5 năm thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", tổng số trường đăng ký tham gia phong trào là 695/695 trường. Hầu hết các trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp, an toàn, thu hút học sinh đến trường.
Với mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài trường học để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác và sáng tạo của học sinh, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là sự cụ thể hóa của phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” mà ngành Giáo dục Lâm Đồng triển khai thực hiện 5 năm qua. Đây cũng là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là bồi dưỡng tình cảm, giáo dục đạo đức, giá trị sống và kỹ năng sống của học sinh.
Các hoạt động ngoại khóa giúp xây dựng môi trường giáo dục thân thiện |
5 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tổng số trường đăng ký tham gia phong trào là 695/695 trường. Hầu hết các trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp, an toàn, thu hút học sinh đến trường. Cảnh quan, khuôn viên, các công trình vệ sinh, tường rào, cổng trường được các trường chỉnh trang tạo môi trường sư phạm thân thiện trong nhà trường. 100% trường đã phối hợp với các ngành, đơn vị thực hiện tốt việc đảm bảo “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh và không còn tình trạng học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sách vở. Trong 5 năm qua, toàn ngành Giáo dục đã nhận đỡ đầu bằng nhiều hình thức cho trên 1.200 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sở GD & ĐT và Công đoàn ngành đã vận động CB, GV, HS - SV quyên góp tiền, sách vở, đồ dùng học tập ủng hộ vùng sâu, vùng xa với số tiền gần 2,7 tỷ đồng, gần 40.000 cuốn vở, 10.000 cây viết, hơn 3.000 bộ quần áo và 5.600 đồ dùng học tập các loại. Chất lượng dạy và học trong các nhà trường đã có chuyển biến, việc dạy và học hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh, giúp các em tự tin trong học tập. Số học sinh bỏ học năm học 2012 - 2013 chiếm tỷ lệ 0,68%, giảm 0,1% so với năm học trước. 100% trường đã ứng dụng CNTT trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hoạt động giáo dục cho học sinh. Số giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo giảm theo hàng năm, số giáo viên giỏi từ cấp huyện trở lên năm sau cao hơn năm trước.
Một trong những nội dung mà phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” hướng đến là phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của giáo viên và học sinh trong quá trình giáo dục. Việc lồng ghép Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, bằng tấm gương thực tiễn và bằng hành động cụ thể của thầy, cô giáo trong nhà trường để lôi cuốn, thuyết phục học sinh, qua đó, nhằm tôn vinh những tấm gương sáng trong ngành và xử lý kịp thời những hiện tượng vi phạm. Sở GD & ĐT đã chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh như tổ chức thi và giới thiệu các bài giảng điện tử hay, đổi mới cách ra đề thi (nhất là các môn tự luận) theo hướng đề “mở” để giảm bớt yêu cầu học sinh học thuộc lòng một cách máy móc, đồng thời phát huy tính sáng tạo, khả năng tổng hợp và vận dụng kiến thức, bước đầu được bày tỏ chính kiến của học sinh gắn với các vấn đề thời sự của địa phương, đất nước. Việc tổ chức các cuộc thi làm đồ dùng dạy học tại các địa phương và phong trào mỗi cán bộ, giáo viên có ít nhất một sáng kiến đã trở thành phổ biến ở khắp các nhà trường.
Rèn luyện kỹ năng sống của học sinh cũng là nội dung được triển khai trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Sở GD & ĐT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, tập huấn về giáo dục sống khỏe mạnh, phòng chống tội phạm ở trẻ vị thành niên, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực học đường, tư vấn chăm sóc sức khỏe vị thành niên cho học sinh THCS, THPT… Bên cạnh đó, việc tăng cường giáo dục các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng cho học sinh cũng được chú trọng. Hầu hết các trường đã tổ chức các hoạt động “Về nguồn”, thi hát dân ca, sinh hoạt tập thể vui tươi lành mạnh. Việc đưa các trò chơi dân gian vào sinh hoạt các dịp lễ, tết, cắm trại, dã ngoại… có tác dụng phát triển tình cảm thân thiện, hòa nhã, yêu thương gắn bó, tinh thần trách nhiệm của thầy, cô giáo đã tạo sự tự tin tưởng nơi học sinh và phụ huynh học sinh.
TUẤN HƯƠNG