Từ nay đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng mỗi năm đào tạo 26 - 27 ngàn lao động nông thôn bằng nhiều hình thức; góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 25% năm 2010 lên 40% năm 2015 và 50% vào năm 2020...
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng mỗi năm đào tạo 26 - 27 ngàn lao động nông thôn bằng nhiều hình thức; góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 25% năm 2010 lên 40% năm 2015 và 50% vào năm 2020. Theo lộ trình này, huyện Lâm Hà là địa bàn thực hiện có hiệu quả và cũng cho thấy những đòi hỏi từ thực tiễn.
Sản phẩm thổ cẩm của bà Rơ ông Ka Ri xã Đạ Đờn chất lượng nhưng không có đầu ra |
Trong 3 năm (2010-2012) và 6 tháng đầu năm 2013, huyện Lâm Hà đã đào tạo được 80 lớp với hơn 2.285 học viên thuộc Đề án 1956 của Chính phủ; trong đó hơn 67% là học viên đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài các nghề phi nông nghiệp như thêu, đan và móc len, đan mây tre, thì chủ yếu là những nghề gắn với lao động sản xuất của người nông dân như: trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cà phê; sửa chữa máy nông nghiệp; trồng dâu nuôi tằm; sử dụng và sửa chữa máy kéo; thú y. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, Lâm Hà tổ chức được 8 lớp với 280 học viên, tổng kinh phí 294 triệu đồng; trong đó, 3 lớp thêu, móc len 105 học viên tại xã Tân Văn, Đông Thanh, cụm các xã Nam Ban; 1 lớp trồng dâu nuôi tằm tại xã Tân Văn; 4 lớp trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cà phê tại các xã Tân Thanh, Đạ Đờn, Đông Thanh và Phúc Thọ. Tạo điều kiện cho người học, các lớp này được linh hoạt tổ chức tại hội trường thôn. Nội dung giảng dạy do 2 sở LĐTB&XH và NN-PTNT phối hợp biên soạn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Đinh Tấn Bái, công tác đào tạo nghề nông nghiệp đã đáp ứng cho hầu hết số học viên sau khi kết thúc khóa học. Sau khi được đào tạo, người lao động đã nắm vững các kỹ thuật, áp dụng vào trồng mới cà phê, thu hoạch và bảo quản cà phê, trồng dâu nuôi tằm chi phí nhân công giảm hơn trước, năng suất cây trồng cũng tăng hơn, lượng phân bón trên đơn vị diện tích cây trồng có giảm hơn. Minh chứng điều này, Phòng NN-PTNT huyện cho biết, nông dân biết phòng ngừa được 2 bệnh cơ bản trên cây dâu là bệnh mủ, hoại huyết; ứng dụng trồng giống mới có chất lượng và sản lượng cao như S7C7, VA201; nhận diện được nguyên nhân bệnh vàng lá, nấm trên cây cà phê để xử lý hiệu quả…Theo đó, năng suất cà phê có ứng dụng công nghệ sinh học đạt bình quân 3-4 tấn/ha trở lên còn chưa ứng dụng chỉ đạt 2,6-2,7 tấn.
Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Đạ Đờn, ông Đặng Đình Thỏa khẳng định: Việc mở lớp trong 3 tháng là rất hợp lý, vì bà con nông dân tiếp thu được kiến thức bài bản, có hệ thống. Nhờ đó mà 6 tháng đầu năm 2013, tổng diện tích cà phê của Đạ Đờn lên tới hơn 4 ngàn ha, đạt 111% kế hoạch năm; trong đó chuyển đổi, ghép chồi cà phê già cỗi năng suất thấp đạt 90% kế hoạch. Đối với lúa đông xuân đạt 98% kế hoạch năm, năng suất đạt 55 tạ/ha (107% kế hoạch), sản lượng đạt 935 tấn (106% kế hoạch). Nhưng ông Thỏa cũng thừa nhận rằng, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào không có đầu ra và cũng chưa tổ chức được lớp truyền nghề, nên xã đang rất tâm tư việc phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa và nâng cao đời sống của người dân từ chính nghề của họ. Đối với nghề sửa chữa máy nông nghiệp, theo Phòng LĐTB&XH huyện, đại đa số lao động sau đào tạo đã sửa chữa được những hư hỏng nhỏ, một số học nghề hàn đã tự mở tiệm riêng, số khác đi làm thuê với mức lương từ 3-3,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, qua công tác đào tạo nghề lao động nông thôn ở huyện Lâm Hà, một số xã, thị trấn chưa thật sự quan tâm, vì vậy việc tuyên truyền về các chính sách dạy nghề của Nhà nước đối với nhân dân chưa sâu rộng. Việc học nghề, nhất là nghề kỹ thuật đòi hỏi phải phối hợp giữa lý thuyết và thực hành, nhưng sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, người học sắp xếp thời gian học hạn chế, nên cần giảm học lý thuyết và tăng thực hành theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị dạy nghề, phòng chuyên môn và các địa phương thì hiệu quả đào tạo mới cao. Một số bất cập khác như cơ sở vật chất của cơ sở dạy nghề còn hạn chế; đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu; trình độ học vấn của người học không đồng đều…Mặt khác, kinh phí hỗ trợ dạy nghề còn thấp, chưa thúc đẩy động lực cho các cơ sở dạy nghề tổ chức với quy mô lớn hơn và chất lượng hơn.
MINH ĐẠO