Từ sự buông lỏng quản lý

03:07, 30/07/2013

Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Đam B'ri (Bảo Lâm) hiện quản lý 13.800 ha rừng. Do buông lỏng công tác quản lý, nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra trong nhiều năm nay...

Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Đam B’ri (Bảo Lâm) hiện quản lý 13.800 ha rừng. Do buông lỏng công tác quản lý, nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra trong nhiều năm nay. Một số cán bộ, đảng viên trong đơn vị thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng nhiệm vụ được giao để tham nhũng, trục lợi bất chính, dẫn đến vi phạm pháp luật. Hệ quả là Ban QLRPH Đam B’ri không hoàn thành nhiệm vụ và Chi bộ Đảng bị xếp loại yếu kém trong 2 năm liền (2011 - 2012).

Với diện tích rừng đang quản lý, Ban QLRPH Đam B’ri đã giao khoán cho người dân địa phương (chủ yếu là đồng bào DTTS) quản lý bảo vệ (QLBV) và 41 doanh nghiệp (DN) thuê đất, thuê rừng. Rừng ở đây đã có “chủ”, nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng thường xuyên xảy ra. Ông Vũ Hồng Hiếu - Trưởng Ban Quản lý, Bí thư Chi bộ Ban QLRPH Đam B’ri, cho biết: Chỉ tính trong thời gian 2 năm (2011 - 2012), đơn vị đã lập 12 kế hoạch truy quét tại các tiểu khu thường xảy ra vi phạm lâm luật. Thực hiện những kế hoạch đó, trong 2 năm qua, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 192 vụ vi phạm lâm luật, thu hồi gần 60 m3 gỗ các loại, tạm giữ 1 xe ô tô, 164 xe máy, 21 máy cưa, 5 cái rìu… chuyển các cơ quan chức năng để xử lý. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tham gia truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, đào đãi khoáng sản trái phép. Riêng trong những tháng đầu năm 2013, đơn vị tổ chức 3 đợt truy quét và tiến hành giải tỏa những điểm “nóng” phá rừng tại xã Lộc Tân và Lộc Phú…

Đó là những vụ việc đã được Ban QLRPH Đam B’ri phát hiện và lập biên bản. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, trên thực tế số vụ việc vi phạm và mức độ thiệt hại chắc hẳn là cao hơn. Một thực trạng rất phổ biến xảy ra trên địa bàn rừng do Ban QLRPH Đam B’ri quản lý, là việc lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp. Trong 2 năm 2011 - 2012 và những tháng đầu năm 2013, đơn vị đã phối hợp tổ chức giải tỏa, thu hồi hơn 365 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép (trong đó có một số diện tích giải tỏa lần 2, lần 3 do tái lấn chiếm), nhưng chỉ mới tổ chức trồng lại 129,7 ha rừng trên diện tích đã giải tỏa.

Theo ông Vũ Hồng Hiếu: “Việc giải tỏa và tổ chức trồng lại rừng là công việc hết sức khó khăn, phức tạp. Một phần, do từ những năm 2009 trở về trước, đơn vị không nhận được kinh phí trồng rừng, nên tình trạng người dân lén lút lấn chiếm, rồi tái lấn chiếm thường xảy ra. Đến năm 2010, Ban QLRPH mới nhận được chỉ tiêu của UBND tỉnh giao cho đơn vị trồng 50 ha rừng trên diện tích đất lâm nghiệp giải tỏa. Trong quá trình triển khai giải tỏa trồng lại rừng, đơn vị luôn gặp phải sự chống đối, phá hoại và khiếu kiện từ phía người dân vi phạm. Trước tình hình đó, đơn vị phải liên tục tổ chức các tổ, đội hỗ trợ, bảo vệ công tác trồng rừng…”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2012 và 2013, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã có rừng (Lộc Nam, Lộc Thành, Lộc Tân, B’Lá, Lộc Phú, Lộc Ngãi và thị trấn Lộc Thắng) xây dựng quy chế phối hợp QLBV rừng. Tuy nhiên, trên thực tế những “quy chế phối hợp” đó và ngay cả “quy chế phối hợp” QLBV rừng giữa huyện Bảo Lâm với các huyện giáp ranh Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) và Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Di Linh vẫn còn nằm trên giấy. Hay nói cách khác, công tác QLBV rừng ở đây gần như đã bị buông lỏng! Đơn cử tại xã Lộc Phú, một địa bàn có diện tích rừng khá rộng và có tới 13 đơn vị Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân được cấp phép QLBV và phát triển vốn rừng. Nhưng việc quản lý rừng ở đây hết sức lỏng lẻo. Ông Nguyễn Văn Châu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, trao đổi với chúng tôi: Các đơn vị chủ rừng và các doanh nghiệp được giao đất, giao rừng trên địa bàn xã không có sự hợp tác với địa phương trong việc QLBV rừng, để rừng bị xâm hại. Do buông lỏng quản lý, ngoài “lâm tặc” và người dân địa phương, còn có một số cán bộ, đảng viên của xã vi phạm đến rừng và đất lâm nghiệp, đã bị xử lý kỷ luật.

Rừng do Ban QLRPH Đam B’ri quản lý có tới 29 tiểu khu, trải rộng trên địa bàn 8 xã, thị trấn của huyện Bảo Lâm và giáp ranh với 5 huyện, thành phố. Đơn vị hiện có 39 cán bộ (kể cả công nhân viên và lao động hợp đồng). Việc buông lỏng QLBV rừng cũng do hệ quả từ buông lỏng quản lý cán bộ. Trong 2 năm qua, Ban QLRPH Đam B’ri đã có tới 10 cán bộ vi phạm kỷ luật; trong đó, có 2 cán bộ vi phạm đã bị truy tố trước pháp luật và 8 cán bộ bị khiển trách, hạ bậc lương. Và, điều đáng nói là Chi bộ Ban QLRPH Đam B’ri chỉ có 14 đảng viên, nhưng đã có 3 đảng viên vi phạm kỷ luật; trong đó, có 1 đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt Đảng. Có lẽ đây là đơn vị có tỷ lệ cán bộ vi phạm kỷ luật tới mức “kỷ lục”! Chính vì vậy, trong 2 năm liền (2011 - 2012), Ban QLRPH Đam B’ri không hoàn thành nhiệm vụ và Chi bộ Đảng bị xếp loại yếu kém.

Ghi nhận từ Báo cáo số 12/BC-CB ngày 6/5/2013 của Chi bộ Ban QLRPH Đam B’ri, chúng tôi được biết: “Phần lớn những vi phạm của cán bộ, đảng viên xảy ra chủ yếu là vào thời gian trước đây. Khi đơn vị tăng cường công tác QLBVR (nhất là việc giải tỏa đất rừng), thì một số vụ việc mới được bộc lộ ra, do phản ánh và đơn tố cáo từ phía người dân vi phạm”. Như vậy, hiện tượng tiêu cực trong công tác QLBVR ở đây đã phát sinh từ lâu, nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời và có sự dung túng, bao che! Không những thế, tại buổi làm việc gần đây với Chi bộ Ban QLRPH Đam B’ri, ông Trần Văn Hiệp - Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm, khẳng định: “Cán bộ trong đơn vị đã có sự tiếp tay cho lâm tặc”. Từ sự trì trệ nói trên, “UBND huyện cần xem xét để củng cố, thay đổi bộ máy cán bộ Ban QLRPH Đam B’ri” - Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm yêu cầu. Trước đó, ngày 2/5/2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm đã có Kết luận số 62 - KL/HU về “Một số nhiệm vụ, giải pháp củng cố, xây dựng Chi bộ Ban QLRPH Đam B’ri. Thiết nghĩ, Kết luận này cần nhanh chóng trở thành hiện thực để sớm “vực dậy” Ban QLRPH Đam B’ri và rừng ở đây bớt… “nóng”!

XUÂN LONG