Chuyện người nông dân say mê khoa học

04:08, 29/08/2013

Tận tụy trong công việc, luôn mày mò học hỏi, quyết chí lập nghiệp để vượt qua đói nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống là những phẩm chất thường thấy ở nông dân Vũ Văn Pháp…

Tận tụy trong công việc, luôn mày mò học hỏi, quyết chí lập nghiệp để vượt qua đói nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống là những phẩm chất thường thấy ở nông dân Vũ Văn Pháp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh (TP Bảo Lộc).

Lớn lên cùng mảnh vườn và cây cà phê, hơn ai hết Vũ Văn Pháp (sinh năm 1957), tại thôn Thanh Hương 2, xã Lộc Thanh hiểu rõ bao nỗi vất vả, khó nhọc của người nông dân trong việc phơi khô cà phê mỗi độ vào mùa thu hoạch. Nhiều bà con tận dụng luôn cả những con đường liên xóm, liên thôn để làm sân phơi. Và, không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra chỉ vì thiếu sân phơi. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, nông dân Vũ Văn Pháp tự mày mò, nghiên cứu và đã cho ra đời lò sấy cà phê hai mặt. Ưu điểm của lò sấy này là không cần phải đảo mà chất lượng cà phê sấy vẫn đạt theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nông dân Vũ Văn Pháp đang kiểm tra lượng nhiệt lò sấy
Nông dân Vũ Văn Pháp đang kiểm tra lượng nhiệt lò sấy


Vũ Văn Pháp chia sẻ: “Tôi đâu phải nhà khoa học. Chỉ vì thấy bà con nông dân vất vả quá, nên cố làm thử. Sau nhiều lần đập đi làm lại, cuối cùng lò sấy cà phê cũng đã thành công”. Có được thành công bước đầu, nhưng nông dân Vũ Văn Pháp vẫn chưa tự tin với hệ thống lò sấy 2 mặt của mình, chỉ khi các đồng nghiệp ở Hội Nông dân TP Bảo Lộc bảo gửi mô hình lò sấy đi dự Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh do Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức năm 2011, máy sấy cà phê 2 mặt đã đoạt được giải ba, ông mới thật sự tự tin trước thành quả lao động của mình. Từ đó, ông tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm hệ thống lò sấy nhằm hạ giá thành sản xuất cũng như chất lượng sấy. Nhiều nông dân từ Đắc Lắc, Đắc Nông và các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng đã đến tham quan mô hình máy sấy cà phê 2 mặt của ông để về áp dụng.

Hệ thống lò sấy cà phê của nông dân Vũ Văn Pháp rộng khoảng 18 m2, bao gồm: Một lò đốt, lò chứa hơi nóng, hệ thống cánh quạt và buồng sấy. Đường kính cánh quạt dài 90 cm dùng để hút hơi nóng vào buồng sấy. Buồng sấy được chia làm 2 ngăn. Phía dưới của ngăn dưới có 2 lỗ dùng để thoát hơi khi sấy mặt trên. Nguyên liệu đốt là vỏ hoặc cành cà phê. Thời gian sấy khô 1,7 tấn cà phê nhân là 17 tiếng đồng hồ. Trong đó, 7 tiếng sấy ở mặt dưới, 7 tiếng sấy ở mặt trên, 3 tiếng còn lại để chỉnh sửa và hoàn thiện mẻ sấy. “Để phơi xong 1,7 tấn cà phê nhân bằng ánh nắng mặt trời, phải mất 2 tuần và tốn 4,5 triệu đồng tiền công. Nhưng với lò sấy cà phê 2 mặt của tôi, chỉ cần 1 người làm trong vòng 17 tiếng đồng hồ là xong” - ông Vũ Văn Pháp nói.

Ông Phạm Ngọc Điều - người sử dụng mô hình lò sấy cà phê do ông Vũ Văn Pháp sáng chế, cho biết: “Sử dụng lò sấy cà phê này, ngoài việc bớt được lao động, giảm chi phí còn góp phần bảo vệ môi trường. Cà phê sau khi sấy có thể giữ 5 - 6 tháng mà chất lượng vẫn đảm bảo”. Cũng theo ông Phạm Ngọc Điều: “Làm lò sấy cà phê 2 mặt không khó, chi phí cũng không quá cao, khoảng 70 triệu đồng là có thể xây một lò sấy đúng kỹ thuật. Sau đó, cứ thế mà sử dụng”.

Khoa học không chỉ hướng tới những vấn đề cao siêu, khoa học còn phục vụ những nhu cầu cụ thể, giản đơn và gần gũi của con người. Bằng ý tưởng sáng tạo, niềm say mê, nông dân Vũ Văn Pháp đã “tự cứu mình” và làm cho người lao động bớt phần vất vả. Nông dân Vũ Văn Pháp chính là hình mẫu của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở xã Lộc Thanh trong việc nói đi đôi với làm. Trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, cá nhân ông đã đóng góp 67 triệu đồng và hiến 1.000 m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn.

TRỊNH CHU