học, với Đoàn Thanh niên để tổ chức các buổi gặp gỡ, trò chuyện về người lính Cụ Hồ, về tinh thần cách mạng, sự hy sinh của cha anh đi trước. Sự có mặt của cụ Thái Hữu Đợt, người đã trải qua kháng chiến chống Pháp với tuổi đã 90 luôn làm cho các cháu khâm phục sự hy sinh của cha ông. Sự kết hợp chặt chẽ giữa Hội CCB xã và các trường học trên địa bàn đã phát huy được vai trò tuyên truyền thiết thực, giúp học sinh nắm được bài học lịch sử cũng như tinh thần “vì nước quên thân, vì dân quên mình” của những người lính.
Giữa thời bình, những người CCB vẫn không ngừng phát huy vai trò tiên phong, xung kích, tiếp tục giữ vững vai trò “anh bộ đội Cụ Hồ”.
Diệp Quỳnh