15 năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực của MTTQ và các đoàn thể, sự vào cuộc của các ngành, các cấp; đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.
15 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực của MTTQ và các đoàn thể, sự vào cuộc của các ngành, các cấp; đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Do vậy, phong trào đã lan tỏa, phát triển sâu rộng, đi vào đời sống từng hộ gia đình, khu dân cư và trở thành phong trào thi đua sôi nổi của mọi tầng lớp nhân dân. Hiệu quả của phong trào góp phần hình thành và củng cố những giá trị đạo đức, xây dựng khối đoàn kết thống nhất; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, các phong tục, tập quán lạc hậu, hủ tục rườm rà từng bước được thay thế. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
Tính đến nay, có: 232.053/280.732 hộ gia đình văn hóa (đạt 82,7%); 1.248/1.564 thôn, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (đạt 79,8%); 38/148 xã, phường, thị trấn đã được công nhận văn hóa (đạt 25,7%); 1.204/1.355 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 88,85%). Ở các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều mô hình tiêu biểu có thể phổ biến để học tập và nhân rộng. Đó là các phong trào: “Người tốt việc tốt”, “5 không, 3 sạch”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”… phát triển rộng khắp; các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao diễn ra sôi nổi…; tiếng kẻng an ninh của thị trấn Nam Ban (Lâm Hà); phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm ở phường 3, Đà Lạt; Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật ở các huyện, thành phố; Câu lạc bộ Nông dân sản xuất giỏi…
Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là tại các thôn, buôn, khu phố được đầu tư xây dựng trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 87/148 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (đạt 58,7%); 916/1.564 thôn, buôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng (58,5%). Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được quan tâm. Hệ thống thông tin đại chúng ngày càng phát triển, toàn tỉnh hiện có trên 95% hộ được xem truyền hình; trên 97% hộ được nghe đài; mạng lưới trường học, y tế phát triển tương đối toàn diện, chất lượng không ngừng được nâng lên; phát huy ứng dụng KHCN vào sản xuất được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả cao…
Bên cạnh những kết quả đạt được rất quan trọng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đang còn một số hạn chế, yếu kém cần được khắc phục. Đó là:
- Công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện phong trào ở một số cấp, ngành, đoàn thể chưa được tiến hành đồng bộ và thường xuyên; trách nhiệm của một số ngành là thành viên ban chỉ đạo chưa thể hiện đầy đủ vai trò của mình (chủ yếu tập trung triển khai của UBMTTQ, LĐLĐ và ngành VHTTDL); do đó, chưa tạo được sự liên kết, phối hợp tốt nhất trong xử lý một số vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
- Phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương; số lượng khu dân cư vùng đồng bào dân tộc và các đơn vị doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân chưa tham gia thực hiện phong trào còn chiếm tỷ lệ cao. Một số nội dung cơ bản của phong trào chưa được triển khai thực hiện đầy đủ hoặc mới chỉ dừng lại ở việc phát động và ban hành văn bản.
- Phong trào phát triển chiều rộng nhưng thiếu chiều sâu, còn nặng về hình thức, chạy theo thành tích.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế của phong trào trong thời gian qua nhằm góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), trong thời gian tới cần quan tâm phối hợp triển khai một số nội dung sau đây:
- Tiếp tục học tập, quán triệt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong NQTW5 (khóa VIII) và Kết luận Hội nghị TW10 (khóa IX), những chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như lợi ích thiết thực, những tác động to lớn, lâu dài của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đối với quá trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội đối với phong trào này.
- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phải được gắn chặt với phong trào xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước của các cấp ngành, đoàn thể phải trở thành động lực thúc đẩy các phong trào đó. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện phong trào hàng năm vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch của chính quyền, đoàn thể các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
- Tiếp tục kiện toàn BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp từ tỉnh đến các huyện, thành phố và cơ sở, sửa đổi bổ sung quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ nói chung và các thành viên nói riêng, để BCĐ phát huy hiệu quả, tích cực chỉ đạo phong trào, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực của phong trào, cũng như của các danh hiệu văn hóa, khắc phục được bệnh hình thức, chạy theo thành tích trong việc công nhận các danh hiệu văn hóa thời gian qua, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu mà NQ ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra.
NGUYỄN VĂN HƯƠNG
TUV, GĐ Sở VH-TT&DL, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH”