Hàng năm, vào mùa mưa bão, Đạ Tẻh là một trong những huyện chịu nhiều thiệt hại nặng, nên chính quyền và người dân nơi đây luôn thấp thỏm lo âu tìm cách phòng, chống lũ. Đối với mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện Đạ Tẻh đã có những chuẩn bị tích cực để ứng phó kịp thời khi có mưa.
Hàng năm, vào mùa mưa bão, Đạ Tẻh là một trong những huyện chịu nhiều thiệt hại nặng, nên chính quyền và người dân nơi đây luôn thấp thỏm lo âu tìm cách phòng, chống lũ. Đối với mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện Đạ Tẻh đã có những chuẩn bị tích cực để ứng phó kịp thời khi có mưa.
Gặt lúa chạy lũ, một trong những giải pháp phòng, chống lũ lụt |
Theo thống kê của UBND huyện Đạ Tẻh, hàng năm, mưa lũ gây thiệt hại nặng về kinh tế khoảng 6 - 7 tỷ đồng. Mùa mưa năm 2012, ở xã Đạ Lây có 1 người bị sét đánh chết. Các địa phương trong huyện thường chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra là các xã An Nhơn, Đạ Kho, Đạ Lây, Quảng Trị, Hương Lâm, Triệu Hải, Mỹ Đức và thị trấn Đạ Tẻh. Ông Lê Mậu Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp (NN) huyện Đạ Tẻh, Phó ban Phòng chống lụt bão (PCLB) huyện, cho biết: “Trong một vài năm gần đây, hiện tượng lũ quét, lốc xoáy ít xuất hiện trên địa bàn huyện Đạ Tẻh. Song, qua theo dõi diễn biến thời tiết từ mùa khô đến nay, chúng tôi nhận định, mùa mưa bão năm 2013 đến muộn và hết sức phức tạp, khó lường. Do đó, từ đầu tháng 6, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện phê duyệt và ra quyết định triển khai phương án PCLB, giảm nhẹ thiên tai. Có thể khẳng định, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành để sẵn sàng phòng, chống lụt bão”.
Căn cứ vào đặc thù của địa phương, Ban Chỉ huy PCLB huyện đã có những phương án để phân lũ thành 2 loại chính, gồm: Lũ quét tức thời từ thượng nguồn và ngập lụt nội đồng do mưa dài ngày. Trong đó, lũ quét tức thời có ảnh hưởng và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Đồng thời, Đạ Tẻh tiến hành rà soát, xác định các vùng thường xuyên xảy ra hiện tượng lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất để thực hiện tốt phương án phòng, chống và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Phòng NN huyện Đạ Tẻh, Ủy viên Ban PCLB huyện - cho biết: “Để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” chúng tôi đã lập phương án PCLB chi tiết, cụ thể sẵn sàng triển khai khi có lũ. Trường hợp có lốc xoáy gây thiệt hại cho người dân, chúng tôi sẽ huy động lực lượng kịp thời khắc phục hậu quả, sớm ổn định tình hình cho nhân dân. Ngay từ đầu mùa mưa, chúng tôi đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên phát loa phóng thanh nhằm tuyên truyền để người dân nắm bắt các hiểm họa do thiên tai gây ra; từ đó, giúp họ có ý thức chủ động kiểm tra, sửa chữa, giằng néo nhà cửa, tỉa thưa cây xanh…”.
Đối với công tác phòng, chống lũ quét và sạt lở đất, huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm có dân sinh sống ở ven đồi, triền núi, ven sông, ven suối thuộc các xã ảnh hưởng nặng như Triệu Hải, Mỹ Đức, Đạ Kho, Hương Lâm, Quốc Oai… Trường hợp có lũ quét, sạt lở đất xảy ra, Ban PCLB cùng với địa phương và các ngành chức năng sẽ kịp thời di dời các hộ dân bị ảnh hưởng cùng tài sản, gia súc, gia cầm của họ tới nơi an toàn. Về phương tiện, lực lượng để PCLB, Ban Chỉ đạo PCLB huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan như Trung tâm Y tế, Phòng NN, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Công thương, Huyện Đội, Công an và các xã, thị trấn… chủ động xây dựng kế hoạch, đảm bảo đầy đủ thuốc men, dụng cụ y tế, gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết, các vật dụng để dựng nhà dã chiến, phao cứu sinh; đồng thời, thống kê số lượng và vận động các chủ phương tiện xe tải, xe xúc, xe cẩu, máy ủi… trên địa bàn huyện làm cam kết sẵn sàng kịp thời tham gia ứng phó khi có yêu cầu.
Cùng với đó, huyện cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương kiểm tra, sửa chữa, gia cố các công trình thủy lợi trọng yếu (đập Đạ Hàm, xã An Nhơn; hồ chứa nước Đạ Tẻh; hệ thống kênh tiêu dọc đường 725 (xã Mỹ Đức) và hệ thống đường dây điện… để sẵn sàng ứng phó với mưa bão. Ngoài ra, UBND huyện đã chỉ đạo và khuyến cáo bà con, thu hoạch mùa màng trước khi có lũ.
Với Phương án PCLB chu đáo, ông Lê Mậu Tuấn tự tin: “Theo dự đoán, mùa mưa năm nay sẽ diễn ra phức tạp, bất thường, khó phán đoán tình hình. Song, trong trường hợp xảy ra lũ lụt, chúng tôi tin chắc rằng với sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện là cơ sở vững chắc để sẵn sàng phòng chống lũ lụt, nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do lũ gây ra!”.
KHÁNH PHÚC