Thị trường lao động tại Lâm Đồng vẫn trong "cơn khát" khan hiếm về lao động phổ thông và lao động công nhân kỹ thuật.
Thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2013 vẫn diễn biến theo chiều hướng còn nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, việc tái cấu trúc doanh nghiệp, tinh gọn bộ máy nhân sự vẫn tiếp tục diễn ra. Thị trường lao động tiếp tục nghịch lý về nhu cầu tuyển dụng và tìm việc (đó là nhận định khái quát của cơ quan chức năng về vấn đề này).
Lao động kỹ thuật, lao động phổ thông: cầu vượt cung
Khảo sát của Trung tâm Giới thiệu việc làm Lâm Đồng: Trong quý I/2013, số lượng đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm GTVL là 159 đơn vị, doanh nghiệp với 9.761 lao động cần tuyển dụng, giảm 11% so với cuối năm 2012, nhu cầu tuyển đa phần là lao động kỹ thuật, lao động phổ thông và trình độ trung cấp. Thị trường lao động tại Lâm Đồng vẫn trong “cơn khát” khan hiếm về lao động phổ thông và lao động công nhân kỹ thuật. Một số ngành nghề “hot”, dễ tìm việc nhất hiện nay theo biểu đồ phân tích của cơ quan chức năng lại là các ngành quản lý hành chính, văn phòng, kinh doanh, marketing, bán hàng, xây dựng, kiến trúc, thiết kế, giao thông, điện, điện tử, cơ khí, du lịch, nhà hàng, khách sạn… nhưng nguồn lao động lại không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp này.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm tại Trung tâm GTVL có 3.362 lao động đăng ký tìm việc, số người được giới thiệu việc làm là 1.764 người, số người đăng ký thất nghiệp là 1.630 người (tăng so với năm trước). Ông Nguyễn Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm cho biết: Qua số liệu thống kê, nguồn cung hiện chưa tìm được việc làm trong 6 tháng đầu năm 2013 và số lao động đăng ký tìm việc trong quý II sẽ tăng cao so với đầu năm. Nguồn cung đăng ký đi làm việc ở nước ngoài cũng vẫn tăng, nhất là ở những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Đài Loan vốn rất được người lao động ưa chuộng.
Đại học, cao đẳng vẫn khó tìm việc
Những năm gần đây, do tình hình kinh thế giới và trong nước tiếp tục gặp khó khăn, vấn đề việc làm cũng khá nan giải, người lao động thất nghiệp hoặc thu nhập sụt giảm, đời sống bấp bênh. Tại Lâm Đồng, qua số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tình hình lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tuyển dụng đều giảm, số người đăng ký tìm việc tăng, các ngành khó có cơ hội tìm việc làm vẫn là lao động có trình độ cao (đại học, cao đẳng…).
Thực tế hiện nay, các nhóm ngành tin học, công nghệ thông tin, viễn thông, kế toán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hóa thực phẩm, KCS, nông nghiệp, nông lâm, sinh học, giáo viên, bảo vệ, lái xe, vệ sĩ… cơ hội tìm việc làm ổn định ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tình trạng tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu vẫn là định hướng mà các đơn vị, doanh nghiệp hướng đến trong giai đoạn này.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường lao động, việc ra đời và đi vào hoạt động “Sàn giao dịch việc làm” vào ngày 10 hằng tháng tại 245 Phan Đình Phùng, thành phố Đà Lạt từ năm 2009 đến nay đã cho thấy hướng giải quyết việc làm khá khả thi; góp phần làm minh bạch thị trường lao động, đẩy lùi một số tệ nạn, tiêu cực, lừa đảo trong giới thiệu việc làm. Được biết, hoạt động của sàn giao dịch thu hút từ 30 - 50 doanh nghiệp với khoảng 300 - 500 lao động tham gia, 700 - 750 lượt truy cập website, có khoảng 150 - 200 lao động được giới thiệu việc làm. Định hướng kết nối với cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ – TB & XH, phát triển thành kênh thông tin chính thức dành cho người lao động, từng bước tổ chức các sàn vệ tinh ở các huyện, thành phố trong tỉnh, tổ chức liên kết với các trung tâm vùng để làm phong phú nhiều lựa chọn việc làm cho người lao động là những định hướng mà Trung tâm GTVL Lâm Đồng đang nỗ lực trong thời gian sớm nhất. Đây là cầu nối an toàn giữa doanh nghiệp và người lao động, là kênh thông tin chính thống mà người lao động nên lựa chọn để tìm kiếm cơ hội việc làm, XKLĐ tốt nhất cho mình trong thời điểm hiện nay.
Nguyệt Thu