Đam Rông: Thành quả của giáo dục "ngưỡng cửa"

02:07, 02/07/2013

Bậc mầm non và tiểu học là 2 bậc học có nhiều kết quả tốt trong năm học 2012-2013 của GD-ĐT huyện Đam Rông.

Là 1/62 huyện nghèo, dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 73%, chưa kể các dân tộc thiểu số di cư, để đạt được hiệu quả và chất lượng của giáo dục “ngưỡng cửa” - bậc mầm non (MN) và tiểu học (TH) dĩ nhiên là khó khăn. Nhưng, đây lại là 2 bậc học có nhiều kết quả tốt trong năm học 2012-2013 của GD-ĐT huyện Đam Rông.  

Giờ Tiếng Việt của cô và trò Tiểu học Đạ Nhing
Giờ Tiếng Việt của cô và trò Tiểu học Đạ Nhing

   
Toàn huyện Đam Rông có 35 trường, trong đó 8 trường MN, 15 trường TH. Trong quy mô học sinh (HS) toàn huyện 464 lớp, gần 12.500 HS, bậc MN có 80 nhóm lớp với gần 2.300 cháu và bậc TH 233 lớp với gần 5.700 HS. Ngoài sự quan tâm thích đáng của nhà nước, của tỉnh và huyện đối với địa bàn huyện nghèo, đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV) ngành GD-ĐT Đam Rông đã nỗ lực phấn đấu trong điều kiện còn nhiều khó khăn rất đáng ghi nhận. Đam Rông có 194 GVMN, đã đạt chuẩn trở lên gần 85% và trên chuẩn gần 41%; 420 GV TH có gần 97% đạt chuẩn trở lên và hơn 56% trên chuẩn. Nền tảng của GD-ĐT huyện Đam Rông là hoạt động đổi mới quản lý đã trở thành thường xuyên bằng những bồi đắp, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn. Từ thực hiện phân cấp, quy chế công khai, ứng dụng công nghệ thông tin, đến đồng bộ trong cải cách hành chính, thanh (kiểm) tra và đánh giá, phát động thi đua… Xuyên suốt công tác này, GD-ĐT Đam Rông linh hoạt những hình thức lồng ghép, tìm các giải pháp, đề ra các nhiệm vụ cụ thể trong quá trình triển khai thường xuyên các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành. Theo đó, mục tiêu luôn hướng đến và trở thành tiêu chuẩn thường trực là: nhà giáo rèn đức-rèn tài; giáo dục chất lượng và hiệu quả.

Ở MN, huyện tích cực khâu kiểm tra, từ việc công nhận phổ cập giáo dục tại các xã Đạ K’Nàng, Liêng Srônh, Rô Men, đến việc công nhận duy trì phổ cập ở các trường đã được công nhận như Đạ Long, Đạ Rsal, Phi Liêng. Mặt khác, phòng GD-ĐT đã tham mưu cho UBND huyện ưu tiên tập trung mọi nguồn lực, đầu tư kinh phí xây dựng phòng học dành cho trẻ 5 tuổi, mua sắm thiết bị học liệu để đảm bảo 100% cháu có đầy đủ đồ dùng thiết bị học liệu. Đồng thời, phối hợp với các phòng chức năng lập kế hoạch và thực hiện chi trả kịp thời chế độ chính sách cho trẻ. Năm học 2012-2013, tổng số trẻ trong độ tuổi đến trường đạt hơn 43%; số trẻ mẫu giáo đến lớp đạt hơn 76%; HS 5 tuổi huy động ra lớp đạt trên 100%. Đặc biệt, tất cả các trường MN đã tổ chức lớp học bán trú từ đầu năm học và hầu hết phụ huynh đều nhất trí cho trẻ ăn cơm tại trường với mức đóng góp từ 13-15 ngàn đồng/cháu/ngày (có gần 80,5% trẻ theo học bán trú). Đến nay, Đam Rông đã hoàn thành 6/8 xã phổ cập MN 5 tuổi, chỉ còn 2 xã Đạ Tông và Đạ Mrông tiếp tục triển khai để đến cuối năm 2014 được tỉnh công nhận toàn huyện.  

Ở bậc TH, 100% các trường trang bị cơ bản thiết bị nghe, nhìn phục vụ giảng dạy; 40% trường có phòng máy vi tính; loại hình 2 buổi/ngày tăng nhanh. Hầu hết GV đều tham gia soạn giáo án điện tử để thao giảng và tham gia các hội thi. Kết quả, duy trì sĩ số gần 100%; lên lớp thẳng hơn 95% và 8/8 xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Trường Tiểu học Lương Thế Vinh đã đạt chuẩn quốc gia, 2 trường Tiểu học Đạ K’Nàng và Lăng Tô đạt cận chuẩn…

Chính phong trào giáo dục MN và TH đã tác động sâu rộng đến phong trào chung của toàn ngành. Năm học 2012-2013, Đam Rông giành được nhiều thành tích nổi bật từ các cuộc thi cấp tỉnh như: 10 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng từ Hội khỏe Phù Đổng; 7 giải nhất, 21 giải nhì, 29 giải ba, 7 giải khuyến khích từ các cuộc thi HS giỏi, viết chữ đẹp, tiếng Anh, giải toán và 1 Huy chương Đồng, 1 khuyến khích của HS lớp 5 giải quốc gia…

Khó khăn hiện nay của giáo dục ở Đam Rông rất cần được các cấp quan tâm chia sẻ đó là về dạy-học tiếng Anh: trình độ HS yếu và trang thiết bị thiếu ở các điểm trường; GV hợp đồng không được trả thù lao vì không thu học phí. Theo ông Trần Phú Vinh, Trưởng phòng Giáo dục - đào tạo huyện Đam Rông, Đam Rông không còn phòng học tạm tranh tre nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền các địa phương cho mượn hội trường thôn, nhưng hầu hết các trường lại chưa có phòng học bộ môn, thí nghiệm, thực hành nên phần lớn các giờ học thực hành thí nghiệm còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả. Việc triển khai dạy thí điểm Tin học ở TH, ứng dụng chương trình Kidmart ở MN còn khó khăn về phương tiện, thiết bị dạy học. Mặt khác, ông Trần Phú Vinh cũng cởi mở chia sẻ thêm: “Khó khăn nhất của huyện Đam Rông là chất lượng chưa ngang tầm vì một bộ phận GV lâu năm tay nghề yếu (mặc dù văn bằng đạt chuẩn và trên chuẩn), nhất là đội ngũ GV dân tộc bản địa tuổi cao. Cũng trăn trở với nhiều giải pháp nhưng ngành không thể “vắt chanh bỏ vỏ” được”.

MINH ĐẠO