Con đường từ sức dân

04:08, 18/08/2013

Những con đường đất quanh co, lầy lội ngày nào giờ đây đã được "cứng hóa" bằng bê tông thông thoáng, sạch sẽ. Và, nhiều người dân thôn Hương Sơn (xã Hương Lâm, huyện Đạ Tẻh) lại tiếp tục râm ran bàn nhau về các dự định làm đường.

Những con đường đất quanh co, lầy lội ngày nào giờ đây đã được “cứng hóa” bằng bê tông thông thoáng, sạch sẽ. Và, nhiều người dân thôn Hương Sơn (xã Hương Lâm, huyện Đạ Tẻh) lại tiếp tục râm ran bàn nhau về các dự định làm đường.

Con đường làm bằng sức dân
Con đường làm bằng sức dân


“Trước khi bắt tay vào xây dựng 2 tuyến đường này, chúng tôi tiến hành họp dân, thăm dò tâm tư, nguyện vọng của bà con xem có gì vướng mắc để tìm cách tháo gỡ. Khi bà con đã đồng tình ủng hộ, chúng tôi giải thích cặn kẽ cho bà con rõ phần việc mình làm gì, đến đâu; còn Nhà nước hỗ trợ những gì, rồi công khai các khoản tài chính để nhân dân giám sát, kiểm tra” - Trưởng thôn Hương Sơn Vũ Văn Thạch vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vừa tự hào tâm sự.

Với một thôn khó như Hương Sơn, việc người dân tự đóng góp gần 400 triệu đồng và 1.500 ngày công để hoàn thành 2 tuyến đường (xóm 1: 220 m, xóm 2: 660 m) vào cuối tháng 11/2012 là cả một nỗ lực lớn. Toàn thôn chỉ có 96 hộ với hơn 400 nhân khẩu và nhiều gia đình trong số đó cuộc sống cũng chẳng khá giả gì. Cây trồng chính của bà con là cây lúa nước và cây điều. Song, việc trồng lúa nước lại không tự chủ được việc tưới tiêu, mà hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Các nông sản làm ra thì gặp khó khăn trong vấn đề “đầu ra”; phương tiện, đường sá xa nên chi phí vận chuyển lớn. Do đó, việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là một thách thức cho cán bộ thôn. Tuy nhiên, cán bộ thôn ở đây đã biết cách phát huy sức mạnh từ dân bằng cách đưa ra chủ trương rồi giao hẳn quyền tự quyết tất cả các công đoạn cho dân: Tự dân bàn, dân hạch toán, dân kiểm tra... Nhờ vậy, đã tạo được sự đồng thuận từ trên xuống dưới và gia đình nào cũng nhiệt tình ủng hộ. Những hộ dân có nhà cửa, cây cối trong phạm vi mặt đường đã tự nguyện hiến đất, giải tỏa cây cối, hoa màu, không đòi hỏi một khoản đền bù nào.

Bà Bế Thị Phượng, một người dân hiến đất làm đường ở xóm 2, nhớ lại: “Tuy cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khi được tin trải thảm bê tông 2 con đường là tôi đăng ký tham gia ngay. Bởi con đường không chỉ làm cho bộ mặt nông thôn đẹp hơn, mà việc vận chuyển hàng hóa, nông sản cũng dễ dàng; việc đi học của bọn trẻ cũng thuận tiện hơn rất nhiều”.

Trưởng thôn Vũ Văn Thạch chia sẻ thêm: “Vào đầu mùa khô tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tiếp tuyến đường Ông Biển (giáp ranh giữa thôn Hương Sơn và thôn Hương Thanh), với tổng chiều dài 225 m. Dự kiến kinh phí để làm con đường này vào khoảng 260 triệu đồng và người dân Hương Sơn sẽ đóng góp khoảng 150 triệu đồng”. Cũng theo ông Thạch, sau khi tuyến đường Ông Biển hoàn thành, thì việc cứng hóa đường liên thôn, liên xóm ở Hương Sơn coi như đạt 100%.

Ông Ngô Văn Tố - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm, cho biết: “Thôn Hương Sơn là thôn điểm về xây dựng đường giao thông nông thôn của xã Hương Lâm và huyện Đạ Tẻh. Và, Hương Lâm cũng là thôn đầu tiên của xã đứng ra nhận vật liệu để xây dựng đường giao thông nông thôn. Từ thực tiễn ở thôn Hương Sơn, chúng tôi sẽ nhân rộng ra trên địa bàn toàn xã”.

TRỊNH CHU