Mặc dù cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp, kể cả kiện ra tòa để tiến hành thu hồi nợ, nhưng thực tế cho thấy, nợ đọng bảo hiểm vẫn là vấn đề chưa thể giải quyết.
Mặc dù cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp, kể cả kiện ra tòa để tiến hành thu hồi nợ, nhưng thực tế cho thấy, nợ đọng bảo hiểm vẫn là vấn đề chưa thể giải quyết.
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang nợ đọng bảo hiểm |
Theo quy định, người sử dụng lao động liên tục trên 3 tháng thì phải có trách nhiệm nộp bảo hiểm cho người lao động. Tổng bảo hiểm gồm: BHXH, BHYT và BHTN phải đóng bằng 30,5% tổng quỹ lương theo hợp đồng lao động; trong đó, người sử dụng lao động đóng 21% và người lao động đóng 9,5%... Tuy nhiên, thực tế rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc quy định này.
NHỮNG “CON NỢ” KHÓ ĐÒI
Tính đến đầu quý II năm 2013, toàn tỉnh vẫn còn 216 cơ quan, đơn vị có nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng trở lên với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng, trong đó có 11 cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nợ số tiền trên 1,2 tỷ đồng và 148 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tham gia bảo hiểm nhưng thực hiện việc trích nộp không kịp thời hoặc trốn tránh không nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động dẫn đến nợ đọng bảo hiểm kéo dài của các đơn vị này lên đến trên 16,5 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Tấn Chỉ - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Lâm Đồng cho biết: “Trong số những đơn vị có nợ đọng bảo hiểm có một số doanh nghiệp do gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh nên thực hiện việc trích nộp không kịp thời, nhưng cũng có một số doanh nghiệp cố tình dây dưa không nộp, dẫn đến nợ đọng bảo hiểm kéo dài”. Dẫn đầu danh sách những “con nợ” khó đòi của Bảo hiểm Xã hội là Công ty TNHH Tâm Châu nợ đọng bảo hiểm trên 2,3 tỷ đồng, thời gian nợ 13 tháng; tiếp đến là Công ty TNHH Bá Thiên nợ đọng số tiền bảo hiểm trên 1,38 tỷ đồng và thời gian nợ lên đến 49 tháng; Công ty Kymono Japan nợ đọng bảo hiểm trên 1,2 tỷ đồng, thời gian nợ 21 tháng; Công ty Cadasa nợ đọng bảo hiểm số tiền trên 725 triệu đồng, thời gian nợ 24 tháng; Công ty SXKD hàng XNK Nam Phương nợ đọng bảo hiểm trên 718 triệu đồng, thời gian nợ 13 tháng… Một số “con nợ” dây dưa khó đòi khác có thể kể đến như: Công ty TNHH Dịch vụ Đại Huynh chỉ với 3 lao động nhưng đã nợ số tiền bảo hiểm trên 108 triệu đồng và thời gian nợ 31 tháng; Công ty TNHH TM-DV Hiệp Lực với 5 lao động nhưng đã nợ đọng bảo hiểm số tiền trên 105 triệu đồng và thời gian nợ 25 tháng; Công ty TNHH Duy Minh với 3 lao động nhưng đã nợ đọng bảo hiểm số tiền trên 43 triệu đồng và thời gian nợ 30 tháng…
Cũng theo Bảo hiểm Xã hội Lâm Đồng, ngoài các cơ quan, đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh có nợ đọng bảo hiểm, trên địa bàn tỉnh còn có 57 doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản, chủ đầu tư bỏ trốn, hoặc doanh nghiệp thường xuyên thay đổi nơi làm việc dẫn đến việc đôn đốc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN gặp nhiều khó khăn. Tổng số tiền nợ đọng bảo hiểm của 57 đơn vị này lên đến 1,25 tỷ đồng, trong đó có những đơn vị nợ trên 100 triệu đồng như: Công ty CP Đầu tư Lộc Bắc, Công ty TNHH SX-CB Nông sản Địa Cầu và có những đơn vị nợ đến 63 tháng như: Xí nghiệp Xây dựng công trình 557…
BẤT LỢI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Sau 3 năm làm việc tại Công ty Cadasa, chị Nguyễn Thị P đã chuyển công tác đến đơn vị mới. Do Công ty Cadasa nợ bảo hiểm nên đến đơn vị mới chị phải tham gia bảo hiểm lại từ đầu. Vậy là mất không thời gian tham gia bảo hiểm tại Cadasa. Nhưng dù sao theo chị: “Vậy vẫn còn hạnh phúc vì mình đã có việc làm mới. Còn rất nhiều đồng nghiệp của mình trước đây ở Cadasa cũng rơi vào hoàn cảnh như mình nhưng có người đến nay vẫn chưa kiếm được việc làm”. Họ đang thất nghiệp, nhưng do doanh nghiệp nợ bảo hiểm nên không được giải quyết các chế độ theo quy định. Một cán bộ Công đoàn ngành Du lịch cho biết, trước đây Công ty Cadasa có trên 30 lao động, nhưng nay hơn hai phần ba trong số đó đã nghỉ việc. Có lao động doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm đến 2 năm, nợ lương đến 5 tháng…
Cuối tháng 2/2013, công nhân Công ty TNHH Bá Thiên đã làm đơn tập thể kiến nghị các cơ quan chức năng can thiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho họ. Theo trình bày của 40 công nhân ký tên trong đơn thì họ là những công nhân làm việc tại đơn vị từ năm 1996 đến nay và đã tham gia tất cả các loại bảo hiểm như: BHXH, BHYT và BHTN (từ 1/1/2009 thời điểm triển khai đóng bảo hiểm thất nghiệp). Từ giữa tháng 10/2012, Công ty ngừng sản xuất. Đến thời điểm làm đơn kiến nghị, các công nhân trên đã thất nghiệp, 4 tháng không có việc làm, nhưng vẫn không được Công ty hỗ trợ bất cứ một chế độ nào và cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Như vậy, nếu Công ty Cadasa, Công ty Bá Thiên không nợ bảo hiểm thì các công nhân nói trên đã có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng (nếu tham gia đóng BHTN đủ từ 12 - 36 tháng) và 6 tháng (nếu đóng đủ 36 - 72 tháng BHTN). Ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định.
Ông Huỳnh Tấn Chỉ cho biết thêm, thời gian gần đây, Bảo hiểm Xã hội đã sử dụng biện pháp cuối cùng là khởi kiện ra tòa những doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm kéo dài. Cụ thể, trong năm 2012, Bảo hiểm Xã hội đã khởi kiện 14 doanh nghiệp và trong những tháng đầu năm 2013 đã khởi kiện 10 doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay hầu hết các vụ việc đều đang trong thời gian thụ lý. Chỉ duy nhất vụ kiện Công ty Cadasa đã được xét xử, nhưng vì doanh nghiệp không có tài sản tại địa phương (tài sản thuê của nhà nước) nên không thể thi hành án.
Box: Ông Nguyễn Văn Mừng - Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh cho rằng: Theo quy định của pháp luật, tổng quỹ bảo hiểm gồm: BHXH, BHYT và BHTN phải đóng bằng 30,5% tổng quỹ lương theo hợp đồng lao động; trong đó, người sử dụng lao động đóng 21% và người lao động đóng 9,5%. Như vậy, khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm thì không đơn thuần chỉ là nợ mà họ đã chiếm dụng phần tiền bảo hiểm mà người lao động đã đóng.
LÊ HỮU TÚC