Mạng lưới tiếp cận liên quan đến dự phòng và điều trị HIV ngày càng mở rộng tại Lâm Đồng. Các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tổ chức tư vấn, xét nghiệm tự nguyện cho phụ nữ mang thai tại các cơ sở y tế đều dễ tiếp cận, đảm bảo nguyên tắc bí mật và hoàn toàn miễn phí.
Mạng lưới tiếp cận liên quan đến dự phòng và điều trị HIV ngày càng mở rộng tại Lâm Đồng. Các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tổ chức tư vấn, xét nghiệm tự nguyện cho phụ nữ mang thai tại các cơ sở y tế đều dễ tiếp cận, đảm bảo nguyên tắc bí mật và hoàn toàn miễn phí.
2 năm qua Lâm Đồng không có trường hợp trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ người mẹ có “H”. Trong ảnh: Nữ điều dưỡng tắm cho trẻ sơ sinh tại Khoa Sản Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt |
Lâm Đồng có 2 điểm xét nghiệm HIV tự nguyện đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh và Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc; 3 cơ sở điều trị cho người nhiễm HIV tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng và Trung tâm Y tế Đức Trọng; 4 cơ sở điều trị cung cấp dịch vụ trọn gói cho chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng, Trung tâm Y tế Đạ Huoai; chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phủ kín toàn tỉnh tại tất cả các khoa sản của 2 bệnh viện đa khoa tỉnh, 12 trung tâm y tế và 148 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, Lâm Đồng có 2 Labo xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp nhiễm HIV do Bộ Y tế công nhận, đó là: Phòng xét nghiệm của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (đủ điều kiện được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính theo Quyết định số 1648/QĐ-BYT ngày 10/5/2013) và Labo xét nghiệm của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh.
Hiện nay, tại các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều tổ chức hoạt động tư vấn và lấy mẫu để chuyển mẫu lên Trung tâm Y tế huyện, thành phố xét nghiệm HIV và trả lời kết quả. Các khoa sản bệnh viện tuyến huyện, tỉnh làm công tác sàng lọc HIV cho phụ nữ có thai đến sinh mà chưa làm xét nghiệm ở xã. Tất cả các dịch vụ: tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tư vấn cách chăm sóc trẻ khi mẹ bị nhiễm HIV, chương trình hỗ trợ sữa nuôi con (thay thế cho sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu) cho những trẻ sinh ra từ mẹ có HIV đều miễn phí.
Trong tháng 6 năm 2013, các cơ sở y tế Lâm Đồng thực hiện 4.055 mẫu xét nghiệm phát hiện 12 trường hợp nhiễm HIV mới, nâng tổng số toàn tỉnh có 2.028 trường hợp nhiễm HIV; không có trường hợp chuyển AIDS mới (tích lũy: 416 trường hợp); có 1 trường hợp tử vong do AIDS (tích lũy: 275 trường hợp); tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho 75 khách hàng phát hiện 5 trường hợp dương tính. Điều trị người nhiễm HIV bằng thuốc kháng ARV cho 158 bệnh nhân, trong đó có 6 trẻ em.
Theo số liệu tích lũy, phụ nữ nhiễm HIV có 270 trường hợp, chiếm 18% số người mắc trong toàn tỉnh. Trong đó, phụ nữ mang thai nhiễm HIV là 59 trường hợp, 16 trẻ em bị nhiễm HIV. Trong thực tế, phụ nữ và trẻ em bị nhiễm HIV còn cao hơn nhiều, do trước đây các bà mẹ không tiếp cận được các dịch vụ phòng lây nhiễm và trẻ em sinh ra bị chết hoặc không được phát hiện để điều trị. Thách thức của HIV không chỉ khoanh vùng ở nhóm người nghiện chích ma túy, mại dâm, mà đã lây nhiễm sang cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đa số phụ nữ có thai nhiễm HIV phát hiện muộn, chỉ được phát hiện khi chuyển dạ tại các cơ sở y tế, nên đã xảy ra sự lây truyền HIV từ mẹ sang con. Do vẫn còn sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS, nên việc quản lý bà mẹ nhiễm HIV và trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV còn gặp nhiều khó khăn.
BS Bùi Văn Lượng - Trưởng khoa Chăm sóc và Điều trị HIV/AIDS, thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng cho biết: Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con triển khai từ năm 2009 trên phạm vi toàn quốc. Nhờ vậy, nhiều năm qua Lâm Đồng đều thực hiện vượt chỉ tiêu 70% phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm tự nguyện. Riêng 5 tháng của năm 2013 có 11.599 phụ nữ có thai xét nghiệm HIV trên chỉ tiêu cả năm là 17.000 người, còn năm 2012 việc xét nghiệm cho phụ nữ có thai tăng đến 27.000 người. Qua xét nghiệm, đã phát hiện 6 ca phụ nữ có thai dương tính với HIV và đưa vào điều trị phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con 11 trường hợp (có 5 ca âm tính), cấp sữa thay thế cho 5 trẻ em, 2 ca trẻ em được xét nghiệm HIV âm tính. Năm 2010 - 2011 có 2 trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV, trong đó có 1 ca ngoài tỉnh và 1 ca trong tỉnh do người mẹ chưa tiếp cận điều trị dự phòng. Hai năm gần đây, Lâm Đồng không có trường hợp trẻ con sinh ra bị nhiễm HIV từ người mẹ có HIV, nếu tiếp tục duy trì thành quả này thì Lâm Đồng sẽ đạt mục tiêu loại trừ hoàn toàn tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015.
AN NHIÊN