Đôi mắt sáng, ngời lên trên khuôn mặt xinh xắn, thông minh và hay cười của Thúy. Dường như, nó chẳng ăn nhập gì với cái bế tắc, nghèo khổ ở Nao Quang. Vậy mà, tình thật, em đang phải "cột" mình với vùng đất xa hút cùng của xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm), nơi con chữ không thể vượt qua 30 cây số đường rừng để tìm tới.
Đôi mắt sáng, ngời lên trên khuôn mặt xinh xắn, thông minh và hay cười của Thúy. Dường như, nó chẳng ăn nhập gì với cái bế tắc, nghèo khổ ở Nao Quang. Vậy mà, tình thật, em đang phải “cột” mình với vùng đất xa hút cùng của xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm), nơi con chữ không thể vượt qua 30 cây số đường rừng để tìm tới.
Em Lê Nguyễn Diễm Thúy (bên phải) |
Ám ảnh mãi cái nghèo
Lê Nguyễn Diễm Thúy 12 tuổi, là con út trong gia đình nghèo 4 người con. Căn nhà em ở chưa đầy 20m2, chỉ có bộ bàn ghế gỗ cũ mèm là còn khá lành lặn. Nhường đôi ghế cho khách, hai mẹ con Thúy ngồi đong đưa trên chiếc võng, kể về cảnh khó của gia đình. Rời quê miền Bình Định, bà Nguyễn Thị Đời cùng chồng dắt díu 4 đứa con vào Nao Quang mua đất trồng cà phê. Cuộc sống chưa ổn định thì tai nạn ập đến. Bà bị phỏng dầu. Tài sản trong nhà dần “đội nón” ra đi sau nhiều tháng điều trị. Vết bỏng dần lành, nhưng 5 sào cà phê và chút tài sản còn lại trong nhà thì đã “mất”. Cuộc sống gia đình từ đó rơi hẳn vào bế tắc. Không còn chủ động kinh tế, giờ bà Đời chỉ biết ngóng đợi làm thuê. “Ai thuê gì tôi làm nấy, không nề hà, miễn là có tiền đắp đổi qua ngày!” - bà Đời tâm sự. Tiền ăn không đủ, tiền học cho các con là điều không bao giờ mơ tới! Và, vì thế, Thúy cùng các anh phải ở nhà đi làm thuê cùng mẹ, thay vì tiếp tục được gửi ra thị trấn Lộc Thắng để học lên cao hơn. “Thấy con sáng dạ mà phải bỏ học giữa chừng, tôi cũng xót lắm, nhưng vì hoàn cảnh gia đình không có điều kiện nên đành chịu!” - Bà Đời nghẹn giọng.
Nao Quang chỉ có 92 hộ dân; trong đó, có khoảng 80 hộ là đồng bào DTTS Châu Mạ, còn lại là những hộ người Kinh từ khắp nơi dạt về vùng đất khó này để mong tìm chút cơ hội. Hầu hết đều sống bằng nghề trồng cà phê. Đất ở Nao Quang cũng ưu đãi với loại cây công nghiệp dễ làm giàu này, nhưng lại chẳng ai giàu nổi ở Nao Quang. Vì hết thảy đều nghèo, xuất phát điểm từ con số 0, thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất. Các hộ dân hầu như chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ cây trồng, con vật nuôi, phân bón từ Chương trình giảm nghèo 30a. Mùa thu hoạch cà phê, tư thương lặn lội vượt rừng vào Nao Quang mua cà phê, giá chỉ còn hơn phân nửa. Dăm hộ tiếc của, chất cà phê lên “Honda cày” ra chợ huyện, cũng bị ép giá. Năm 2012, toàn thôn còn đến 45 hộ nghèo, chiếm gần 50%.
Giấc mơ dang dở
Theo cha mẹ vào Nao Quang sinh sống từ nhỏ, Thúy cùng các anh chỉ được “xóa mù” đến lớp 4, nghĩa là chỉ biết cách đọc, viết, cộng trừ, nhân chia, và… chấm hết! Chấm hết cả một tương lai, chấm hết tất cả sự hy vọng đổi đời của gia đình Thúy. Cuộc sống ở Nao Quang bế tắc là vì thế. Hầu hết trẻ em ở Nao Quang đều thất học. Cả thôn gần trăm hộ dân thì chỉ có 1/4 trẻ em ở vùng trung tâm là được đến lớp. Gọi là lớp, chứ chẳng có phòng học đàng hoàng. Thầy và trò cả mấy năm trời phải chạy vòng vòng hết nhờ nhà này phòng ăn, đến nhà kia phòng khách… để ngồi học.
Mới năm 2012, từ nguồn vốn 135, UBND xã Lộc Phú xây cho Nao Quang 1 hội trường thôn - vốn là điểm sáng duy nhất có thể tìm thấy ở Nao Quang bây giờ. Và từ đó, lớp học được dời sang hội trường, ổn định và không sợ mưa gió. Nhưng thầy giáo Nguyễn Minh Nhuệ - một giáo viên tâm huyết được Phòng Giáo dục huyện Bảo Lâm cử vào Nao Quang để dạy chữ, vẫn chưa hài lòng: “Các em được dạy đến lớp 4, nhưng thực chất là chỉ căn bản “xóa mù” mà thôi, chứ so với trình độ lớp 4 phổ thông thì còn cách biệt lắm!”. Vì là xóa mù, nên lớp học của thầy Nhuệ đủ mọi lứa tuổi, từ những đứa trẻ nít con em đồng bào DTTS cho đến những đứa trẻ lớn người Kinh chưa biết chữ. Tất cả, đều được tiếp thu chung một kiến thức và “tốt nghiệp” lớp 4 chung một trình độ: Biết đọc, biết viết, biết cộng trừ, nhân chia… Thế thôi, nhưng lớp học của thầy Nhuệ cũng chỉ vươn đến xóm 1, xóm 2 (khoảng 20 em); còn xóm 3, xóm 4 (với hơn 60 hộ DTTS) cách đó 5 - 7 cây số cách trở, thì hoàn toàn vô vọng.
Trước thầy giáo Nhuệ, đã có 3, 4 giáo viên vào với Nao Quang, nhưng mỗi người chỉ trụ lại được 1 - 2 tháng rồi phải… ra đi! Tất cả, đều không thể chịu đựng được cái thiếu thốn, nghèo khó và xa xôi, cách trở của Nao Quang. Lòng yêu con trẻ dường như không thắng nổi cái nghiệt ngã của đói nghèo, lạc hậu. Học hết lớp 4 của thầy Nhuệ, nhà nào có điều kiện thì gửi con ra Lộc Phú hoặc Lộc Thắng ở trọ để tiếp tục học đến lớp 5. Còn lại (chiếm đa số) trẻ ở nhà, lên rẫy, rồi đến tuổi lấy vợ, lấy chồng, tiếp tục sinh ra những đứa con nheo nhóc, thiếu chữ.
Cuộc sống bế tắc, vô vọng cứ thế ở Nao Quang. Trao đổi với Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bảo Lâm, ông Lê Đức rất trăn trở về những khó khăn ở vùng sâu Nao Quang, nhưng hướng mở cho một tương lai tươi sáng hơn ở đây dường như cũng chỉ là “cử giáo viên vào xóa mù” và hỗ trợ bàn ghế, sách vở cho các em. Như vậy, nỗi khát khao con chữ ở Nao Quang vẫn mãi là giấc mơ dang dở!
TRỊNH CHU - HẢI UYÊN