(LĐ online) - Năng động, dám nghĩ, dám làm là những gì người dân và lãnh đạo của 5 xã vùng sâu huyện nghèo Đam Rông cảm nhận và đánh giá về những Phó Chủ tịch xã trong đề án 600 sau 02 năm họ về nhậm chức.
(LĐ online) - Năng động, dám nghĩ, dám làm là những gì người dân và lãnh đạo của 5 xã vùng sâu huyện nghèo Đam Rông cảm nhận và đánh giá về những Phó Chủ tịch xã trong đề án 600 sau 2 năm họ về nhậm chức.
Ngay sau khi có Quyết định phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND xã, các đội viên dự án được phân công công tác tại 5/8 xã của huyện đã nhanh chóng bắt tay vào công việc trên các lĩnh vực được phân công và một số công việc do Chủ tịch UBND xã ủy quyền. Trong đó, các đội viên đã tích cực xuống các thôn, buôn để nắm bắt tình hình về đời sống, phong tục tập quán và tâm tư tình cảm của bà con, từ đó có biện pháp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có hướng giải quyết kịp thời; vận dụng những kiến thức đã được học để hướng dẫn bà con chuyển đổi những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện chăm sóc của từng hộ dân và mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, một số đội viên đã có nhiều sáng kiến hay về giải quyết vấn đề dân di cư tự do, về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi, về những kỹ năng trong quản lý, điều hành, từ đó áp dụng hiệu quả tại địa phương. Ngoài ra, các đội viên cũng đã phối hợp với các bộ phận liên quan vận động người dân trên địa bàn hiến đất xây dựng nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông nông thôn và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các chức sắc tôn giáo, tín đồ sống và làm việc theo chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: “Có thể nói việc triển khai Đề án 600 của chính phủ đã tăng cường cho huyện một đội ngũ tri thức có năng lực trình độ về làm Phó Chủ tịch các xã. Từ khi dự án được triển khai, các đội viên về công tác tại các xã đã phát huy được năng lực và khả năng hiểu biết của mình, để vận dụng vào công việc thực tế ở địa phương, từ đó giúp cho các xã thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển KT - XH ở địa phương”.
Anh Trương Hữu Tư - Đội viên Dự án 600 xã Đạ Long chia sẻ: "Cũng giống như tôi, phần lớn các đội viên đều có tuổi đời và tuổi nghề chưa nhiều, đặc biệt phải công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS với sự bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, nên khó khăn và thách thức dành cho mỗi người là không nhỏ. Tuy nhiên, với nỗ lực, sự đam mê của tuổi trẻ, thêm vào đó là sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp cho các chúng tôi vững tin vượt qua được những khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".
Tuy nhiên, quá trình công tác của các đội viên chưa nhiều, nên còn hạn chế về kinh nghiệm quản lý, điều hành và giải quyết các công việc được giao, đây cũng chính là hạn chế lớn nhất của các trí thức trẻ ưu tú khi về làm Phó Chủ tịch xã. Ông Trần Đức Bắc - Trưởng phòng Nội vụ huyện Đam Rông, cho biết: “Bên cạnh những mặt đạt được thì các đội viên cũng còn nhiều khuyết điểm, đó là việc tiếp cận với công việc còn chậm, một số đội viên chưa thật sự mạnh dạn áp dụng những kiến thức đã được học vào thực tế và chưa thật sự sâu sát với nhân dân. Từ đó, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết công việc chưa thật sự hiệu quả”.
Mới sau hai năm tiếp cận với công việc mới, hoàn toàn mới lạ, trên những địa bàn khó khăn, văn hóa, phong tục khác biệt... Chừng ấy thời gian không thể đủ để đánh giá, khẳng định sự thành công hay thất bại của một dự án. Nhưng ở Đạ Long, Đạ M'rông, Phi Liêng, Liêng Srônh, Rô Men, những xã nghèo ở một trong những huyện nghèo nhất nước, "các vị" Phó Chủ tịch xã như một luồng "gió mới" tràn đầy sinh khí, giúp cho lộ trình thoát nghèo của các xã có thêm sự tươi mới.
Thực hiện Quyết định số 170 ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo, huyện Đam Rông đã được tăng cường 5 đội viên tri thức trẻ về đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch tại 5/8 xã. Qua sơ kết giai đoạn 1 (2011 - 2012) các địa phương có trí thức trẻ về công tác đều khẳng định các đội viên đều năng động, dám nghĩ, dám làm và bước đầu sự đóng góp của họ đã mang lại những kết quả tích cực. |
Tuấn Linh