Cây và hoa bên lăng Bác

04:07, 10/07/2013

Đến nay, theo thống kê của Phòng Kế hoạch - Tổng hợp thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thành phần thực vật trong kiến trúc cảnh quan Lăng Bác đã lên tới hơn 290 loài thuộc 75 họ của 32 bộ…

Cách đây 40 năm, sau Lễ khởi công xây dựng Lăng Bác (2-9-1973), nhân dân ở khắp các tỉnh thành cả nước đều mong được gửi những loài cây, hoa mang muôn vàn tình thương yêu về đây bên Người để đời đời ghi nhớ công ơn... Đến nay, theo thống kê của Phòng Kế hoạch - Tổng hợp thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thành phần thực vật trong kiến trúc cảnh quan Lăng Bác đã lên tới hơn 290 loài thuộc 75 họ của 32 bộ, với số lượng hơn 1.950 cây bóng mát; 3.850 cây cảnh, cây ăn trái cùng 3.500 m2 hoa, 4.8000 m2 thảm cỏ và hơn 4.500 m2 cỏ nhung. Trong đó, có sự góp mặt của loài thực vật đặc hữu quý hiếm của Lâm Đồng… Tất cả đã được trồng và sắp đặt ở 5 khu vực cảnh quan Lăng Bác, thiết kế và thi công theo đúng phương châm “Dân tộc - Khoa học - Hiện đại” mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Nét xuân. Ảnh: Thanh Đạm
Nét xuân. Ảnh: Thanh Đạm


Khu vực 1: Đại lộ Hùng Vương chạy ngang trước Lăng, nơi diễn ra các cuộc duyệt binh, tuần hành của chiến sĩ, đồng bào trong những ngày lễ hội trọng thể, hai bên lề trồng chò nâu, loài cây bản địa lớn nhất nước ta khi trưởng thành cao tới 50m, phân bố tự nhiên ở nơi đất Tổ trung du Bắc Bộ nên có tên khoa học Dipterocarpus tonkinensis (trong đó Tonkin theo Latinh là Bắc Bộ). Khu vực 2: Quảng trường Ba Đình lịch sử được chia ra 244 ô, rộng 27.104 m2 trồng cỏ lá tre. Đây là giải pháp thiết kế quảng trường theo ý tưởng của Bác lúc sinh thời: "Như thế vừa đẹp mắt vừa có tác dụng giảm nhiệt độ và phù hợp với điều kiện khí hậu của nước ta.

Khu vực 3 là Lễ đài Lăng Bác được giới hạn bởi hai vuông tre trong chi Bambusa - loài tre phân bố lâu đời ở Lang Chánh, Thanh Hoá - căn cứ địa của nghĩa quân Lê Lợi được trồng hai bên khán đài Lăng Bác. Trước hai khán đài còn đặt những pan-nen trồng bông cúc sao và những loài hoa chịu hạn của các tỉnh miền Trung... Hai bên cửa chính vào Lăng là hai cây đại của đồng bào trong phong trào Hà Nội-Huế-Sài Gòn kết nghĩa kính dâng Người. Theo chiều dài hai khán đài là hai hàng vạn tuế, mỗi bên 9 cây của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Vạn tuế rất hài hoà với chất liệu đá hoa cương, cẩm thạch góp phần nêu bật chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta".

Khu vực 4, Đại lộ Bắc Sơn, con đường lớn dẫn tới Quảng trường Ba Đình được trồng ban hoa trắng và ban hoa tím. Cây có hình dáng đẹp, biểu tượng của núi rừng Tây Bắc. Cạnh hoa ban là hai hàng dầu nước Nam Bộ thân thẳng tròn đều, cây trưởng thành đường kính đạt 2,5m, chiều cao tới 45m, tên khoa học Dipterocarpus alatus, cùng họ với cây chò nâu, biểu trưng cho khí phách hiên ngang bất khuất của người dân đất Thành đồng Tổ quốc. Giữa lòng đại lộ Bắc Sơn có những bồn hoa dài trồng những cây đào Nhật Tân của Thăng Long ngàn năm văn hiến và những cây đào được chiết từ cây đào Tô Hiệu đã trồng tại nhà tù Sơn La trước ngày ông bị thực dân Pháp đưa ra pháp trường, là biểu tượng của tinh thần lạc quan yêu đời, luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Cạnh những cây đào là hàng ngàn khóm hồng nhung, hồng quế của Đà Lạt, Hà Nội bốn mùa ngát hương...

Khu vực 5: Phía sau Lăng và hai khán đài là một công viên để các cháu thiếu niên, nhi đồng tới vui chơi ca hát. Những bông hoa của các miền đua nhau nở, những cây xanh tươi tắn đứng bên nhau nhắc chúng ta nhớ lời Bác dạy: Đoàn kết...! Ở đây có đủ các loài hoa và cây tiêu biểu của mọi miền đất nước: Tường vi, kim quất của Hà Nội, phượng vĩ, ngọc bút của Hải Phòng, rúc của Hoà Bình, ngọc lan của Lạng Sơn, huệ trắng của Bắc Ninh, mai chiếu thủy của Đồng Tháp, sanh thế của Quảng Ninh... Nhiều cây ăn trái quý cũng được gửi về "Vườn của Bác" như bưởi Biên Hoà, Đoan Hùng; mơ Hương Tích, mận Cao Bằng, táo Lào Cai, hồng xiêm Sa Đéc, dừa Bến Tre, song mai Hà Nội... Đồng bào các dân tộc anh em đã tham gia trồng hai cây đa được chiết từ cây đa Tân Trào lịch sử và 20 vuông hoa gồm 6 loài mà từ ngày ở Việt Bắc Bác vẫn thích ươm trồng: Cây mộc, dạ hương, nhài, nguyệt quế, ngâu vàng, lan tiêu.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Đà Lạt - Lâm Đồng đã gửi về Lăng Bác những loài đặc hữu quý hiếm: cây thông mang tên Đà Lạt-Pinus dalatensis, thông cổ lá dẹp - Ducampopinus krempfii cùng nhiều giống hoa đặc sắc: cúc bất tử, liễu bông đỏ, trà mi trắng, mẫu đơn, các chủng đỗ quyên của núi rừng Lang Biang và đặc biệt là 79 chậu hồng - Rosa sp biểu trưng cho 79 mùa xuân của Bác Hồ. Đà Lạt còn gửi ra những giống bông bụt hoa đỏ để làm thành bức tường xanh quanh nhà và vườn của Bác. Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh đã gửi về đây các loài tùng thế, tùng bút, tùng quỳ có giá trị tạo hình phong phú và hơn 100 cây sao tạo tầng cao trong không gian xanh. Cả nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa cũng gửi về hai cây bàng miền biển mang hình ảnh người lính Cụ Hồ nơi hải đảo xa xôi...

NGUYỄN HOÀNG BÍCH