Gương sáng một gia đình cựu chiến binh

03:07, 25/07/2013

Gia đình ông là một trong những gia đình cựu chiến binh (CCB) ở xã Phước Lộc (Đạ Huoai) thoát được nghèo và ngày càng khá giả. Đáng trân trọng hơn, hiện gia đình ông có 3 con gái đang theo học đại học. Đó chính là gia đình CCB K'Brớt (49 tuổi, ngụ tại thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc).

Gia đình ông là một trong những gia đình cựu chiến binh (CCB) ở xã Phước Lộc (Đạ Huoai) thoát được nghèo và ngày càng khá giả. Đáng trân trọng hơn, hiện gia đình ông có 3 con gái đang theo học đại học. Đó chính là gia đình CCB K’Brớt (49 tuổi, ngụ tại thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc).

Từ trái qua là Ka Bao’s, Ka Bích, Ka Bĩnh và vợ chồng CCB K’Brớt
Từ trái qua là Ka Bao’s, Ka Bích, Ka Bĩnh và vợ chồng CCB K’Brớt


Năm 1985, K’Brớt cùng với bao trai làng của buôn làng Tây Nguyên lên đường nhập ngũ, tham gia chống quân Fulro. Ngày đó, K’Brớt được phân công về Tiểu đoàn 186 (đóng tại Di Linh). Sau đó, ông cùng nhiều đồng đội đến Đăk Lăk tham gia “Chiến dịch truy quét tàn quân Fulro” giai đoạn 1985 – 1987.  Sau 3 năm tham gia quân đội, cuối năm 1987, K’Brớt xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình và bắt tay vào làm kinh tế.

Giờ đây, ông giữ vai trò là Trưởng thôn Phước Dũng, hội viên Hội CCB xã Phước Lộc và đại biểu HĐND xã. Ông được bà con trong thôn tín nhiệm “gởi gắm” làm Trưởng thôn từ năm 2011 đến nay. Với ông, sở dĩ được người dân tín nhiệm vì ông là một trong số ít người dân trong thôn chịu khó, nhanh nhẹn, biết làm ăn và nhiệt tình giúp đỡ bà con về kỹ thuật canh tác. Khi trở về với cuộc sống đời thường, ông còn là một cựu binh ham học hỏi trong sản xuất. Cách đây 3 năm, gia đình ông có 6 ha điều, nhưng phần lớn đã già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp. Được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước từ năm 2010 đến nay, gia đình ông đã chuyển đổi được 2 ha sang trồng 1 ha ca cao và 1 ha sầu riêng ghép. Riêng 4 ha điều còn lại, ông chủ động đưa chè vào trồng xen dưới tán điều. Đến nay, bằng nhiều nguồn từ chè, điều, chăn nuôi… mỗi năm gia đình ông có được thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Cựu binh K’Brớt chia sẻ: “Với người đồng bào DTTS như tôi, muốn thoát nghèo thì nên chủ động tìm cách học hỏi để áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình. Không lo làm ăn mà cứ ỷ lại vào xã hội thì chỉ có nghèo mãi thôi! Trong các cuộc họp thôn, tôi luôn khuyên bà con như vậy”.

Xuất thân từ một gia đình nghèo, cả ông và bà Ka Bông (vợ ông) từ nhỏ nghèo đói đã “phủ kín” không có cơ hội để đến trường học cái chữ. Nhưng, riêng bản thân ông vẫn tìm cách học bằng được cái chữ ngay trong môi trường quân đội. Nhờ vậy, ông rất chú trọng đến việc nuôi dạy các con. “Tôi ý thức rằng, dù ở hoàn cảnh nào, làm việc gì cũng đều cần đến tri thức. Từ đó, tôi luôn động viên các con mình hãy cố gắng học hành để sau này thoát được cái nghèo và góp một phần sức lực phục vụ cho xã hội” – Ông K’Brớt tâm sự. Rồi giờ đây, cả 3 con gái đã không phụ lòng ông. Hiện, ba người con của ông K’Brớt đang là sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng. Con gái đầu Ka Bích hiện là sinh viên năm thứ 5 Học viện Quân Y Hà Nội. Con gái thứ hai Ka Bao’s hiện là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Sư phạm Tây Nguyên. Con gái út Ka Bĩnh hiện là sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng Y Lâm Đồng.

Ka Bích chia sẻ: “Em là sinh viên đồng bào DTTS, lúc đầu ra Hà Nội học tập gặp rất nhiều khó khăn về cả lối sống, cách giao tiếp lẫn cả môi trường học tập... Nhưng nay, mọi chuyện đã khác, em đã hòa nhập. Trong tương lai, em là một bác sỹ quân y, nên em luôn tự bảo mình phải cố gắng học tập để xứng đáng với nghề và để bố mẹ vui. Em luôn động viên 2 em gái phải cố gắng học giỏi, không được phụ lòng bố mẹ lam lũ lo cho chúng em ăn học nên người…”.

KHÁNH PHÚC