LTS: Đại hội Đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Lâm Đồng lần thứ III (nhiệm kỳ 2013-2018) tiến hành trong 2 ngày 22-23/7/2013 tại thành phố Đà Lạt. Nhân dịp này, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn Bs Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Lâm Đồng về kết quả hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2009-2013.
LTS: Đại hội Đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Lâm Đồng lần thứ III (nhiệm kỳ 2013-2018) tiến hành trong 2 ngày 22-23/7/2013 tại thành phố Đà Lạt. Nhân dịp này, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn Bs Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Lâm Đồng về kết quả hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2009-2013.
PV: Xin Chủ tịch Hội đánh giá về công tác xây dựng Hội trong nhiệm kỳ II (2009-2013)?
Bs Nguyễn Đức Thành |
Bs Nguyễn Đức Thành: Trong nhiệm kỳ II (2009-2013), Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Lâm Đồng đã đạt được kết quả chủ yếu như sau: Hội tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm chăm sóc giúp đỡ nạn nhân da cam tốt hơn trong cuộc sống và góp phần đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong đó có nạn nhân da cam tỉnh Lâm Đồng với phía Hoa Kỳ. Đối với công tác xây dựng Hội, Hội đã tiến hành Đại hội Đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh lần thứ II (nhiệm kỳ 2009-2013) thành công. Tiến hành thông báo kết quả Đại hội và triển khai Nghị quyết Đại hội đến các cấp Hội trong tỉnh, xây dựng Quy chế làm việc của Ban chấp hành, Quy chế hoạt động của Ban kiểm tra và phân công Ban chấp hành khóa II, kiện toàn củng cố Ban chấp hành đi vào hoạt động có chất lượng và hiệu quả hơn. Toàn tỉnh hiện có 2.295 hội viên. Đối với cấp huyện, đến nay đã có 11/12 huyện Đại hội thành lập Hội, đạt tỷ lệ 91,5% tổng số huyện. Riêng huyện Lạc Dương chưa đủ điều kiện nên chưa thành lập, trong đó có 9 huyện, thành phố Đại hội lần II, 2 huyện Cát Tiên và Đam Rông Đại hội lần thứ I, từng bước đổi mới phương thức hoạt động nên đạt chất lượng hơn. Hội cấp tỉnh/huyện, thành phố được công nhận Hội xã hội mang tính đặc thù, riêng huyện Đam Rông thành lập sau chưa được công nhận. Đối với cấp xã, đã có 72/148 xã được thành lập Hội, đạt tỷ lệ 48,1% tổng số xã trong tỉnh, đã có 8 huyện, thành phố được thành lập Hội cấp xã, được UBND tỉnh phân cấp cho Chủ tịch UBND huyện, thành phố có thẩm quyền cho phép thành lập Hội cấp xã, phường, thị trấn từng địa phương.
PV: Bác sĩ cho biết thêm về kết quả chăm sóc giúp đỡ nạn nhân da cam?
Bs Nguyễn Đức Thành: Thời gian qua, số nạn nhân được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước đạt 2.192/2.594, đạt tỷ lệ 84,5% so với tổng số nạn nhân đạt tỷ lệ cao so với một số tỉnh trong vùng. Hội tổ chức thăm hỏi tặng quà cho nạn nhân vào dịp kỷ niệm "Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" 10/8 và tết cổ truyền dân tộc hằng năm gồm 3.500 suất, tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội cũng tiến hành một số việc: Xây dựng mới 24 căn nhà tình thương và sửa chữa 18 căn cho các nạn nhân với số tiền 472 triệu đồng. Xây dựng Trung tâm nuôi dạy con nạn nhân và trẻ em khuyết tật ở thành phố Bảo Lộc với số tiền 2,6 tỷ đồng, trong đó Trung ương Hội hỗ trợ 500 triệu đồng, đã khánh thành và đi vào hoạt động vào đầu tháng 5/2013, đón nhận 14 cháu nạn nhân và khuyết tật đến chăm sóc là sự nỗ lực cố gắng của Hội thành phố Bảo Lộc, đồng thời là 1/20 trung tâm trong cả nước. Vay vốn để hỗ trợ sản xuất cho 60 hộ nạn nhân tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Cấp 135 xe lăn cho nạn nhân tập luyện, mổ mắt đục thủy tinh thể cho 110 nạn nhân, tổng số tiến hỗ trợ 395 triệu đồng. Khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho trên 300 nạn nhân với số tiền 42 triệu đồng. Hỗ trợ kinh phí cho các bếp ăn từ thiện và làm nẹp chân tay giả cho các cháu khuyết tật, hỗ trợ kinh phí chữa bệnh cho nạn nhân với tổng số tiền chi là 54 triệu đồng. Tặng vở cho học sinh ở các trường học tại huyện Đơn Dương và thành phố Đà Lạt, số tiền hơn 45 triệu đồng.
Tổng kinh phí chi cho các chương trình giúp đỡ chăm sóc nạn nhân gần 5 tỷ đồng, đây là sự cố gắng lớn của Hội thành phố Bảo Lộc và các cấp Hội trong tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Ngoài ra, Hội còn vận động quyên góp ủng hộ của các tổ chức cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và nhà tài trợ gần 5 tỷ đồng để giúp đỡ chăm sóc nạn nhân cho các chương trình trên.
Để đạt những kết quả công tác trên là do sự cố gắng nỗ lực của các tập thể và cá nhân trong các cấp Hội. Do đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Lâm Đồng được UBND tỉnh tặng Bằng khen; Tỉnh Hội Lâm Đồng, UBND, UBMTTQVN các huyện/thành phố tặng Giấy khen cho 60 tập thể và hơn 100 cá nhân có thành tích xuất sắc.
Tuy nhiên, ngoài kết quả đạt được cũng còn những khuyết điểm tồn tại cần khắc phục: Công tác giáo dục tuyên truyền chưa làm thường xuyên, chưa tiến hành khảo sát thống kê đầy đủ cho các nạn nhân toàn tỉnh, các chương trình chăm sóc giúp đỡ cho nạn nhân da cam cần phải đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn, tổ chức Hội ở tuyến cơ sở mới hình thành đạt gần 50% tổng số xã. Công tác vận động quyên góp ủng hộ vật chất xây dựng quỹ Hội để chăm sóc cho nạn nhân chưa đạt kế hoạch đề ra, các hoạt động của tổ chức Hội chưa đều tay cần phải làm tốt hơn và cải tiến nhiều hơn trong nhiệm kỳ mới.
PV: Xin cảm ơn Chủ tịch Hội và chúc Đại hội lần thứ III (2013-2018) thành công tốt đẹp!
PV (Thực hiện)