
Nói rằng "vất vả" là không phải bởi vì thiếu kinh phí hay thiếu trường lớp mà là do phía học viên ở nông thôn không thực sự "chia sẻ" bằng cách đăng ký tham gia các lớp dạy nghề. Với kế hoạch trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 10.000 lao động nông thôn, nguồn kinh phí mà Nhà nước bỏ ra theo chương trình dự án để Lâm Đồng triển khai hằng năm là hoàn toàn không nhỏ.
Nói rằng “vất vả” là không phải bởi vì thiếu kinh phí hay thiếu trường lớp mà là do phía học viên ở nông thôn không thực sự “chia sẻ” bằng cách đăng ký tham gia các lớp dạy nghề. Với kế hoạch trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 10.000 lao động nông thôn, nguồn kinh phí mà Nhà nước bỏ ra theo chương trình dự án để Lâm Đồng triển khai hằng năm là hoàn toàn không nhỏ.
![]() |
Dạy đan ghế tại thị trấn Cát Tiên cho người dân. Ảnh: Ngọc Minh |
Mới đây, UBND huyện Lạc Dương đã phải điều chỉnh kế hoạch dạy nghề lao động nông thôn 2013 của huyện từ 32 lớp xuống còn 31 lớp. Nghĩa là phải có 1 lớp dự kiến mở ra đã bị “triệt tiêu”. Cụ thể, theo kế hoạch ban đầu, với nguồn kinh phí gần 654 triệu đồng, trong năm 2013, Lạc Dương sẽ mở 32 lớp dạy nghề nông thôn; trong đó gồm 26 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và 6 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp. Thế nhưng, đến gần đây, xét thấy tình hình thực tế có những biến đổi không theo dự báo nên huyện đã điều chỉnh kế hoạch bằng cách rút số lớp từ con số 32 xuống còn 31; trong đó, số lớp phi nông nghiệp từ con số 6 xuống còn 2; và tăng số lớp đào tạo nghề nông nghiệp từ 26 lên 29. Liệu không rõ con số “tăng” ấy có thể được thực hiện đủ hay không; còn riêng con số “giảm” thì đã đủ để nói lên nhiều điều. Đến tháng 8 tới (lịch dạy nghề nông thôn ở Lạc Dương từ tháng 5 - 8.2013), thực tế sẽ trả lời.
Còn tại huyện Đạ Huoai, một trong những nghề được xem là phù hợp với tình hình thực tế của địa phương được đưa vào chương trình dạy nghề nông thôn là nghề tạo dáng cây cảnh. Dự kiến, lớp đào tạo nghề tạo dáng cây cảnh của huyện Đạ Huoai sẽ được mở trong tháng 6.2013. Hồi tháng 3.2013, khi có thông báo, trên địa bàn huyện đã có 28 người đăng ký theo học. Đối tượng đăng ký theo học lớp dạy nghề tạo dáng cây cảnh ở Đạ Huoai hầu hết là các bảo vệ của những trường học trên địa bàn (trong 28 người đăng ký, số người là bảo vệ các trường học chiếm 25 người). Thế nhưng, đến khi lớp học chuẩn bị mở ra thì số học viên thực sự theo học chỉ là con số 10 trong tổng số 28 người đã đăng ký và cũng là con số 10 trong số 25 bảo vệ các trường học đã đăng ký. Trao đổi về lớp dạy nghề này, một cán bộ lãnh đạo của huyện Đạ Huoai nói rằng: “Lớp dạy nghề tạo dáng cây cảnh là lớp được mở ra hầu như chỉ nhằm vào đối tượng học viên là nhân viên bảo vệ các trường học là chính. Bởi lẽ, trên địa bàn huyện Đạ Huoai (và có lẽ là không riêng gì Đạ Huoai), ngoài nhiệm vụ bảo vệ, nhân viên bảo vệ các trường học còn kiêm thêm việc chăm sóc cây cảnh. Do vậy, kiến thức về chăm sóc cây cảnh, nhất là tạo dáng cây cảnh, đối với các đối tượng này là hết sức cần thiết”. Thế nhưng, theo một nguồn tin mà chúng tôi có được thì, không phải người lao động là nhân viên bảo vệ các trường học không mặn mà với lớp dạy nghề tạo dáng cây cảnh mà là do “cấn” công việc “bảo vệ” nên họ không thể tham gia được. Nói cụ thể hơn, không ít lãnh đạo các trường học trên địa bàn huyện Đạ Huoai chưa thực sự tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên bảo vệ của trường mình tham gia lớp dạy nghề có tính chuyên môn cao này. Trước thực tế ấy, UBND huyện Đạ Huoai vừa có văn bản yêu cầu: “Phòng Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi để các học viên tham gia lớp sơ cấp nghề tạo dáng cây cảnh theo danh sách đã đăng ký nhằm đảm bảo đúng số lượng, chất lượng và thời gian đào tạo của lớp; đây là một tiêu chí để xem xét, đánh giá xếp loại trong phong trào thi đua xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp, yêu cầu đồng chí hiệu trưởng các đơn vị trường học nghiêm túc thực hiện…”.
Ông Trương Ngọc Lý - GĐ Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng - nói: “Nếu phải phát biểu những yếu kém về công tác dạy nghề ở Lâm Đồng thì điều trước tiên cần nhấn mạnh là trong thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển ngành nghề cùng với việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Bên cạnh đó, quy mô đào tạo còn khá nhỏ, mỗi năm mới chỉ có 1,5% - 1,6% lao động nông thôn và lao động nông nghiệp được hỗ trợ học nghề theo dự án đào tạo nghề nông thôn, hiện vẫn còn nhiều xã chưa mở được lớp dạy nghề nào hoặc chỉ mở được mỗi một lớp trong vòng 3 năm qua”. Những lý do ấy xem ra thuộc về phía các nhà tổ chức. Còn như những điều vừa nêu trên, nguyên nhân chưa hẳn là như vậy!
Khắc Dũng