Sự đồng điệu của tâm hồn

09:07, 25/07/2013

(LĐ online) - Câu chuyện của 3 người phụ nữ tuổi trung niên ở Đức Trọng đều là con liệt sĩ, làm công tác Hội Phụ nữ và đều có con bị mất do tai nạn giao thông. Không có nước mắt, chỉ có sự chịu đựng và nghị lực phi thường, giống như câu nói: "Nụ cười của người phụ nữ nhẫn nhịn có thể làm tan sỏi đá" .

(LĐ online) - Câu chuyện của 3 người phụ nữ tuổi trung niên ở Đức Trọng đều là con liệt sĩ, làm công tác Hội Phụ nữ và đều có con bị mất do tai nạn giao thông. Không có nước mắt, chỉ có sự chịu đựng và nghị lực phi thường, giống như câu nói: “Nụ cười của người phụ nữ nhẫn nhịn có thể làm tan sỏi đá” .

* Chị Nguyễn Thị Thanh Loan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hiệp Thạnh

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng của quê hương Mộ Đức - Quảng Ngãi, bà nội chị Loan là Mẹ VNAH Phạm Thị Đó có 3 liệt sĩ. Trong đó bố của chị và người chú ruột cùng hy sinh trong trận đánh tại khu vực hồ Than Thở - Đà Lạt năm 1968 khi ấy chị Loan mới tròn 5 tuổi. Mẹ chị là bà Lê Thị Nhung làm cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng ở xã Xuân Trường và là một tù chính trị trung kiên, sau giải phóng đất nước năm 1975 bà làm công tác phụ nữ ở xã Xuân Trường cho đến năm 1986 thì nghỉ hưu.

Tiếp bước đường của mẹ, chị Loan làm công tác Hội Phụ nữ từ năm 1997 đến nay, góp phần xây dựng phong trào phụ nữ xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng) xuất sắc 15 năm liền. Là phụ nữ đơn thân nuôi mẹ già năm nay 75 tuổi và 2 đứa con nên người, nhưng tai họa ập đến khi đứa con trai đầu lòng 23 tuổi mất đi do tai nạn giao thông cách đây 5 năm. Nỗi đau mất mát làm chị suy sụp cộng với cuộc sống kinh tế gia đình bộn bề khó khăn tưởng như chị gục ngã. Chị Loan tâm sự: “Những lúc khó khăn tôi luôn nghĩ đến con đường bố mẹ đi trước để không nản lòng. Truyền thống gia đình giúp tôi có nghị lực, đảm đang vượt mọi khó khăn, không sao nhãng công việc xã hội”.

Thăm ngôi nhà tạm của chị Loan ở Tổ 11A, thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh thật đơn sơ, bức tường gỗ đầy ắp những bằng khen, phần thưởng cho một đời tâm huyết của chị với công tác phụ nữ và các phong trào tuyên truyền dân số, pháp luật. Chị Loan khoe có 1 mẫu vườn mít trồng 1.000 gốc đang vào mùa thu hoạch đầu tiên nên cuối tuần chị đi làm vườn để tăng thu nhập. Chị Loan vận động hội viên đóng góp xây dựng được 5 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo trong xã nhưng không nghĩ dành phần cho mình.

Chị Đặng Thị Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Đức Trọng (ngồi bên trái) và chị Nguyễn Thị Thanh Loan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hiệp Thạnh (ngồi bên phải) trong ngôi nhà tạm đầy ắp bằng khen của chị Loan
Chị Đặng Thị Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Đức Trọng (ngồi bên trái) và chị Nguyễn Thị Thanh Loan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hiệp Thạnh (ngồi bên phải) trong ngôi nhà tạm đầy ắp bằng khen của chị Loan


* Chị Đặng Thị Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Đức Trọng

Chị Hiệp có bố hy sinh năm 1968 khi chị mới 2 tháng tuổi. Chị kể rằng: Gia đình tôi có người bác ruột chống Pháp hy sinh ở vùng Bình Thuận và bố chống Mỹ hy sinh ở vùng rừng Lạc Dương nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra mộ của 2 người thân. Mẹ chị, bà Trần Thị Thiệt đang sống ở xã Xuân Thọ (Đà Lạt) thờ cúng 2 liệt sĩ  là chồng và anh chồng.

Lập nghiệp tại thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng), gia đình chị Hiệp có kinh tế ổn định nhưng nỗi đau mất mát vẫn khôn nguôi khi đứa con trai 18 tuổi qua đời do tai nạn giao thông. Qua 10 năm làm công tác Hội Phụ nữ và 10 năm vận động Dân số -KHHGĐ, chị Hiệp trở thành con người của phong trào thường xuyên gần gũi với chị em ở cơ sở. Chị Hiệp cũng tranh thủ thời gian không ngừng học tập vươn lên, học qua lớp Trung cấp y, rồi học Đại học khoa học xã hội và nhân văn, học cao cấp lý luận chính trị. Chị Hiệp tâm sự: “Tôi tâm đắc lời mẹ dạy 4 anh em tôi rằng: Ba các con mất rồi, nỗi buồn còn đó, biết đó. Do chiến tranh ba chết vinh vì giữ nước, đó là niềm tự hào, các con không nên đòi hỏi gì hơn. Mẹ tôi là người có công cách mạng, gia đình liệt sĩ nhưng xây dựng nhà tình nghĩa mẹ ưu tiên cho người khác vì nghĩ trong xã hội còn nhiều người khổ hơn mình. Và riêng tôi không thích xét vớt là con liệt sĩ nên cố gắng học cho đủ điểm, trong công tác xã hội cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

* Chị Trịnh Thị Hoàng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liên Hiệp

Chị Trịnh Thị Hoàng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liên Hiệp đang cho tằm ăn
Chị Trịnh Thị Hoàng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liên Hiệp đang cho tằm ăn

Quê gốc Bình Định, cha chị Hoàng hy sinh năm 1968 khi chị mới chập chững biết đi. Mẹ chị, bà Trương Thị Mười một mình nuôi 3 con nhỏ và nuôi giấu cán bộ cách mạng nằm vùng. Khi đất nước thống nhất năm 1975 bà tham gia công tác phụ nữ xã và chị Hoàng nối tiếp sự nghiệp của mẹ cũng năng nổ nhiệt tình trong công tác phụ nữ trở thành người cán bộ Hội làm kinh tế giỏi.

Lập gia đình từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Hoàng làm thuê làm mướn, tích lũy dần, cố gắng vươn lên, không nghĩ là con liệt sĩ mà ỉ lại vào nhà nước. Từ chỗ không nhà cửa, ruộng vườn, gia đình chị Hoàng đã có cơ ngơi vững vàng nhờ công việc lao động của các thành viên trong nhà chị không bao giờ ngơi nghỉ. Trong chuồng nuôi 19 con heo thịt và 3 con heo nái, 8 con heo con. Gian nhà trên chỉ để thờ người con trai mất do tai nạn giao thông lúc 22 tuổi cách đây 5 năm và dành không gian nuôi tằm. Gắn với nhà là vườn với 2 sào trồng dâu và 4 sào trồng rau các loại: cà chua, đậu ve, cà rốt, sú.

Chị Hoàng luôn tất bật với việc xã, việc nhà, không có thời gian rảnh rỗi. Một ngày làm việc của chị bắt đầu 5 giờ sáng cho tằm ăn, heo ăn và hái cà chua, 7 giờ làm việc Hội phụ nữ xã, 9 giờ đêm chị còn cho tằm ăn và kết thúc công việc lúc 11 giờ đêm. Làm công tác Hội phụ nữ từ năm 1996 đến nay, công việc không chỉ trong giờ hành chính, chị Hoàng thường đi cơ sở vào ban đêm để gặp gỡ vận động hội viên tham gia tích cực các phong trào. Bản thân chị sắp xếp công việc gia đình và xã hội thật khoa học để hoàn thành tốt mọi việc. Chị Hoàng cho biết: “Với tôi công việc Hội và phát triển kinh tế gia đình là 2 nhiệm vụ đều chính. Nếu chỉ chăm lo công việc Hội mà không quan tâm đến gia đình thì cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Ngược lại, nếu chị em không vươn ra xã hội để học hỏi thì không thể tiến bộ và bình đẳng giới”. 

DIỆU HIỀN