Từ tháng 7/2012, tỉnh Lâm Đồng triển khai thí điểm chi trả trợ cấp xã hội (TCXH) thông qua dịch vụ bưu điện. Hiện toàn tỉnh có hơn 26,1 ngàn thuộc đối tượng này, số tiền chi trả mỗi năm gần 100 tỷ đồng. Sau một năm triển khai, nảy sinh những vấn đề rất cần sự chia sẻ nhiều từ các bên để cùng tháo gỡ: dịch vụ chi trả, cơ quan quản lý, ngành tài chính và cả chính đối tượng thụ hưởng.
Từ tháng 7/2012, tỉnh Lâm Đồng triển khai thí điểm chi trả trợ cấp xã hội (TCXH) thông qua dịch vụ bưu điện. Hiện toàn tỉnh có hơn 26,1 ngàn thuộc đối tượng này, số tiền chi trả mỗi năm gần 100 tỷ đồng. Sau một năm triển khai, nảy sinh những vấn đề rất cần sự chia sẻ nhiều từ các bên để cùng tháo gỡ: dịch vụ chi trả, cơ quan quản lý, ngành tài chính và cả chính đối tượng thụ hưởng.
Đọc báo ở Bưu điện văn hóa xã Gia Bắc (Di Linh) - Ảnh: Bùi Trưởng |
Trước hết, phải khẳng định chủ trương chi trả TCXH qua dịch vụ tránh được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tách bạch giữa đơn vị lập hồ sơ và đơn vị đảm nhận chi trả là hướng đến tính minh bạch, khách quan và chặt chẽ trong quản lý. Mặt khác, chi trả TCXH là lĩnh vực không dễ dàng và nhạy cảm.
Theo Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Lâm Hà Lưu Đức Nam, khi chi trả TCXH từ dịch vụ, do nhân viên chi trả chưa nắm được các chính sách nên không thể giải thích được cho người nhận; vì vậy, đối tượng phải trở lại phòng chuyên môn để được giải đáp. Mặt khác, khi cán bộ thương binh xã hội (TBXH) của xã không còn đảm nhận chi trả nên việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để chia sẻ tháo gỡ cùng đối tượng ít đi… Một trong những mấu chốt mà nhiều cán bộ ngành LĐTB-XH nêu là vấn đề quyền lợi của ngành này, nhất là so với trước, nay mức thù lao cho người chi trả tăng bình quân gấp 4-5 lần (trích 1,5% tổng chi trả). Trưởng phòng LĐTB-XH thành phố Đà Lạt Lê Ngọc Lộc phân tích: Để chi trả được cho một đối tượng là cả quy trình dài, từ khảo sát đến lập hồ sơ của cán bộ TBXH của phường, xã và phòng nhưng kinh phí chỉ trả cho dịch vụ còn phía ngành TBXH không có là thiếu hợp lý. Vấn đề là phải hài hòa giữa trách nhiệm và quyền lợi đôi bên. Vì vậy, cán bộ TBXH cơ sở lơ là, thiếu mặn mà với công việc và dẫn đến những bất hợp lý trong quá trình chi trả. Ví dụ ở Đà Lạt, đối tượng đã mất, nhưng không lập danh sách mới, nên vẫn chi; ngược lại, trường hợp 3 tháng chưa nhận nhưng phía dịch vụ chi trả lại báo… đã mất (do quá trình lẫn lộn nhập liệu)…
Theo bà Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, hiện toàn tỉnh có 176 điểm chi trả, mạng lưới bưu cục mở rộng nên thuận lợi cho người nhận. Qua số liệu thống kê chi trả 6 tháng đầu năm 2013 từ Bưu điện tỉnh của 12 huyện, thành phố, xin nêu một vài dẫn chứng. Huyện Cát Tiên, tháng 5 đạt 99% số người nhận (tiêu chí 1) và số tiền chi trả (tiêu chí 2), các tháng còn lại đều đạt 100% cả 2 tiêu chí; huyện Đam Rông và Lạc Dương các tháng 3-6 đều đạt 100% (1) và (2). Thành phố Đà Lạt, cao nhất là tháng 1 và 2 đạt 98% (1) và 96% (2), thấp nhất là tháng 5 đạt 92,2% (1) và 87,3% (2)...; huyện Đạ Tẻh tháng 1 và 2 đạt 100%; các tháng còn lại từ trên 95%-97%. Đạt thấp nhất là huyện Bảo Lâm trong tháng 3 với 73,2% (1) và 72% (2); huyện Đức Trọng trong tháng 6 với 72,8% (1) và 73,4% (2)... Vì vậy, bà Ngọc không thừa nhận thông tin phản ánh từ các phòng LĐTB-XH cho rằng nhiều đối tượng không nhận được trong tháng; thậm chí, huyện Di Linh cho biết gần 500 triệu đồng chưa chi (tại thời điểm sơ kết 6 tháng) và huyện Đạ Tẻh cho rằng: chưa tháng nào Bưu điện trả hết, có tháng còn một nửa, tháng nào bên chi trả cũng trả phần dư về phòng LĐTB-XH. Bà Phạm Thị Ngọc cũng cung cấp kết quả thăm dò ý kiến đợt chi trả trợ cấp BTXH thông qua Bưu điện tháng 11/2012 với 2.855/3.000 số phiếu thu về như sau: 99,5% cho rằng “thuận tiện”; 99,8% cho rằng “thời điểm nhận trợ cấp ổn định hơn so với trước đây”; thời gian chờ nhận trợ cấp có 96,2% “rất nhanh” và “nhanh”; “rất hài lòng” 56,7%, “hài lòng” 40,4%, “không hài lòng” 0%; đánh giá chung việc chi trả: “rất tốt” 58,4%; “tốt” 37,1%; “đạt yêu cầu” 4,6% và “chưa đạt yêu cầu” 0%.
Khảo sát của Phòng LĐTB-XH Đà Lạt về chi trả TCXH sau hơn 1 năm thực hiện qua dịch vụ bưu điện tại báo cáo ngày 7/8 cho biết, năm 2013, số người chưa nhận trợ cấp tăng so với năm 2012. Qua 16 phường, xã trên địa bàn có 99 đối tượng chưa nhận trợ cấp, trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu do phía đối tượng BTXH như quên nhận, bận việc, đi chữa bệnh… Qua 157 đối tượng đang nhận TCXH thì đa số hài lòng với sự phục vụ của Bưu điện; thái độ phục vụ nhiệt tình và nhanh chóng; đa số chi đúng, chi đủ và kịp thời… Điều này cho thấy mức độ triển khai thành công ở mỗi địa bàn khác nhau.
Qua trao đổi với Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở LĐTB-XH Dương Văn Tín, ông cho biết: Dựa vào số liệu chi trả của Bưu điện chuyển qua, ngành sẽ tính trích phần % cho dịch vụ, khi có thắc mắc thì mới kiểm tra. Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ chăm sóc bà mẹ trẻ em, tổng số đối tượng BTXH đến thời điểm 31/7/2013 toàn tỉnh là 26.165 đối tượng; tổng kinh phí chi trả 49.559.860.000 đồng. Vấn đề kinh phí thực hiện, Thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Tài chính-Bộ LĐTB&XH, ngày 18/8/2010 nêu rõ tại chương III về nội dung chi và mức chi cho công tác quản lý. Bao gồm nhiều mục từ văn phòng phẩm; in ấn biểu mẫu, danh sách; mua sổ, sách, tài liệu đến họp điều tra, rà soát, thống kê số liệu; tuyên truyền, phổ biến chính sách; xét duyệt, thẩm định hồ sơ… Nguồn chi này được điều tiết từ vốn sự nghiệp của ngân sách. Giám đốc Sở LĐTB&XH Trương Ngọc Lý lưu ý cán bộ của mình cần phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ngành Bưu điện và cùng tháo gỡ. Mặt khác, theo chúng tôi, lĩnh vực chi trả TCXH rất cần những người trực tiếp chi trả chia sẻ nhiều hơn với thái độ ân cần và tấm lòng nhân ái đối với các đối tượng. Chỉ có sự đồng lòng và tận tâm của các bên thì chính sách ưu việt của Nhà nước mới ngày càng có hiệu quả.
MINH ĐẠO