Công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động thiếu hiệu quả là do công tác quản lý

04:07, 17/07/2013

Qua giám sát chuyên đề "Công tác đầu tư, quản lý, sử dụng các công trình nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS cho thấy, hiện có tới 26,5% số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã đầu tư tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS của tỉnh hoạt động kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.

Thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc HĐND tỉnh vừa tiến hành tổ chức Đoàn Giám sát chuyên đề “Công tác đầu tư, quản lý, sử dụng các công trình nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS từ năm 2004 tới 31/12/2012”. Kết quả giám sát cho thấy hiện có tới 26,5% số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã đầu tư tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS của tỉnh hoạt động kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.

Với tổng kinh phí đầu tư lên tới 128,163 tỷ đồng, trong đó phần lớn vẫn là vốn ngân sách nhà nước, từ năm 2004 tới nay đã có 178 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó có 29 công trình cấp nước tập trung tự chảy và 149 giếng khoan được thi công ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS của tỉnh, và hiện 131/178 công trình - chiếm tỷ lệ 73,5% - hoạt động có hiệu quả. Trong số 26,5% công trình (47/178 công trình) còn lại hoạt động kém hiệu quả có 13 công trình chỉ phát huy được dưới 50% công suất thiết kế (11 giếng khoan và 2 công trình tự chảy) và 34 công trình hoàn toàn đã ngừng hoạt động (32 giếng khoan và 2 công trình tự chảy). Như vậy, phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn của tỉnh hoạt động kém và không hiệu quả là công trình giếng khoan. Những giếng khoan hoạt động kém hoặc đã ngừng hoạt động chủ yếu do các nguyên nhân như cháy máy bơm, hỏng đường dây điện; một số công trình sau khi khoan xong giếng thì hết vốn để đầu tư tiếp máy bơm, bồn chứa, ống dẫn nước…; còn những nguyên nhân làm cho các công trình cấp nước tự chảy hoạt động kém hiệu quả là do hư hỏng đầu mối, đường ống dẫn nước, cạn kiệt nguồn nước và nước bị ô nhiễm…

Qua việc giám sát tại các địa phương có công trình, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh cho hay, nguyên nhân chính của những nguyên nhân dẫn tới việc một số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn phát huy hiệu quả thấp là vì các địa phương đã buông lỏng công tác quản lý - khai thác khi không thực hiện nghiêm túc Quyết định số 28/2008/QĐ-UBND ngày 16/7/2008 của UBND tỉnh: Các địa phương có công trình đã không giao cho một đơn vị làm đầu mối quản lý các công trình hiện có trên địa bàn mà chủ yếu giao cho chính quyền cấp xã, người được UBND cấp xã giao trực tiếp quản lý công trình là cán bộ kiêm nhiệm và không được đào tạo về chuyên môn nên đã không thể quản lý - khai thác công trình đúng kỹ thuật, không thực hiện được tốt việc thu tiền sử dụng nước (công trình thì có thu, công trình lại không thu và mức thu cũng không thống nhất); không cấp kinh phí hàng năm cho UBND cấp xã (đơn vị đang trực tiếp quản lý công trình) để duy tu và bảo dưỡng công trình (toàn tỉnh chỉ có các huyện Đơn Dương, Bảo Lâm, Di Linh có trích ngân sách chi cho việc sửa chữa các công trình bị hư hỏng)… Theo quy định, hiện nay Sở NN-PTNT (và cấp huyện là Phòng NN-PTNT) là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chương trình (và công trình) cấp nước sinh hoạt nông thôn nhưng Sở đã không thể quản lý về số lượng, giám sát về chất lượng của các công trình do các chủ ngoài ngành đầu tư, và “Sở NN-PTNT đã không thể cập nhật và chỉ đạo được…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, gần đây UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT) trực tiếp quản lý - khai thác một số công trình có quy mô cấp nước lớn và quy trình vận hành phức tạp. Thực hiện nghiêm túc Quyết định 28/2008/QĐ-UBND, Trung tâm này đã thành lập các trạm (tổ) quản lý công trình tại từng huyện, tiến hành đưa nước tới từng hộ sử dụng, có thu tiền sử dụng nước… Theo đánh giá của các địa phương và của các ngành chức năng của tỉnh thì tất cả các công trình do Trung tâm quản lý hiện đều phát huy hiệu quả cấp nước cao và mô hình quản lý - khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa mà Trung tâm NS và VSMTNT đang triển khai cần sớm được nhân rộng, mở rộng với tất cả các công trình còn lại thuộc lĩnh vực này. Tại huyện Lạc Dương - theo Phòng NN-PTNT huyện - thì 6/10 công trình cấp nước sinh hoạt tại huyện hiện do Trung tâm NS và VSMT quản lý đều hoạt động tốt, trong khi đó 4/10 công trình còn do địa phương quản lý đều hoạt động không hiệu quả và “Phòng đề nghị UBND huyện và các ngành liên quan của tỉnh sớm bàn giao các công trình này về Trung tâm NS và VSMT nông thôn tỉnh”.

Từ kết quả giám sát chuyên đề, Ban Dân tộc của HĐND tỉnh đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc Quyết định 28/2008/QĐ-UBND tỉnh; đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí để Sở NN-PTNT và các địa phương rà soát lại quy hoạch công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, sửa chữa các công trình đã hư hỏng, hoàn thiện các công trình đầu tư còn dở dang…

Đức Hưng