Xe quá tải "lách" Trạm cân

03:06, 23/06/2013

Để "lách" Trạm cân xe (do Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông Vận tải thành lập tại Km 96+800 thị trấn Đạ Mri, huyện Đạ Huoai), nhiều tài xế lái xe trên quốc lộ 20 từ TP Hồ Chí Minh về Lâm Đồng và ngược lại đã không từ một phương cách nào.

Để “lách” Trạm cân xe (do Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông Vận tải thành lập tại Km 96+800 thị trấn Đạ Mri, huyện Đạ Huoai), nhiều tài xế lái xe trên quốc lộ 20 từ TP Hồ Chí Minh về Lâm Đồng và ngược lại đã không từ một phương cách nào. Chỉ sau một thời gian ngắn Trạm được lập (ngày 9/6/2013), nhiều “cò” đã xuất hiện với các “chiêu” giúp tài xế “né” Trạm, bằng cách làm đường tránh, “vợi” bớt hàng để hạ tải xe!    

Nhiều xe nối đuôi nhau để chờ thời cơ vượt Trạm cân
Nhiều xe nối đuôi nhau để chờ thời cơ vượt Trạm cân


Sau nhiều ngày “phục kích” tại khu vực gần Trạm cân xe quá tải, chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều “chiêu” của giới tài xế xe tải cũng như “cò” để tìm cách đưa xe quá tải vượt Trạm cân. Trưa 18/6/2013, gần 40 xe tải các loại mang biển số Lâm Đồng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh (chạy hướng TP Hồ Chí Minh về Đà Lạt) nối đuôi để chờ thời cơ vượt Trạm cân. Hướng từ Đà Lạt về TP HCM cũng tương tự, cả chục xe quá tải nằm “án binh bất động” chờ đợi. Khoảng 20 giờ, một “cò” (tên Huy) ngồi khuất trong quán cơm chay đối diện Trạm cân xe, khi thấy 2 phụ xe đi lại canh chừng Cảnh sát giao thông của Trạm cân giao ca, Huy vẫy tay gọi vào nói chuyện. Chưa đợi phụ xe hỏi, Huy nói: “Em có đường né trạm cách đây 200m. Xe anh vượt tải quá 2 tấn thì em lấy 700 ngàn là đảm bảo qua Trạm an toàn”. Thấy chưa đủ sức thuyết phục, Huy nói tiếp: “Khi nào xe vượt qua Trạm, em mới lấy tiền, mấy anh cứ yên tâm!”.

Con đường né Trạm cân mà Huy đề cập là con đường tự tạo, từ quán ăn Anh Em (Quốc lộ 20, khu phố 6, thị trấn Đạ Mri) đi qua vườn điều và nối ra con đường dân sinh lô 2. Cuối đường, nhiều cây to và đất đá lấp cả mương thoát nước của đường lô 2 để xe quá tải có thể vượt qua. Theo tìm hiểu của chúng tôi, con đường này do ông Lê Văn Việt (chủ quán cơm Anh Em) tự tạo từ khi Trạm cân được lập. Ngoài Huy còn có một số “cò” khác có nhiệm vụ kiếm “mối” xe có nhu cầu né Trạm cân. Huy cho biết, mỗi chuyến xe qua trót lọt chỉ kiếm được 100 ngàn; số tiền còn lại, phải chung chi rất nhiều “đường” khác!

Ngoài chiêu né Trạm trên, cánh tài xế còn nhờ đến dịch vụ “vợi hàng” của ông Tú để hạ tải xe quá tải. Sau khi vượt Trạm thì hàng lại được chất lên. Tại quán cơm Anh Em, ông Tú cho dán giấy quảng cáo dịch vụ “vợi hàng” kèm số điện thoại. Tối 19/6, chúng tôi gọi ông Tú yêu cầu hạ tải 3 tấn hàng để chạy qua Trạm. Ông Tú căn dặn: “Anh xuống khi nào gọi tôi trước để tôi điều xe tới hạ tải. Tôi lo bốc hàng xuống và cả hàng lên lại xe. Xe tôi loại 1,25 tấn nên mỗi chuyến chỉ chở được 2 tấn tới 2,5 tấn và đi đường trong (đường lô 2). Giá 300 ngàn đồng/chuyến, không bớt!”. Nhiều tài xế đã chọn dịch vụ này, vì qua Trạm an toàn, giá cả “vợi hàng” có thể chấp nhận được.

Trong những ngày chúng tôi theo dõi tại Trạm cân, trời mưa liên tục nên nhiều tài xế cũng đã chọn cách nằm “án binh bất động” đợi mưa lớn hoặc chốt trực giao ca để vượt Trạm. Khoảng 13 giờ ngày 17/6, trời bắt đầu mưa lớn, hai cảnh sát trực chốt tại Trạm cân di chuyển vào trong. Cánh tài xế đang nằm nghỉ tại các quán cà phê hai bên đường nhanh chóng lên xe, nổ máy xe ầm ầm rồi nối đuôi nhau vượt Trạm. Chưa đầy 10 phút sau, toàn bộ số xe này đã vượt Trạm “bình an vô sự”. Chị Hoa, chủ quán cà phê bên đường, cho biết: “Chưa bao giờ thấy xe tải phải xếp hàng rồng rắn như vậy để đợi qua Trạm. Mỗi khi mưa lớn hay giờ thay ca là tài xế nhấn ga chạy xịt khói đen đặc cả một khúc đường”.

Tình trạng này tiếp tục diễn ra vào các đêm 17, 18 và 19/6. Thường khoảng 22 giờ đêm, những chiếc xe tải đầu tiên bắt đầu tấp vào lề. Các tài xế tụm 5, tụm 7 bên lề đường chờ thời cơ vượt Trạm. Hầu hết các xe đều chở quá tải từ 2 tấn đến trên 10 tấn. Đến gần 2 giờ sáng, đoàn xe này cứ nối đuôi nhau dài thêm. Chờ lâu, nhiều tài xế sốt ruột nên rủ nhau 4-5 xe vượt Trạm. Các xe này thường chạy với tốc độ cao qua Trạm, nếu bị yêu cầu dừng lại để kiểm tra thì sẽ chạy luôn. Khi tổ công tác truy đuổi thì cũng chỉ có thể bắt được một, hai xe. Mỗi khi có xe tách đoàn vượt Trạm, những tài xế còn lại cứ nhấp nha nhấp nhổm dõi mắt theo nhìn. Khi có xe vượt được Trạm an toàn, họ lại lắc đầu đầy tiếc rẻ. Nhìn đoạn đường bị cày xới tan nát lổn nhổn những ổ voi, chủ một nhà nghỉ trên đoạn đường này phản ảnh: Từ khi lập Trạm cân, đường đã xấu lại càng thêm xấu, bởi lẽ các xe vượt Trạm cứ tranh nhau chạy với tốc độ cao, bất chấp ổ voi, ổ gà.

Sau khi nhận được phản ánh của chúng tôi, chiều 22/6, ông Lê Hồng Ngân, Chủ tịch UBND xã Đạ Mri (huyện Đạ Huoai), cho biết đã cho xe san ủi con đường tự tạo của ông Việt; đồng thời, yêu cầu ông Việt viết cam kết không tiếp tục cho xe qua con đường này. Đối với cò qua Trạm cân, xã đã giao cho Công an điều tra, làm rõ những đối tượng này để xử lý. Cũng theo ông Ngân, Trạm cân xe được đặt tại vị trí có 2 đường dân sinh bọc 2 đầu là đường qua khu phố 7 (cùng phía Trạm cân dài 3,7 km) và đường lô 2 (đối diện Trạm cân dài 4 km). Lợi dụng 2 tuyến đường này, rất nhiều tài xế đã vượt Trạm. Tại đường qua khu phố 7, lực lượng của xã đã phát hiện có 11 xe trốn Trạm đi vào đường này, nhưng chỉ bắt được 1 xe để đưa về Trạm cân. Còn tại đường lô 2, những ngày đầu lượng xe vượt Trạm qua đường này không kiểm soát được.

Ông Trần Xuân Hưởng, Phó Thanh tra giao thông Sở GTVT Lâm Đồng, cho biết: Trong 10 ngày thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng xe, Trạm cân đã dừng 310 xe có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra đã có 17 xe quá tải theo thiết kế của phương tiện và 26 xe quá tải cầu đường. Cá biệt, có xe vượt hơn 174% tải trọng cầu đường và 200% tải trọng cho phép của xe. Các xe vi phạm, ngoài xử phạt hành chính, còn buộc phải hạ tải tại chỗ, trừ một số xe chở thực phẩm tươi sống, chở phân gây ô nhiễm môi trường. Một hạn chế là cân đặt tại Trạm là cân điện tử, nên khi trời mưa phải dở cân lên để tránh hư hỏng. Lợi dụng điều này, nhiều tài xế đã đậu xe hàng dài để đợi trời mưa rồi vượt Trạm.

ĐÔNG ANH - KHÁNH PHÚC